Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 00:00 (GMT +7)
Việt Nam chuẩn bị những gì để ứng phó với Thuế tối thiểu toàn cầu?
Thứ 3, 20/06/2023 | 22:24:08 [GMT +7] A A
Để áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu, cơ quan Thuế sẽ tập trung đề xuất áp dụng quy định về thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn và quy định về tổng hợp thu nhập chịu mức thuế này.
Để áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu, các nước cần đưa ra các quy định phù hợp vào trong hệ thống pháp luật.
Trao đổi với báo chí, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế, cho biết cơ quan Thuế sẽ tập trung đề xuất áp dụng quy định về thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) và quy định về tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR).
Ảnh hưởng lớn đến vị thế cạnh tranh
- Thưa ông, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến năng lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư vào Việt Nam?
Ông Lưu Đức Huy: Thuế tối thiểu toàn cầu có thể tác động đến vị thế cạnh tranh của Việt Nam trên nhiều phương diện.
Thứ nhất, việc áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ khiến các chính sách ưu đãi thuế hiện tại của Việt Nam trở nên kém hấp dẫn với các nhà đầu tư là các tập đoàn công ty đa quốc gia (MNE) thuộc đối tượng áp dụng.
Điều này có thể ảnh hưởng tới việc thu hút và mở rộng đầu tư chất lượng cao từ phía các Tập đoàn công ty đa quốc gia (các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của Việt Nam). Mặt khác, thuế tối thiểu toàn cầu cũng gây ra tác động không nhỏ tới các doanh nghiệp vệ tinh của các tập đoàn công ty đa quốc gia. Trong đó cần lưu ý đến khả năng xảy ra sự chuyển dịch đầu tư (từ Việt Nam sang quốc gia khác có chính sách ưu đãi hấp dẫn hơn, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn).
Hơn nữa, việc thiếu vắng các tập đoàn công ty đa quốc gia lớn cũng như các doanh nghiệp vệ tinh sẽ ảnh hưởng lớn tới môi trường đầu tư và vị thế cạnh tranh của Việt Nam trên quốc tế.
Thứ hai, việc chuyển dịch đầu tư từ các có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu phát triển công nghiệp quốc gia của Việt Nam. Bởi, các doanh nghiệp FDI ngoài những đóng góp về vốn đầu tư, tạo việc làm cho người lao động, các doanh nghiệp này đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực trong nước, xây dựng các hệ sinh thái ngành. Đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, các doanh nghiệp FDI có vai trò kết nối doanh nghiệp nội địa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, để góp phần phát triển công nghiệp Việt Nam.
Thứ ba, các tập đoàn MNE (như Samsung-Hàn Quốc) trong những năm vừa qua đã đóng góp nhiều vào tăng trưởng xuất khẩu và dự trữ ngoại hối của Việt Nam, vì vậy thuế tối thiểu toàn cầu cũng sẽ có tác động trên cả phương diện này.
Thứ tư, yếu tố ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đứng gần cuối danh sách những yếu tố thu hút đầu tư nước ngoài (chỉ chiếm khoảng 28%). Do đó, việc thay đổi chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp do tác động của thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng một phần trên phương diện các chỉ số xếp hạng tín nhiệm quốc gia, những yếu tố liên quan tới cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Hơn 1.000 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam bị ảnh hưởng
- Cụ thể, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ ngày 1/1/2024 sẽ tác động như thế nào đối với các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp của Việt Nam đầu tư tại nước ngoài?
Ông Lưu Đức Huy: Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông ở Việt Nam là 20%, về cơ bản đã đảm bảo quy định thuế tối thiểu toàn cầu.
Mặt khác, chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành đối với các doanh nghiệp FDI-nhiều trường hợp được hưởng nếu tính trong cả thời gian hoạt động bình thường của dự án (khoảng 50 năm) thì cũng không ưu đãi hơn so với mức nộp 15% (mức Thuế tối thiểu toàn cầu), trừ trường hợp dự án được kéo dài thời gian ưu đãi về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% từ 15 năm lên 30 năm và dự án được hưởng ưu đãi theo Quyết định số 29/2021/QĐ-TTg.
