Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 09:39 (GMT +7)
Vì sao tỷ lệ trẻ em mắc COVID-19 thấp?
Chủ nhật, 10/10/2021 | 09:30:45 [GMT +7] A A
Khi dịch COVID-19 bùng phát, hàng loạt người trưởng thành nhập viện, tử vong vì căn bệnh này, tuy nhiên rất ít trẻ em nhiễm dù hệ miễn dịch chưa phát triển.
Khi COVID-19 ập đến, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) và nhiều tổ chức y tế tại các nước đều khuyến cáo tiêm vaccine sớm cho những người có nguy cơ phơi nhiễm cao, mắc bệnh nền, lực lượng tuyến đầu, người có hệ miễn dịch kém.
Trẻ em thuộc nhóm chưa được tiêm chủng. Tỷ lệ trẻ mắc COVID-19 hiện nay vẫn thuộc số ít. Đa số triệu chứng thường nhẹ.
Nhận diện virus xâm nhập sớm
USA Today dẫn lời PGS.TS Lael Yonker, Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, cho hay ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy hệ miễn dịch bẩm sinh của trẻ thường ngăn chặn lây nhiễm SARS-CoV-2 từ sớm, tiêu diệt virus và không cho chúng nhân lên.
Một nghiên cứu công bố năm 2020 của Đại học Y khoa Einstein phát hiện trẻ em có khả năng miễn dịch niêm mạc đặc biệt mạnh mẽ. “Lớp khiên bảo vệ” này nằm ở màng nhầy của mũi, cổ họng, mắt, miệng - những nơi đầu tiên virus tìm cách tấn công.
Các lớp màng hoạt động như bức tường đá bảo vệ khỏi kẻ xâm lược. Chúng được tạo ra từ các tế bào biểu mô nằm cạnh hệ miễn dịch. Đặc biệt, bên ngoài lớp màn là các protein hoạt động như lính canh, liên tục quét tìm vật thể lạ.
Khi phát hiện kẻ xâm nhập, chúng sẽ cảnh báo để các tế bào giải phóng interferon loại I, điều phối phản ứng miễn dịch của cơ thể, ngăn virus tiếp tục tấn công. Cơ chế này ở trẻ em được cho là đặc biệt nhanh nhạy.
Đào thải virus nhanh, hạn chế viêm
Ở một số F0, tình trạng viêm không kiểm soát có thể gây cục máu đông, suy hô hấp cấp tính, đe dọa tính mạng. Đây là hai nguyên nhân phổ biến gây tử vong ở bệnh nhân COVID-19 trưởng thành. Ở trẻ em, quá trình đào thải virus rất nhanh nên thường tránh được tình trạng viêm này.
Theo GS.TS Jeremy Luban, Đại học Y khoa Massachusetts, những trẻ khỏe mạnh thường có nhiều tế bào bạch huyết bẩm sinh. Các tế bào này có tác dụng làm dịu hệ miễn dịch khi nó hoạt động quá mức, sửa chữa tổn thương phổi.
Khi mới chào đời, các tế bào bạch huyết trong cơ thể rất nhiều. Nhưng số lượng này giảm dần theo tuổi tác. Ngoài ra, trẻ em và người lớn mắc COVID-19 đều có ít tế bào sửa chữa hơn nhóm không bị bệnh. Nam giới cũng có ít tế bào sửa chữa hơn phụ nữ. Điều này giúp lý giải nguyên nhân nam giới có nguy cơ tử vong vì COVID-19 cao hơn phụ nữ.
Ngoài ra, cả trẻ em và người lớn đều có thể mắc COVID-19 kéo dài với nhiều vấn đề về sức khỏe sau khi khỏi bệnh. Các nghiên cứu cho thấy khoảng 4-11% trẻ gặp triệu chứng dai dẳng hậu COVID-19.
Chuyên gia sinh học Kevan Herold, Trường Y Yale, cho biết trẻ em có hệ miễn dịch bẩm sinh mạnh mẽ hơn người lớn vì chúng đã trải qua nhiều bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trong vài năm đầu đời. Điều này khiến hệ miễn dịch ghi nhớ kháng thể. Bản chất, COVID-19 vẫn là bệnh viêm đường hô hấp cấp tính.
