Ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) bày tỏ tiếc nuối khi hàng năm Việt Nam bỏ phí khoảng 20 triệu tấn rơm.
“Tỉ lệ thóc, rơm là 1/1. Mỗi năm Việt Nam có khả năng sản xuất 43 triệu tấn thóc, theo đó sẽ có 43 triệu tấn rơm. Nhưng Việt Nam chỉ sử dụng được khoảng 23% sử dụng lại cho mục đích chăn nuôi, một phần sử dụng trong trồng trọt, còn đa phần là đang để phí hoài, chưa tái sử dụng được: Hoặc nông dân đốt bỏ, hoặc để phân hủy trong tự nhiên” – ông Tống Xuân Chinh nói.
Ông Chinh cho rằng, mỗi tấn rơm được rao bán trên Amazon có giá từ 80-100 USD, nhưng Việt Nam lại bỏ lãng phí cả tỉ USD khi đến gần 50% phụ phẩm rơm bị vứt bỏ. Đây là tiềm năng lớn nhưng Việt Nam chưa tận dụng hết vì thiếu thốn về công nghệ. Muốn khai thác phụ phẩm rơm từ cây lúa, cần có công nghệ và cơ giới hóa đồng bộ, ví dụ có máy móc để đồng thời vừa tuốt lúa, vừa đóng vào bao, phun hóa chất để biến rơm thành phụ phẩm để xuất khẩu.
Ngành chăn nuôi với 61,4 triệu tấn phân gia súc gia cầm cũng chỉ tận dụng được 23% để sản xuất phân bón hữu cơ. Còn lại đang bị bỏ phí chưa tái sử dụng để ứng dụng trong chuỗi trồng trọt - chăn nuôi theo chuỗi liên hoàn, khép kín.
Ông Tống Xuân Chinh cho rằng, chỉ có ngành thủy sản là tận dụng tốt nhất phụ phẩm sau chế biến, điển hình là tách chiết collagen trong da cá tra để làm mỹ phẩm (colagell), vảy cá được sấy khô, nghiền nhỏ để chế biến nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thậm chí xuất khẩu.
Cũng chung y kiến về nguồn phụ phẩm sau thu hoạch bị lãng phí, chiều 21.10, tại tọa đàm "Giải pháp phát triển nguyên liệu, tận dụng phụ phẩm sản xuất thức ăn chăn nuôi, giảm phụ thuộc nhập khẩu”, bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đánh giá: Phụ phẩm có nhiều vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, trong thời gian qua Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã đẩy mạnh dự án kinh tế tuần hoàn, sử dụng chế phẩm, phụ phẩm chăn nuôi.
Ngoài rơm, hiện còn một số phế phụ phẩm ngoài việc thu gom, phân loại, sản phẩm đệm lót sau chăn nuôi gà thịt, gà đẻ trứng. Bên cạnh đó, còn có các phế phẩm của nhà máy giết mổ như lông, tiết… đều có thể bán, các cơ sở giết mổ đều có thể thu hoạch, xử lý để làm gối, sản phẩm nào không dùng đến thì có thể làm sản phẩm phân bón cho ngành trồng trọt.
Ứng dụng công nghệ, giảm trung gian để giảm giá thành
Theo Bộ NNPTNT, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ NNPTNT xây dựng 5 đề án trong đó có Đề án công nghiệp hóa thức ăn chăn nuôi, giảm 5-10% nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Bộ NNPTNT cũng đã giao Cục Chăn nuôi xây dựng dự thảo Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, trong đó có giải pháp quan trọng là tận dụng các phụ phẩm trong nông nghiệp với khối lượng lên đến hàng trăm triệu tấn.
Theo đó, cần chủ động 1 phần nguồn nguyên liệu, cụ thể là ngô và đậu tương. Phải có các cánh đồng mẫu lớn để áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới đưa máy móc vào, mà muốn làm được điều này phải sửa Luật Đất đai, cho tăng ngưỡng số lượng đất đai được tích tụ. Bên cạnh đó, cần sử dụng hiệu quả nguồn phế phụ phẩm lớn, coi đây là đầu vào hay nói đúng hơn là thực hiện nông nghiệp tuần hoàn.
Trong mối quan hệ tương hỗ, ngành trồng trọt đang chú trọng chuyển đổi nhanh diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các nguyên liệu phục vụ ngành sản xuất chăn nuôi; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; áp dụng quy trình chăn nuôi để tiết kiệm chi phí đầu vào, tạo ra sản phẩm chăn nuôi chất lượng, giá thành hạ. Đồng thời, phấn đấu giảm khâu trung gian, đại lý để giảm giá thành thức ăn chăn nuôi...
Ý kiến ()