Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 13:21 (GMT +7)
Việt Nam trong làn sóng chuyển dịch từ công nghệ Web 2.0 sang Web 3.0
Thứ 6, 21/10/2022 | 11:37:52 [GMT +7] A A
Ngày càng nhiều doanh nghiệp CNTT Việt lựa chọn đầu tư nguồn lực vào Web 3.0. Với thế mạnh về lập trình và người dùng, Việt Nam có nhiều cơ hội dẫn đầu thị trường blockchain Đông Nam Á.
Với sự phát triển mạnh mẽ của Internet và công nghệ trong 20 năm gần đây, Web 2.0 đã tạo nên những ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống của hàng tỉ người trên toàn thế giới, tuy nhiên đi kèm theo đó là hệ lụy về sự riêng tư và an toàn dữ liệu của người dùng. Do vậy, Web 3.0 được ra đời và kỳ vọng là một bước tiến đột phá để giải quyết những vấn đề này, giúp Internet trở nên tốt đẹp và an toàn hơn. Đây cũng là một trong những lý do quan trọng khiến các tổ chức và doanh nghiệp công nghệ quyết định chuyển dịch và xây dựng các dự án Web 3.0.
Trong sự kiện DOTinVietnam vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Hùng Đinh - CEO RADA Network, người đã có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ trên nền tảng Web 2.0 đưa ra quan điểm khẳng định rằng thị trường Web 2.0 đã quá chật chội.
“Chúng ta không còn cơ hội và không còn tạo ra được đột phá, nhất là khi các ông lớn công nghệ như Google, Facebook hay Amazon đã gần như độc chiếm thị trường,” ông Hùng nói. Chính vì vậy, Hùng Đinh đã quyết định dồn toàn lực vào Web 3.0 từ hơn một năm nay.
Đáng chú ý khi vị CEO này không phải người duy nhất. Appota Group - đơn vị chuyên cung cấp các giải pháp và nền tảng cho ngành công nghiệp giải trí số tại Việt Nam cũng đang trong quá trình chuyển dịch sang Web 3.0.
Ông Jason Trần - đồng sáng lập của Appota Group và CEO của AceStarter Launchpad chia sẻ: “Trong 10 người bạn của tôi thì chỉ có 1 người biết đến blockchain. Lĩnh vực này còn quá mới mẻ và nhiều cơ hội cho nhà phát triển Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế”.
Trên thực tế, đã có rất nhiều startup Việt nắm bắt cơ hội và ghi được dấu ấn trên thế giới như Axie Infinity, Kyber Network hay Coin98. Ông Jason cho rằng câu chuyện thành công của các dự án này tạo động lực đáng kể cho những nhà phát triển Việt Nam tham gia vào thị trường Web 3.0. Đáng chú ý, chỉ trong 6 tháng cuối năm 2021, các dự án trong nước đã gọi vốn được tổng cộng hơn 500 triệu USD.
Dưới góc nhìn từ quỹ đầu tư, ông James Wo - người sáng lập và CEO quỹ DFG nhấn mạnh rằng, đội ngũ sáng lập và phát triển là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của một dự án Web 3.0.
“Với cộng đồng lập trình viên tài năng và nhạy bén với các công nghệ mới, Việt Nam rất có khả năng trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo ở Đông Nam Á hoặc thậm chí trên toàn thế giới trong đợt tăng trưởng tiếp theo của thị trường blockchain”, bà Joanna Liang - đồng sáng lập và CEO quỹ đầu tư Jsquare nhận định.
Theo chia sẻ của các diễn giả tại DOTinVietnam, Việt Nam nằm trong top 10 về outsourcing (gia công phần mềm) và đứng thứ 6 về kỹ năng lập trình trên thế giới. Điều này chứng tỏ đội ngũ phát triển trong nước có năng lực và nền tảng đủ tốt để tiến xa hơn trong lĩnh vực công nghệ, cụ thể là Web 3.0.
Các hệ sinh thái lớn như Solana, NEAR và Polkadot đều bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến cộng đồng lập trình viên tài năng với thế mạnh xây dựng và phát triển ứng dụng hướng đến người dùng cuối.
SubWallet là một ví dụ điển hình của nỗ lực cải tiến trải nghiệm người dùng với ví Web 3.0 của Polkadot từ đội ngũ phát triển người Việt. Bà Riley Trần, đồng sáng lập và CIO của GFI Ventures khẳng định rằng, những ứng dụng thân thiện với người dùng như SubWallet là vô cùng cần thiết cho sự phát triển của các hệ sinh thái blockchain.
Bà Helena Wang, Giám đốc Parity Technologies khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cho biết: “Nguồn nhân lực phát triển Web 3.0 và cộng đồng người dùng blockchain tại Việt Nam chắc chắn sẽ là động lực quan trọng trong quá trình phát triển của hệ sinh thái Polkadot”.
Với sự đầu tư lớn cả về thời gian, tiền bạc và con người, trong 5 - 10 năm tới, nhiều chuyên gia tin rằng các ứng dụng Web 3.0 sẽ ngày một được đưa vào sử dụng nhiều hơn trong thực tế.
Theo ICT News
Liên kết website
Ý kiến ()