Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 00:46 (GMT +7)
Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ quốc tế
Thứ 2, 21/08/2023 | 16:39:53 [GMT +7] A A
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, độc lập là không phụ thuộc, không bắt chước, theo đuôi, giáo điều. Tự chủ là chủ động suy nghĩ và làm chủ suy nghĩ của mình, tự chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước đất nước, biết làm chủ bản thân và công việc. Trong quan hệ quốc tế và đối ngoại của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Độc lập nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp ở ngoài vào”.
Độc lập, tự chủ tức là dựa vào sức mình là chính, có tham khảo, chọn lọc kinh nghiệm, bài học của quốc tế, nhưng tự mình phải suy nghĩ, tìm tòi, định ra những chủ trương, chính sách, biện pháp nhằm giải quyết công việc của đất nước, không chịu một sức ép nào từ bên ngoài, không để “biến thành một con bài trong tay người khác”. Độc lập, tự chủ là đặc trưng của bản lĩnh chính trị, đối ngoại của dân tộc Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa, vận dụng các giá trị ấy, vạch ra đường lối đối ngoại phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam trong bối cảnh thời đại mới. Độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường phải gắn với đoàn kết và hợp tác quốc tế, đồng thời kết hợp với đấu tranh kiên quyết và khôn khéo để thực hiện mục tiêu của cách mạng và bảo vệ quyền lợi quốc gia. Đây là một nguyên lý cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt toàn bộ hoạt động quốc tế và ngoại giao Việt Nam, được Đảng ta nâng lên thành đường lối độc lập, tự chủ và đoàn kết quốc tế.
Từ Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) đến đại hội Đảng lần thứ XIII, tư tưởng xuyên suốt trong đường lối ngoại giao của Việt Nam là đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa. Nghị quyết số 13/NQ-TW, ngày 20/5/1988 của Bộ Chính trị khóa VI "Về nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới" là bước ngoặt, có tính đột phá về đổi mới tư duy đối ngoại, đánh dấu sự hình thành bước đầu chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa. Với nhận thức mới đúng đắn, toàn diện hơn về vấn đề an ninh, bao gồm cả yếu tố bên ngoài và yếu tố bên trong, Đảng ta xác định nhiệm vụ đối ngoại chuyển từ chỗ chú trọng nhân tố chính trị - quân sự sang ưu tiên cho nhân tố kinh tế, ưu tiên giữ vững hòa bình, độc lập dân tộc, có cách tiếp cận toàn diện hơn về tình hình thế giới và khu vực.
Đến Đại hội VIII, Đảng ta khẳng định: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hóa và đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại với tinh thần Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”. Đại hội nêu rõ chủ trương tiếp theo việc gia nhập ASEAN và chuẩn bị cho việc tham gia Khối mậu dịch tự do (AFTA), cần xúc tiến tham gia APEC và WTO. Các kỳ đại hội IX, X, XI, XII, Đảng ta tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa ngày càng hiệu quả, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục tiến những bước dài trên con đường hội nhập với thế giới.
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, nền ngoại giao của Việt Nam đã thu được những thắng lợi to lớn, toàn diện trên cả 3 trụ cột quan trọng là đối ngoại của Đảng, ngoại giao của Nhà nước và đối ngoại nhân dân; trên cả 2 phương diện ngoại giao song phương và ngoại giao đa phương, góp phần trực tiếp nâng cao thế và lực của Việt Nam trên trường quốc tế. Đại hội XII được đánh giá là hoàn thiện về tư duy đối ngoại của Đảng, trong đó sợi chỉ đỏ xuyên suốt là đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ quốc tế. Đến Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định nguyên tắc nền tảng và tư tưởng chỉ đạo của đối ngoại thời kỳ đổi mới là thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Cùng với đó là xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; ý chí tự lực, tự cường và nội lực là quyết định, cơ bản, lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hoạt động ngoại giao gặt hái những thành tựu to lớn, điều đó khẳng định cho tính đúng đắn, hiệu quả, phù hợp của đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay các thế lực thù địch xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Chúng lập luận rằng, thế giới hiện nay đang là thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, các quốc gia, dân tộc có mối quan hệ ràng buộc và phụ thuộc lẫn nhau, nên việc Việt Nam vẫn theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ là “bảo thủ”, “tự mình cô lập mình”, là “tự tách ra khỏi dòng chảy của thế giới bên ngoài”, chính sách đối ngoại đó đã thực sự “lạc hậu, lỗi thời”, “không còn phù hợp” và đã trở thành “lực cản” đối với sự phát triển đất nước. Có thể khẳng định đây là những luận điệu xuyên tạc nhằm mục đích bôi nhọ, bóp méo vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng và Nhà nước ta.
