Sau khi tốt nghiệp đại học, Jian làm cho công ty gia đình. Anh được xem là "cổ phiếu có tiềm năng" trên thị trường hẹn hò.
Trong vài năm qua, cha mẹ đã sắp xếp hơn 10 buổi mai mối, nhưng Jian vẫn độc thân và ngày càng phản đối sự quan tâm cũng như nỗ lực của gia đình. "Thật khó để tìm người phù hợp. Tôi không muốn chỉ cưới cho xong", anh nói.
Đối với Jian, hôn nhân không phải là lựa chọn khẩn cấp và cần thiết trong kế hoạch cuộc sống lúc này. So với độc thân, anh lo lắng hơn việc bị mắc kẹt trong một mối quan hệ không tốt đẹp.
Huang Feiling, 31 tuổi, làm việc ở Thượng Hải cũng chung quan điểm. Đang trong độ tuổi kết hôn và liên tục chịu thúc ép, cô không hề lo lắng hay tuyệt vọng về việc kết hôn.
Cô gái quê Ninh Đức, Phúc Kiến cho biết mặc dù cũng khao khát được hỗ trợ về tinh thần và tình cảm, cô rất áp lực mỗi khi nghĩ đến hôn nhân là hai con người xa lạ sát cánh bên nhau, để đi con đường này cần rất nhiều kiên nhẫn và tận tâm.
"Những mối quan hệ tồi tệ sẽ ăn mòn chúng ta", cô nói.
Là một luật sư, Huang từng xử lý nhiều vụ ly hôn và chứng kiến những phụ nữ suy sụp sau khi gia đình tan vỡ. Điều này không làm cô ác cảm với hôn nhân, ngược lại, trải nghiệm của họ giúp cô nhận ra "sẽ phản tác dụng nếu bạn không ngừng theo đuổi nó". Với cô tình yêu, hôn nhân nên thuận tự nhiên, không cần phải mưu cầu.
Niềm tin của Huang về hôn nhân thể hiện thái độ, suy nghĩ của một bộ phận phụ nữ độc lập trong thời đại này. Họ có quyền lựa chọn và không còn coi hôn nhân là lựa chọn duy nhất của mình.
Trên các nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc, nhiều blogger tự nhận mình là "trao quyền cho phụ nữ", "sống tự do", "không kết hôn hay sinh con", "độc thân và sống một mình". Họ chia sẻ quan điểm về hôn nhân và cuộc sống độc thân, dường như đang rất thoải mái và tự do.
Một blogger 34 tuổi trên mạng xã hội Xiaohongshu với hàng chục nghìn người theo dõi cho biết không muốn kết hôn vì sống một mình vui hơn. Hàng nghìn người đồng tình rằng "bạn đã diễn đạt suy nghĩ của tôi thành lời".
Thống kê của Bộ Nội vụ Trung Quốc tháng 6/2023 cho thấy có 6,83 triệu cặp đăng ký kết hôn vào năm 2022, mức thấp kỷ lục kể từ năm 1986. Có gần 13,5 triệu cặp kết hôn năm 2013, nhưng số lượng đăng ký kết hôn đã giảm gần một nửa trong 9 năm qua.
Thanh niên Trung Quốc kết hôn muộn hơn. Theo số liệu điều tra dân số, độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 28 tuổi vào năm 2020, tăng 3,78 tuổi so với năm 2010.
Ye Guoqing, người làm nghề mai mối ở Quảng Châu cho biết lực lượng chính của hôn nhân hiện nay là thế hệ 8X và 9X. Họ có trình độ học vấn cao, độc lập về tài chính và tinh thần, biết mình muốn gì ở người bạn đời và hiểu rõ về hôn nhân.
"Hôn nhân không còn cần thiết đối với nhiều thanh niên và họ thà sống độc thân nếu không tìm được người đáp ứng tiêu chuẩn", bà mối này nói.
