Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 04:15 (GMT +7)
Ngành chăn nuôi khôi phục sản xuất
Thứ 7, 28/09/2024 | 11:34:56 [GMT +7] A A
Sau những thiệt hại do bão số 3, đối với lĩnh vực chăn nuôi tại nhiều địa phương trong tỉnh, nhiều hộ dù chịu ảnh hưởng nặng nề, song đã khẩn trương dọn dẹp chuồng trại và bắt đầu khôi phục sản xuất.
Bão số 3 đã khiến toàn bộ hạ tầng chuồng trại và 10.000 gia cầm, ao nuôi thủy sản của gia đình chị Nguyễn Thị Thủy (khu Bình Lục Thượng, phường Hồng Phong, TX Đông Triều) bị thiệt hại, ước 1,7 tỷ đồng. Trong quá trình chạy lụt do nước sông Kinh Thầy tràn vào, được sự giúp đỡ của bà con hàng xóm xung quanh, gia đình chị còn giữ được 5.000 con gà để tiếp tục tái thiết sản xuất. Chị Thủy tâm sự: Thiệt hại này không ai mong muốn nhưng còn người thì còn làm lại được. Vừa rồi sau khi nước rút, tôi đã dọn dẹp, vệ sinh, khử trùng chuồng trại và xung quanh bằng vôi bột, sau đó mới đưa gà về chuồng để nuôi. Hiện một số con bị yếu, tôi cũng đang chữa trị bằng thuốc để sớm khỏe lại. Những hộ bị thiệt hại sau bão như tôi và một số hộ xung quanh đây cũng mong được hỗ trợ kinh phí để có nguồn lực khôi phục lại kinh tế gia đình.
Thiệt hại đối với lĩnh vực nông nghiệp của TX Đông Triều là 1.700/2.600 tỷ đồng tổng thiệt hại toàn thị xã do bão gây ra. Riêng đối với lĩnh vực chăn nuôi ảnh hưởng rất lớn với hơn 239.000 gia súc, gia cầm bị chết do ngập nước, bị cuốn trôi, chiếm gần 59% tổng thiệt hại về đàn gia súc, gia cầm của cả tỉnh. Hiện nay, cùng với kiểm tra, rà soát, xác nhận thiệt hại cho bà con để làm căn cứ hỗ trợ, cơ quan chuyên môn hướng dẫn nhân dân vệ sinh, khử trùng môi trường chăn nuôi sau mưa, lụt để tiêu diệt các loại mầm bệnh, đảm bảo chăn nuôi an toàn.
Bà Lưu Thị Dương, Phó trưởng phòng Kinh tế TX Đông Triều, cho biết: Phòng Kinh tế cũng như các phòng, ban chuyên môn của thị xã tiếp tục hỗ trợ các xã, phường bị thiệt hại và hướng dẫn người dân chôn lấp, tiêu hủy gia súc, gia cầm bị chết do bão, lũ; tổ chức vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng ở những vùng trũng, ngập kéo dài, vùng có nguy cơ cao để khắc phục những bất lợi về môi trường để chuẩn bị các điều kiện cho hoạt động tái sản xuất trở lại của nhân dân. Thị xã chỉ đạo tiếp tục triển khai tiêm phòng định kỳ đến tận các thôn, hộ chăn nuôi.
Thiệt hại đối với ngành chăn nuôi toàn tỉnh sau bão rất lớn với trên 409.000 gia súc, gia cầm bị chết, trong đó nhiều nhất là các địa phương: Đông Triều, Quảng Yên, Hạ Long, Uông Bí, Tiên Yên. Hiện công tác hỗ trợ địa phương bị thiệt hại đang được ngành Nông nghiệp tập trung hỗ trợ về chuyên môn để nhân dân yên tâm tái đàn.
Bà Chu Thị Thu Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) cho biết: Chi cục đã phân công cán bộ đi đến các địa phương bị ảnh hưởng phối hợp với thú y cơ sở đến tận các cơ sở, hộ chăn nuôi hướng dẫn bà con khắc phục, cải tạo lại chuồng trại và môi trường chăn nuôi, nhất là khử trùng tiêu độc, dọn dẹp, khử trùng, rắc vôi bột; kiểm tra kiểm đếm thiệt hại cũng như tình trạng sức khỏe của gia súc gia cầm để có thể hỗ trợ tăng sức đề kháng cũng như vắc-xin phòng bệnh. Đơn vị cũng hướng dẫn các địa phương căn cứ theo Hướng dẫn số 2160/SNNPTNT-STC (ngày 6/7/2017) của liên Sở NN&PTNT, Sở Tài chính về hướng dẫn một số nội dung hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 1568/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh, cập nhật nhanh chóng để bà con hoàn thiện nhanh chóng hỗ trợ cho thiệt hại sau bão để nhân dân có điều kiện tái đàn.
Từ nay đến Tết Nguyên đán còn hơn 4 tháng nữa cũng đủ một chu kỳ chăn nuôi ngắn ngày đối với gia cầm và lợn, ngành Nông nghiệp khuyến khích và hỗ trợ bằng mọi cách để các cơ sở, hộ chăn nuôi sau khi đã vệ sinh môi trường sạch sẽ, lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, được cung cấp bởi những cơ sở cung ứng có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo quy định để nhanh chóng khôi phục lại sản xuất bình thường; tuyệt đối không tái đàn khi chuồng trại chăn nuôi chưa đảm bảo về môi trường và an toàn dịch bệnh.
Hải Hà
Liên kết website
Ý kiến ()