Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:26 (GMT +7)
Việt Nam: Cơ hội đan xen thách thức từ các yếu tố định hình kinh tế thế giới năm 2023
Thứ 4, 11/01/2023 | 11:37:19 [GMT +7] A A
Với các yếu tố định hình kinh tế thế giới năm 2023, Việt Nam sẽ đối mặt với những thách thức không hề nhỏ nhưng cơ hội mở ra cũng rất lớn nếu như có các giải pháp đồng bộ phù hợp. Xung quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chiến lược Trung Quốc.
Nhiều định chế tài chính cho rằng chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm kiềm chế lạm phát tăng cao và cuộc khủng hoảng năng lượng chưa có hồi kết sẽ là những yếu tố quan trọng định hình kinh tế thế giới trong năm 2023. Vậy quan điểm của ông về nhận định này như thế nào?
Chính sách chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương chủ chốt trên thế giới là một trong những tác nhân quan trọng tạo ra sự thu hẹp của cầu bên ngoài đối với các nền kinh tế bên ngoài cũng như sự suy giảm sản xuất của các nền kinh tế hiện nay. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần của những khó khăn cần lường trước cho năm 2023. Thực tế là lạm phát trên thế giới đã qua đỉnh trong khi lộ trình tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương sẽ theo biên độ giảm hơn nhiều so với năm 2022 vừa qua.
Tôi cho rằng có ba yếu tố khác tác động tiêu cực với kinh tế toàn cầu. Trước tiên ở góc độ tổng thể, chưa khi nào cả ba cực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu đều lao đao như hiện nay. Thực tế là vào năm 2008, khi kinh tế Mỹ có vấn đề thì kinh tế châu Âu và Trung Quốc vẫn ổn. Vào năm 2010, khi châu Âu bất ổn thì Mỹ đã phục hồi, còn Trung Quốc đang trên đà tăng trưởng tốt. Trong hai năm 2015 - 2016, khi Trung Quốc có trục trặc thì Mỹ và châu Âu đã phục hồi mạnh sau khủng hoảng. Tuy nhiên thời điểm hiện nay, lần đầu tiên vấn đề xuất hiện cùng lúc ở cả ba nơi. Cụ thể, Mỹ vẫn đối mặt với lạm phát cao. Tại châu Âu, lạm phát và giá năng lượng đang là vấn đề nan giải. Còn Trung Quốc đang gặp phải vấn đề thị trường tài sản và các tác động không mong muốn của chính sách "zero COVID". Thực tế cho thấy, trong mô hình kinh tế thế giới, Mỹ và châu Âu giống bên cầu, Trung Quốc giống bên cung. Vì vậy, chỉ cần một trong hai khu vực trục trặc, kinh tế toàn cầu sẽ rất khó khăn. Nếu hai khu vực này cùng gặp khó khăn vào cùng một thời điểm, nguy cơ kinh tế toàn cầu bị đình lạm càng rõ nét hơn.
Bên cạnh đó, yếu tố thứ hai sẽ tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu chính là hệ luỵ của chính sách thắt chặt tiền tệ mà các ngân hàng trung ương đã áp dụng trong thời gian qua để kiểm soát lạm phát cao. Theo đó, hệ lụy không chỉ là vấn đề với tỷ giá mà còn tạo ra áp lực lớn lên các nền kinh tế theo đuổi mô hình xuất khẩu hoặc dựa vào xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng.
Ngoài ra, tình trạng bất ổn của thị trường tài sản ở Trung Quốc cũng là điểm nóng mới cần theo sát. Với nền kinh tế thế giới, Trung Quốc là một đầu cầu tăng trưởng rất quan trọng. Theo dự báo mới nhất, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2022 chỉ bằng 50% so với mục tiêu. Nguyên nhân do chính sách "zero COVID", do biến động của thị trường tài sản ảnh hưởng lên tâm lý tiêu dung và sự suy giảm xuất khẩu. Đây chính là các tác nhân có thể làm ảnh hưởng bất lợi vớ triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2023.
Nhiều nhà phân tích, trong đó có Bloomberg Economics cho rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại và có thể mở cửa hoàn toàn trong năm 2023 sau thời gian dài bế quan tỏa cảng chống dịch COVID-19 sẽ là một biến số lớn với bài toán kiềm chế lạm phát của thế giới trong năm 2023. Vậy ông nhìn nhận như thế nào về cái nhận định này?
Trung Quốc có tác động rất lớn lên giá cả các hàng hóa cơ bản toàn cầu như đồng, nhôm, thép, dầu mỏ, nông sản... Về bản chất, việc nhập khẩu để tiêu dùng tại Trung Quốc rất nhỏ. Với đặc thù là nền kinh tế xuất khẩu nên nếu xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu không thể phục hồi, Trung Quốc sẽ không có nhu cầu nhập khẩu nhiều. Khi đó, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang các khu vực khác. Vì vậy, việc mở cửa của Trung Quốc có thể trở thành biến số của lạm phát nếu sự phục hồi của Mỹ và EU đủ nhanh để tạo ra cầu với xuất khẩu của Trung Quốc.
