Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 28/12/2024 18:59 (GMT +7)
Vịnh Hạ Long càng xa bờ càng mê hoặc…
Chủ nhật, 18/08/2024 | 05:38:57 [GMT +7] A A
Nhận định này đã thêm một lần được chúng tôi chiêm nghiệm khi vừa qua, chúng tôi có dịp đi cùng với đoàn cán bộ của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long khảo sát một số khu vực như Trà Giời, Cát Oăn, Trà Sản - Cống Đỏ, Lờm Bò, Soi Sim, phục vụ cho việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới của tỉnh. Đây đa phần là những điểm đến ở khu vực xa bờ, còn ít người biết tới nhưng cũng cho thấy di sản còn nhiều vẻ đẹp ẩn giấu, là tiềm năng phong phú cho khai thác du lịch bền vững trên Vịnh Hạ Long.
Vẻ đẹp tiềm ẩn, khác lạ
Khu vực Trà Giời, Cát Oăn tương đối xa bờ, giáp với vùng vịnh Bái Tử Long trên địa phận của huyện Vân Đồn. Các đảo đá ở đây ngoài những dãy núi nối tiếp nhau chạy dài còn có nhiều đảo đá “đơn côi” đứng chơ vơ trên biển, tạo một vẻ đẹp khác lạ so với một Vịnh Hạ Long trong góc nhìn quen thuộc của chúng tôi. Vì xa bờ cộng với ngày có sóng to khiến không ít chị em trong đoàn “choáng váng”. Xuồng cao tốc nhỏ đi phía sau chúng tôi, anh em còn bị sóng biển đánh lên theo hai mạn tàu ướt cả người…
Bãi biển Trà Giời tương đối rộng, nằm gọn giữa vòng cung của dãy “tường thành” đá xếp lớp hùng vĩ với hướng nhìn ra vịnh tựa một bức tranh non nước hữu tình. Cát ở đây trắng mịn, bờ cát có độ dốc nhẹ, theo chia sẻ của anh cán bộ đơn vị đi cùng thì vào ngày triều cường, bãi cát cũng không bị ngập hẳn…
Khác với Trà Giời, khu vực Cát Oăn không phải một bãi cát duy nhất mà có nhiều bãi cát liền kề nhau. Bãi cát lớn nhất là một doi cát nổi lên giữa biển, hai đầu được chắn bởi 2 dãy núi đá, sóng xô vào bờ cát hình vòng cung êm nhẹ từ cả hai bên biển tạo cảnh sắc rất độc đáo. Từ bãi cát này, du khách có thể đi men theo chân núi đá để sang các bãi cát liền kề ngay núi bên cạnh. Nhìn từ xa, cát vàng ánh lên trong ánh nắng vẻ đẹp khó tả.
Vịnh Hạ Long có cả trăm bãi cát nhỏ ven các chân núi giống như bãi Trà Giời hay Cát Oăn. Nhiều khu vực, các bãi cát thường phân bố thành cụm như ở khu vực Cát Oăn hay Trà Sản - Cống Đỏ… Hiện nay, mới chỉ có 2 bãi Ti Tốp, Soi Sim đã được đưa vào trong các hành trình tham quan trên Vịnh Hạ Long, các bãi cát khác vẫn còn đang tiến hành khảo sát để xem xét tính khả thi trong việc khai thác cho du lịch.
Quá trình khảo sát, đoàn cũng tới đảo Lờm Bò - khu vực có vùng nước giáp ranh với vịnh Lan Hạ, Cát Bà của TP Hải Phòng. Chào đón chúng tôi là hàng dừa chạy dài toả bóng trên đảo. Ngược lại với phong cảnh hoang sơ của đảo là khung cảnh nhộn nhịp trên biển thu vào tầm mắt với vô số con tàu du lịch hoành tráng, thiết kế sang trọng của cả phía Quảng Ninh và Hải Phòng cùng chạy qua khiến các thành viên trong đoàn phải xuýt xoa vì quá đẹp...