Tổng cục Thuế đã rà soát theo số liệu quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022, cả nước có khoảng 120 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam (với khoảng trên 1.000 doanh nghiệp) sẽ chịu ảnh hưởng của Thuế tối thiểu toàn cầu nếu loại thuế này được áp dụng từ năm 2024.
Theo đó, nếu các quốc gia khác đều áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu bắt đầu từ năm 2024, các quốc gia có công ty mẹ sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch ước tính khoảng trên 14.000 tỷ đồng trong năm 2024.
Đối với các Tập đoàn của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, Tổng cục Thuế đã đánh giá sơ bộ ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu tới 2 tập đoàn là Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Đối với Viettel, Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tại Đông Timor là thuế 10%. Khi Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu (Quy định IIR) trong khi Đông Timor không áp dụng quy định thuế tối thiểu nội địa bổ sung đạt chuẩn (QDMTT), Viettel có khả năng phải nộp thêm phần thuế thu nhập doanh nghiệp chênh lệch giữa thuế tối thiểu toàn cầu so với mức thuế thực tế tại Đông Timor.
Với Tập đoàn PVN, Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tại các nước về cơ bản đang chịu mức cao từ 30% đến 60%. Do đó việc áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu hiện tại không ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài của PVN.
Ứng phó thế nào?
- Ông có thể cho biết Tổng cục Thuế đã có những đề xuất chính sách thuế gì để thích ứng thuế tối thiểu toàn cầu?
Ông Lưu Đức Huy: Theo quy định tại Hiến pháp, Quốc hội “quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế.” Hiện nay, Tổng cục Thuế được Bộ Tài chính giao nhiệm vụ nghiên cứu đưa ra các quy định phù hợp trong hệ thống pháp luật. Vừa qua, ngành đã tham mưu cho Bộ Tài chính tổ chức và phối hợp với các bộ, ngành và Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội tổ chức các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế, để nghiên cứu các giải pháp để báo cáo Bộ Tài chính, Chính phủ, Quốc hội các phương án triển khai.
Thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ tăng cường công tác tham mưu cho Bộ Tài chính hệ thống các văn bản của Quốc hội, Chính phủ về quy định áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu theo đúng hướng dẫn của OECD (như: Quy định mẫu, Tài liệu diễn giải, Hướng dẫn hành chính, Hướng dẫn quy định miễn trừ và giảm phạt và các văn bản quy định chi tiết khác do Diễn đàn hợp tác chung OECD/G20 về quy định chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận ban hành).
Trong đó, các nội dung tập trung vào đề xuất áp dụng quy định về thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn và quy định về tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR).
- Xin cảm ơn ông!
Thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn sẽ thay đổi thứ tự các khu vực tài phán được quyền tính thuế bổ sung khi thuế suất thực tế của một đối tượng bị điều chỉnh giảm xuống dưới mức tối thiểu toàn cầu 15%. Quốc gia thực hiện thuế bổ sung tối thiểu nội địa sẽ được ưu tiên đầu tiên để thu thuế bổ sung từ các đối tượng nằm trong khu vực tài phán của mình.Nếu không có thuế bổ sung tối thiểu nội địa, nguồn thu đó sẽ được chuyển đến một quốc gia khác. Đối với các doanh nghiệp, tác dụng của thuế bổ sung tối thiểu nội địa là định hướng nơi phải trả khoản thuế bổ sung. Nếu áp dụng thuế bổ sung tối thiểu nội địa, các quốc gia sẽ giữ được quyền đánh thuế và các nhà đầu tư cũng xác định được nghĩa vụ phải đóng thuế bổ sung tại quốc gia đang thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh thay vì chuyển đến một quốc gia khác để nộp khoản thuế bổ sung này. |
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()