Tuy nhiên, số liệu thống kê cuối năm 2022 cho thấy tăng trưởng xuất khẩu Trung Quốc rất đáng ngại. Trong 10 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc khoảng 13% nhưng 80% đóng góp tăng trưởng là nhờ yếu tố giá xuất khẩu tăng, không phải bởi vì lượng tăng. Yếu tố lượng chỉ đóng góp khoảng 20 %. Đặc biệt, trong tháng 11 năm 2022, xuất khẩu Trung Quốc giảm 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái và là tháng giảm thứ hai liên tiếp (xuất khẩu Trung Quốc tháng 10 giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái). Đây cũng là mức giảm sâu nhất về xuất khẩu của Trung Quốc kể từ tháng 2/2020 - thời điểm đỉnh cao của phong tỏa và bùng phát dịch COVID-19 ở Trung Quốc. Những con số này cho thấy sự khó khăn thực sự đến từ bên ngoài và đến từ các chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ và EU đã tác động ngay đến các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu lớn như Trung Quốc.
Bên cạnh đó, vấn đề lạm phát của thế giới còn đến từ biến số Nga tại Ukraine bởi cuộc chiến này đã khiến thế giới đối mặt với cuộc khủng hoảng giá năng lượng. Vì vậy, lạm phát của thế giới năm 2023 không chỉ phụ thuộc vào biến số mở cửa của Trung Quốc mà còn phụ thuộc vào triển vọng giải bài toán khủng hoảng năng lượng của thế giới.
Với các yếu tố định hình kinh tế thế giới trong năm 2023, kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với những cái thách thức lớn như thế nào và đâu là các giải pháp cần phải tập trung triển khai để có thể giảm thiểu các tác động bất lợi từ bên ngoài, từ đó duy trì đà tăng trưởng và ổn định các cái cán cân kinh tế vĩ mô, thưa ông?
Tôi cho rằng Việt Nam đang đối diện với một thách thức lớn đến từ bên ngoài và hai thách thức đến từ bên trong nội tại. Theo đó, yếu tố bên ngoài chính là sự suy giảm rất lớn nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Thực tế là mức độ tăng trưởng của rất nhiều ngành hàng xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD của Việt Nam như gỗ và sản phẩm may mặc trong tháng 10 và tháng 11 năm 2022 đã giảm từ 30 - 40% so với cùng kỳ năm ngoái và so với tháng trước đó. Điều này cho thấy thị trường bên ngoài không còn đủ cởi mở hoặc đủ sức hấp dẫn cho hàng xuất khẩu trong năm 2023. Trong khi đó, xuất khẩu sụt giảm sẽ tác động lớn đến nhiều vấn đề xã hội của chúng ta, đặc biệt là vấn đề sa thải công nhân, thiếu việc làm, tăng tỷ lệ thất nghiệp ở các cái khu công nghiệp.
Ở trong nước, có hai cái thách thức đến từ nội tại. Thứ nhất, việc xử lý các sai phạm đối với cả thị trường trái phiếu cũng như hệ thống ngân hàng đang tạo ra những đứt gãy nghiêm trọng và vẫn chưa phục hồi hoàn toàn so với trước đây. Hệ luỵ sẽ là tình trạng tắc nghẽn của dòng vốn. Trong khi đó, với doanh nghiệp, chi phí vốn là một trong những rào cản rất là khó để có thể sản xuất kinh doanh nhưng vẫn không khó khăn bằng việc không có vốn hoặc là có vốn nhưng không tiếp cận được. Đây là những khó khăn nhãn tiền đòi hỏi Chính phủ phải có các biện pháp tháo gỡ quyết liệt để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn một cách nhanh nhất có thể với mặt bằng lãi suất phù hợp.
Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức này, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cũng có nhưng cơ hội lớn để có được các đơn hàng từ các đối tác trước đây của Trung Quốc trong bối cảnh Trung Quốc lừng khừng trong chính sách "zero COVID".
Thêm vào đó, sự thiếu hấp dẫn của mô hình kinh tế Trung Quốc phần nào khiến cho sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng ra khỏi quốc gia này sang Việt Nam càng nhanh hơn như bước chuyển của Foxconn, Apple, Adidas hay Samsung. Thực tế là trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang nổi lên như một trong những trung tâm mà các tập đoàn lớn lựa chọn để xây dựng các cái trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D).
Để tận dụng được những lợi thế đến từ bên ngoài như vậy, Việt Nam cần có các giải pháp đồng bộ. Cụ thể, khi doanh nghiệp nước ngoài đến, Việt Nam cần có hệ thống cơ sở hạ tầng công nghiệp tốt hơn, hệ thống văn phòng tốt hơn cũng như hạ tầng giao thông phải phát triển đồng bộ tương ứng hạn chế tình trạng tắc đường, kẹt xe. Tuy nhiên, để có hạ tầng giao thông, hạ tầng văn phòng, hạ tầng công nghiệp tốt hơn, các chính sách xử lý với những sai phạm liên quan đến các vụ án kinh tế cần phải mở những "làn xanh" để doanh nghiệp và địa phương có thể có các quyết sách mới trong đầu tư trong cái giai đoạn mới.
Một giải pháp quan trọng khác chính là xử lý các vấn đề của thị trường trái phiếu và ngân hàng nhằm vận hành trơn tru cả chính sách tiền tệ lẫn tài khóa. Đặc biệt, chính sách tài khóa cần phải đóng vai trò lớn hơn nữa thay vì chỉ tập trung vào chính sách tiền tệ như hiện nay để mở thêm nhiều cơ hội phát triển kinh tế cũng như tận dụng lợi thế có được khi các nền kinh tế bên ngoài chưa kịp quay trở lại quỹ đạo vốn có.
Xin cảm ơn ông!
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()