Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 19:16 (GMT +7)
Việt Nam có thể phóng vệ tinh radar đầu tiên vào năm 2025
Thứ 7, 20/01/2024 | 12:14:58 [GMT +7] A A
Khoảng cuối năm 2024, đầu năm 2025, Việt Nam có thể phóng lên vũ trụ vệ tinh radar đầu tiên, có khả năng chụp ảnh trong mọi điều kiện thời tiết. Đây là bước tiến tiếp theo trong hành trình làm chủ công nghệ vũ trụ của nước ta.
Theo ông Lê Xuân Huy, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, dự án phát triển vệ tinh LOTUSat-1 - vệ tinh radar đầu tiên của Việt Nam được khởi động từ năm 2021. Dự kiến khoảng tháng 12/2024 đến tháng 2/2025, vệ tinh sẽ được phóng lên quỹ đạo.
Để chuẩn bị cho việc khai thác vệ tinh sau khi phóng lên quỹ đạo, ông Huy cho biết, khoảng tháng 9/2024, toàn bộ hệ thống mặt đất sẽ được hoàn thiện tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đặt ở Hòa Lạc (Hà Nội) để đón nhận tín hiệu đầu tiên của vệ tinh.
Bên cạnh việc phát triển vệ tinh, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cũng triển khai các lớp học chuyển giao công nghệ xử lý ảnh vệ tinh radar nhằm chuẩn bị sẵn sàng về mặt công nghệ cho các bộ, ngành đơn vị sẽ sử dụng dữ liệu ảnh từ vệ tinh trong tương lai. "Chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng về mặt nhân lực, công nghệ để khi vệ tinh chúng ta lên quỹ đạo thì dữ liệu được khai thác hiệu quả. Dự kiến vệ tinh hoạt động 5 năm trên quỹ đạo", ông Huy chia sẻ.
Trước đó, Việt Nam kí kết gói thầu “Vệ tinh LOTUSat-1, thiết bị và đào tạo nhân lực” với Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản).
Vệ tinh LOTUSat-1, có khối lượng khoảng 570kg, là vệ tinh sử dụng công nghệ radar có khả năng chụp ảnh trái đất với độ phân giải cao trong mọi điều kiện thời tiết cả ngày lẫn đêm. Dự án đồng thời đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, giúp Việt Nam từng bước tiếp cận và làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh có khối lượng lớn hơn.
TS Lê Xuân Huy cho biết, vệ tinh có thể chụp ảnh trong mọi điều kiện thời tiết nên rất phù hợp với quốc gia có điều kiện khí tượng nhiều mây và sương mù như Việt Nam. Vì vậy, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam kỳ vọng, dữ liệu từ vệ tinh này có thể đóng góp nhiều cho Việt Nam.
Theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, khoa học và công nghệ vũ trụ là biểu tượng của quốc gia có trình độ phát triển kỹ thuật cao.
Trong thế kỷ 21, khoa học và công nghệ vũ trụ hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững, cung cấp nhiều dịch vụ và giải pháp để giải quyết những vấn đề toàn cầu, mang lại nhiều lợi ích trong việc phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng.
Đặc biệt tại Việt Nam - một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất trên thế giới bởi sự nóng lên toàn cầu và sự biến đổi khí hậu. Các dịch vụ và công nghệ vũ trụ sẽ là chìa khóa để hiểu hơn quá trình biến đổi khí hậu và hỗ trợ toàn bộ chu trình giám sát, phòng chống thiên tai. Qua đó, góp phần hạn chế tối đa tác động của những thảm họa thiên nhiên do thiên tai và biến đổi khí hậu.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()