Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 09/11/2024 08:30 (GMT +7)
Viêm phổi do COVID-19 ở phụ nữ mang thai làm tăng nguy cơ sinh non, thai chậm phát triển...
Thứ 5, 19/08/2021 | 14:08:18 [GMT +7] A A
Viêm phổi do COVID-19 ở phụ nữ mang thai làm tăng nguy cơ sinh non, thai chậm phát triển và tử vong chu sinh, hướng dẫn tạm thời xử trí và dự phòng COVID-19 ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh do Bộ Y tế vừa ban hành cho biết.
Theo hướng dẫn này, khả năng lây nhiễm COVID-19 qua bánh nhau trong quá trình mang thai là rất thấp. Kết quả xét nghiệm dịch mũi, họng, hầu lấy ngay sau sinh ở trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm COVID-19 đều âm tính. Đường lây truyền qua giọt bắn là đường lây truyền chính khi trẻ tiếp xúc với người chăm sóc nhiễm COVID-19.
Về ảnh hưởng của COVID-19 đối với phụ nữ mang thai và thai nhi, các dữ liệu cho thấy nguy cơ mắc bệnh thể nặng của phụ nữ mang thai cao hơn so với nhóm bệnh nhân nữ còn lại. Phụ nữ mang thai mắc COVID-19 phải điều trị tích cực, thở máy và sử dụng ECMO có nguy cơ tử vong cao hơn.
Cho đến nay, không có bằng chứng về mối liên quan giữa COVID-19 và dị tật bẩm sinh, nhưng viêm phổi do COVID-19 ở phụ nữ mang thai làm tăng nguy cơ sinh non, thai chậm phát triển và tử vong chu sinh.
Tiêm vắc xin khi từ tuần 13 của thai kỳ và giai đoạn sau sinh
Bộ Y tế hướng dẫn để dự phòng COVID-19 cho phụ nữ mang thai, các cơ sở cung cấp dịch vụ sản khoa và chăm sóc trẻ sơ sinh được yêu cầu phân luồng, tổ chức sàng lọc từ nơi tiếp đón. Tùy tình hình có thể sàng lọc bằng test nhanh hoặc khai báo y tế; bố trí khu vực riêng cho ca nghi nhiễm.
Tại cơ sở cung cấp dịch vụ sản khoa, giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa các người bệnh. Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho phụ nữ mang thai từ tuần thứ 13 của thai kỳ trở lên hoặc giai đoạn sau sinh, kể cả khi đang nuôi con bằng sữa mẹ theo quy định hiện hành của Bộ Y tế.
Phụ nữ mang thai ở khu vực phong tỏa giảm số lần thăm khám trực tiếp, giảm thời lượng mỗi lần thăm khám, tăng cường thăm khám từ xa. Trường hợp nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19 cần hạn chế can thiệp sản khoa, trừ trường hợp cấp cứu (nhau tiền đạo/cài răng lược, ra máu nhiều, rau bong non, thai suy), hoặc bán cấp như vỡ ối, chuyển dạ hoặc khi mẹ có dấu hiệu trở nặng.
Mẹ nhiễm COVID-19 vẫn có thể cho con bú
Hướng dẫn này cho biết bà mẹ và người chăm sóc cần được tư vấn da kề da với trẻ và cho trẻ bú mẹ có lợi ích vượt trội hơn so với nguy cơ có thể của việc lây truyền COVID-19. Bà mẹ đeo khẩu trang y tế hoàn toàn, kể cả trong thời gian cho con bú; thay khẩu trang ngay khi thấy khẩu trang bị ẩm và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.
Bà mẹ nhiễm COVID-19 không triệu chứng, thể nhẹ và trung bình, cơ sở y tế thực hiện quy trình chăm sóc sơ sinh thiết yếu và chăm sóc thường quy như mọi trẻ em khác. Tùy tình hình, địa phương bố trí trẻ riêng phòng hoặc nằm cách mẹ 2m, nhân viên y tế hỗ trợ mẹ cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn.
Bà mẹ mức độ nặng hơn, nhân viên y tế có thể hỗ trợ mẹ vắt sữa cho trẻ hoặc sử dụng sữa từ ngân hàng sữa mẹ nếu mẹ không đủ sữa. Khi mẹ ổn định, trẻ cần được ở chung phòng với mẹ và được bú mẹ sớm.
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()