Để hài hoà mục tiêu bảo tồn và phát triển
Mặc dù có cảnh quan đẹp nhưng qua thực tế cho thấy, không phải điểm nào cũng có thể khai thác ngay cho các tour du lịch. Các khu vực như Trà Giời, Cát Oăn khá xa, cách các cảng tàu trên 20km, nhiều thời điểm còn chịu sóng gió mạnh nên qua nhận định sơ bộ phù hợp cho các tour trải nghiệm, khám phá. Tuy nhiên, việc khai thác cũng phải tính bài toán quản lý, công tác đảm bảo an toàn, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các khu vực. Việc khai thác các bãi cát thành bãi tắm tại khu vực Trà Sản - Cống Đỏ cũng tương tự.
Qua quan sát cũng cho thấy, một số bãi cát cần có sự cải tạo nhất định mới có thể khai thác. Dĩ nhiên, việc khai thác các bãi cát không đồng nghĩa với chỉ phục vụ cho mục đích tắm biển mà có thể làm các dịch vụ trên bãi cát, như tiệc nhẹ hay biểu diễn nghệ thuật… Đơn cử như bãi cát đảo Lờm Bò có dòng chảy mạnh, cần nghiên cứu kỹ khi đưa vào khai thác. Và hầu hết các bãi cát chúng tôi khảo sát kể trên còn tương đối nhiều rác thải trôi nổi dạt vào, chủ yếu là các vật liệu dùng trong nuôi trồng thuỷ sản như phao xốp, bè tre, chai nhựa… Không chỉ dọn dẹp khi khai thác phục vụ cho du lịch mà việc dọn vệ sinh tại các khu vực này thiết nghĩ cũng cần làm sớm, để tránh các vật liệu theo thuỷ triều trôi ra biển, ảnh hưởng tới môi trường chung của di sản.
Bãi tắm Soi Sim hiện đã nằm trong các tuyến tham quan trên Vịnh Hạ Long, qua thời gian lâu không khai thác dẫn tới cơ sở hạ tầng xuống cấp, thiết nghĩ cũng cần sớm có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, để phục vụ nhu cầu tắm biển của du khách khi tham quan trên vịnh. Hang Cặp La là một trong số nhiều hang động trên Vịnh Hạ Long, cũng nằm trong hành trình tham quan của di sản, tuy nhiên, hiện nay cây cối đã mọc tràn lan, che lấp lối đi dẫn lên hang, cũng cần được dọn dẹp, đồng thời tăng cường quảng bá để các doanh nghiệp đưa vào tour, du khách biết tới khi tham quan Vịnh Hạ Long…
Trao đổi với chúng tôi trong chuyến đi, ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, cho biết: Việc phát triển sản phẩm du lịch, nhất là sản phẩm mới trên Vịnh Hạ Long, trong đó có sử dụng, khai thác các hang động, tùng áng, bãi cát… luôn phải đối diện với việc giải quyết mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Đó là bảo tồn một cách tối đa các giá trị gốc, giá trị nguyên vẹn của di sản thiên nhiên thế giới, tuy nhiên cũng phải có những hoạt động để phát huy, khai thác được những giá trị này phục vụ cho du khách, cũng như là phát huy cho giá trị của di sản Vịnh Hạ Long được lan toả rộng rãi và là cơ hội cho nhiều người được trải nghiệm các giá trị đặc sắc của di sản.
Chúng tôi luôn đặt yêu cầu bảo tồn lên trên hết, khai thác các sản phẩm du lịch phải trên cơ sở đảm bảo tuyệt đối vẻ đẹp hoang sơ, giảm thiểu tác động của con người lên cảnh quan thiên nhiên rất đặc sắc của Vịnh Hạ Long. Với tinh thần như vậy, chúng tôi đang cố gắng tham mưu cho tỉnh từ nay đến cuối năm 2024, sẽ đưa hệ thống bãi tắm vào khai thác trước, sau đó sẽ lựa chọn một số hang động có điều kiện đảm bảo tốt nhất để đưa vào khai thác dịch vụ, như là tổ chức các hoạt động hoà nhạc, ca múa nhạc trong hang động và một số hoạt động vui chơi, giải trí khác...
Phan Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()