Trong mọi hoàn cảnh, mọi thời cuộc, Việt Nam kiên định đường lối độc lập, tự chủ, coi đây vừa là mục tiêu cao nhất, vừa là nguyên tắc bất biến bảo vệ tốt nhất lợi ích quốc gia - dân tộc. Những thành tựu của chúng ta đạt được từ việc nhất quán thực hiện đường lối, chính sách đó là rất quan trọng, được các tầng lớp nhân dân phấn khởi, tự hào và tin tưởng, được các nước trên thế giới đánh giá cao và bạn bè quốc tế ủng hộ, tôn trọng. Đó là thực tế sáng rõ mà không ai có thể phủ nhận. Chính vì vậy mà “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực vị thế, và uy tín quốc tế như ngày nay”. Minh chứng vững chắc và thuyết phục nhất chứng minh cho tính đúng đắn và phù hợp của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ trong quan hệ quốc tế chính là thế và lực của Việt Nam không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế.
Về ngoại giao song phương: Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên LHQ, trong đó có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, bao gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, toàn bộ Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) và tất cả các thành viên ASEAN. Đảng ta đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia, Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước. Các tổ chức hữu nghị nhân dân có quan hệ với 1200 tổ chức nhân dân và phi chính phủ nước ngoài.
Về ngoại giao đa phương: Việt Nam là thành viên của hơn 70 tổ chức, diễn đàn đa phương khu vực và toàn cầu. Việt Nam đã 2 lần làm Chủ tịch ASEAN (2010, 2020); làm Chủ tịch Tổ chức Liên nghị viện ASEAN (AIPO, 2002), Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA) (2010, 2020), 2 lần trúng cử với số phiếu ủng hộ rất cao để trở thành Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ (nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021), 2 lần là nước chủ nhà APEC (2006 và 2017); đăng cai thành công Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018; tổ chức tốt cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 (2019). Việt Nam cũng tích cực tham gia các diễn đàn đa phương chính đảng như: Cuộc gặp quốc tế các đảng cộng sản và công nhân (IMWCP), Uỷ ban thường trực Hội nghị quốc tế các chính đảng châu Á (ICAPP); tích cực thúc đẩy hợp tác qua các kênh ngoại giao nghị viện như: Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA), Liên minh Nghị viện thế giới (IPU); tham gia tích cực Diễn đàn Nhân dân ASEAN. Chúng ta tích cực tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Với những thành tựu nổi bật Việt Nam đã đạt được trong hơn 35 năm đổi mới đất nước, trong đó Đảng ta khẳng định một trong những nguyên nhân thắng lợi là chính sách ngoại ngoai giao đúng đắn. Đường lối độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa đã góp phần quan trọng tạo môi trường hòa bình, ổn định, điều kiện thuận lợi và tranh thủ được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Do vậy, có thể khẳng định, Việt Nam nhất quán, kiên định thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa xuất phát trước hết vì lợi ích quốc gia - dân tộc, phù hợp với xu thế thời đại là hòa bình, độc lập, phát triển và hội nhập quốc tế. Những luận điệu xuyên tạc nêu trên cần phải kiên quyết đấu tranh loại bỏ, không để chúng có cơ hội len lỏi trong đời sống nhân dân, gây ra hoang mang, hiểu sai trong nhân dân.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hương Giang, Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Trường Đào tạo Cán bộ Nguyễn Văn Cừ
Liên kết website
Ý kiến ()