Giáo sư Zhou Xiaopu, Trường Báo chí và Truyền thông thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho biết ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ, đại đa số người sinh trước những năm 1980 coi kết hôn và sinh con là một phần tất yếu của cuộc sống. Nhưng sau những năm 1980, cùng với những thay đổi lớn trong xã hội, quan niệm về hôn nhân và sinh con của thế hệ trẻ cũng thay đổi đáng kể.
Zhou chỉ ra cần có rất nhiều lý do kết hợp lại để một thế hệ thay đổi suy nghĩ về hôn nhân, bao gồm điều kiện kinh tế, môi trường xã hội, giá trị và giáo dục văn hóa.
Chính sách một con khiến hầu hết thế hệ 8X, 9X không có anh chị em, lớn lên với sự quan tâm nhiều hơn, tự giác hơn và biết chính xác những gì họ muốn trong cuộc sống. Đối với họ, trì hoãn hoặc từ bỏ hôn nhân là một lựa chọn có ý thức.
Nhiều thanh niên phải đối mặt với áp lực nặng nề ở nơi làm việc, không có thời gian giao lưu, kết bạn. Hơn nữa, giá bất động sản cao ở các thành phố, chi phí nuôi dạy con cao và sự cạnh tranh gay gắt trong giáo dục đều ảnh hưởng đến sự sẵn lòng kết hôn và sinh con của người trẻ.
Kỳ vọng cao hơn của người trẻ đối với bạn đời là một lý do quan trọng nữa khiến thanh niên Trung Quốc khó kết hôn hơn. Họ lý trí và tính toán, kén chọn hơn sau ba năm xảy ra đại dịch.
Theo một báo cáo khảo sát do nền tảng hẹn hò Jiayuan của Trung Quốc công bố đầu năm 2023 về cách người Trung Quốc nhìn nhận hôn nhân và các mối quan hệ, hơn 95% thanh niên độc thân có kỳ vọng và mục tiêu đối với bạn đời tiềm năng. Trong đó, hơn 40% có kỳ vọng rõ ràng, 58% ưu tiên việc "điều chỉnh các mục tiêu cuộc sống cá nhân" là yếu tố quan trọng cần cân nhắc. Báo cáo cho rằng điều này sẽ khiến giới trẻ gặp khó khăn hơn trong việc tìm bạn đời lý tưởng.
Ye, người có 8 năm kinh nghiệm mai mối, chỉ ra rằng những người trong độ tuổi kết hôn đã thay đổi quan điểm về hôn nhân, đặc biệt sau đại dịch khi mọi người trải qua cảm giác bất ổn và mất kiểm soát trước những diễn biến trong tương lai, làm trầm trọng thêm xu hướng này.
Ye quan sát thấy nhiều người trẻ hiện nay cảm thấy không cần giấy đăng ký kết hôn và sẽ rất tốt nếu tìm được ai đó để cùng họ trải qua những ngày tháng. "Có nhiều người hẹn hò nhưng ít người kết hôn", cô nói.
Ye ước tính trong số các cặp mà cô mai mối, số người cuối cùng kết hôn chỉ bằng khoảng 1/3 so với 8 năm trước.
Trước tình hình hôn nhân của giới trẻ ngày nay, giáo sư Zhou cho rằng xã hội nói chung nên giải quyết vấn đề này, tìm cách hiểu những khó khăn mà các nhóm thanh niên khác nhau phải đối mặt và những lý do sâu xa đằng sau những thay đổi trong quan niệm hôn nhân, để tìm ra biện pháp giải quyết.
"Chỉ thông qua việc giải quyết các vấn đề thực sự của thanh niên và giảm bớt gánh nặng vật chất, tâm lý đối với hôn nhân và sinh con, chính quyền mới có thể nâng cao ý muốn kết hôn của giới trẻ và truyền cảm hứng cho nhiều người trong số họ bước vào hôn nhân", vị này nói.
Ý kiến ()