Đẩy nhanh tiêm vaccine COVID-19
Không phải tất cả trẻ em đều được bảo vệ trước COVID-19. Nhiều quốc gia đang chứng kiến số F0 là trẻ em nhập viện, tử vong tăng vọt.
Theo thống kê của UNICEF, số trẻ em tử vong do COVID-19 tại 78 quốc gia là 8.700, chiếm tỷ lệ 0,3%. Tại Mỹ, từ tháng 7, số bệnh nhi COVID-19 ở Mỹ đã tăng khoảng 240%.
Theo thống kê của Học viện Nhi khoa Mỹ, gần 30% ca nhiễm mới trong tuần đầu tháng 9 ở nước này là trẻ em (243.000 F0). Tổng số trẻ dưới 18 tuổi mắc COVID-19 tại Mỹ là 5,3 triệu ca, ít nhất 534 trường hợp tử vong. Gần một nửa số trẻ em nhập viện vì COVID-19 không mắc bệnh lý tiềm ẩn.
Tại châu Á, vào tháng 7, Indonesia ghi nhận trên 100 trẻ em tử vong mỗi tuần vì COVID-19, tỷ lệ cao nhất thế giới theo New York Times. Trên 800 trẻ em dưới 18 tuổi ở Indonesia đã tử vong vì SARS-CoV-2 kể từ khi đại dịch bùng phát, chiếm tỷ lệ khoảng 1%, phần lớn tập trung trong tháng 7.
Bên cạnh đó, trẻ em còn gặp thêm chứng bệnh hiếm gặp nhưng đe dọa tính mạng là hội chứng viêm đa hệ (MIS-C). Hội chứng này thường gặp ở trẻ mắc COVID-19 dạng nhẹ hoặc không triệu chứng. Song, chỉ sau một tháng, bệnh nhi bị buồn nôn, phát ban, sốt, tiêu chảy. Một số hình thành cục máu đông, huyết áp thấp đến mức báo động.
Chính vì tỷ lệ trẻ em mắc COVID-19, nhập viện, tử vong ngày càng tăng, các quốc gia đang ráo riết tiêm chủng vaccine cho nhóm dân số này.
Từ tháng 5, Mỹ và Canada là hai nước đầu tiên phê duyệt vaccine Pfizer để tiêm cho trẻ từ 12 tuổi trở lên, sau khi số ca mắc COVID-19 mới tăng vọt do biến chủng Delta.
Ở Anh, chương trình tiêm chủng cho người dưới 18 tuổi bắt đầu có hiệu quả ở một số vùng. Tất cả thanh thiếu niên 16-17 ở nước này đã bắt đầu tiêm vaccine từ ngày 23/8. Trẻ 12-15 tuổi dễ bị tổn thương về mặt lâm sàng cũng được chọn để ưu tiên tiêm từ thời điểm nói trên.
Tại EU, ngày 28/5, Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) phê duyệt việc sử dụng vaccine Pfizer cho trẻ em 12-15 tuổi. Theo Euronews, đây là loại vaccine COVID-19 đầu tiên EMA “bật đèn xanh” sử dụng cho trẻ em.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thận trọng khi phê duyệt vaccine COVID-19 cho trẻ em. Hiện tại, Pfizer là loại vaccine duy nhất WHO khuyến cáo tiêm được cho trẻ 12-15 tuổi. Song, khuyến cáo này cũng chỉ dừng lại ở mức nếu trong trường hợp nguy cơ tổn thương khi mắc bệnh ở trẻ cao hơn, không khuyến khích tiêm đại trà.
Trong bản sửa đổi ngày 21/8 về vaccine COVID-19 nói chung, WHO nhấn mạnh trẻ em không nên tiêm vào lúc này. Theo WHO, chưa có đủ bằng chứng về việc tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em. Người dưới 18 tuổi có xu hướng mắc bệnh nhẹ hơn nhóm trưởng thành.
Theo Vtc
Liên kết website
Ý kiến ()