Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 22/12/2024 21:58 (GMT +7)
"Vịnh Hạ Long đã được gìn giữ, phát huy giá trị theo đúng Công ước quốc tế"
Chủ nhật, 14/03/2021 | 14:05:16 [GMT +7] A A
Thông tin về việc Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam giao Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ VH,TT&DL gửi hồ sơ đề cử di sản "Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà" tới Trung tâm Di sản thế giới UNESCO vào cuối tháng 1/2021, nhận được nhiều sự quan tâm với những góc nhìn khác nhau của người dân Quảng Ninh. Để có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này, phóng viên Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh đã có cuộc trò chuyện với ông Phạm Đình Huỳnh (ảnh), Phó Trưởng Ban thường trực Ban quản lý Vịnh Hạ Long.
- Thưa ông, về căn cứ khoa học liệu có cơ sở để mở rộng ranh giới Di sản thế giới Vịnh Hạ Long sang quần đảo Cát Bà? Và khi Chính phủ đồng thuận với việc này thì di sản Vịnh Hạ Long đã 2 lần được công nhận Di sản thế giới liệu có phải “xoá đi làm lại”?
+ Thực tế, Vịnh Hạ Long và Quần đảo Cát Bà là một khu vực biển đảo rộng lớn, có mối quan hệ mật thiết về giá trị cảnh quan thiên nhiên, môi trường, văn hóa...
Năm 2004, đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Tháng 9/2013, hồ sơ đề cử Quần đảo Cát Bà vào Danh mục Di sản thế giới được Chính phủ Việt Nam gửi tới Trung tâm Di sản thế giới UNESCO.
Sau khi thẩm định hồ sơ đề cử, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) đã có báo cáo đánh giá kỹ thuật kèm theo dự thảo Quyết định số WHC-14/38.COM/INF.8B trình Ủy ban Di sản thế giới UNESCO tại kỳ họp lần thứ 38 (Qatar, 2014) đề nghị không ghi danh Quần đảo Cát Bà là Di sản thế giới. Đồng thời khuyến nghị Quốc gia thành viên Việt Nam xem xét tính khả thi của việc đề xuất mở rộng Vịnh Hạ Long theo các tiêu chí vii (giá trị thẩm mỹ), viii (giá trị địa chất, địa mạo) và có thể cả tiêu chí x (giá trị đa dạng sinh học) bao gồm cả Quần đảo Cát Bà, vì điều này sẽ bổ sung các giá trị và tăng tính toàn vẹn cho khu di sản Vịnh Hạ Long đã được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.
Hồ sơ đề cử "Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà" do UBND TP Hải Phòng chủ trì xây dựng, được Văn phòng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo tại một số văn bản từ năm 2015 đến nay. Theo đó, ngày 26/1/2021, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã có Công hàm số 14/BTK/2021 gửi hồ sơ đề cử Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà vào Danh mục Di sản thế giới tới Trung tâm Di sản thế giới UNESCO.
Du khách tham quan hang động trên Vịnh Hạ Long. |
Theo Điều 165 và 166 - Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản thế giới, quy định: “Nếu một quốc gia thành viên muốn điều chỉnh đáng kể đường ranh giới của một di sản đã được ghi vào danh sách Di sản thế giới, quốc gia đó cần gửi đề xuất như một đề cử di sản mới... Điều khoản này áp dụng với các trường hợp mở rộng cũng như thu hẹp di sản”; “Nếu một quốc gia thành viên muốn di sản của mình được công nhận theo các tiêu chí bổ sung, giảm bớt hoặc khác với các tiêu chí đã được công nhận trước đó, Quốc gia này cần gửi hồ sơ đề nghị dưới hình thức một hồ sơ đề cử mới… Những di sản được đề cử sẽ chỉ được đánh giá theo các tiêu chí mới và sẽ vẫn được giữ tên trên Danh sách Di sản thế giới ngay cả khi những tiêu chí bổ sung của nó không được công nhận”.
Như vậy, theo quy định, hồ sơ đề cử Di sản Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà thuộc loại di sản có điều chỉnh đáng kể về ranh giới và bổ sung tiêu chí, do đó sẽ được thực hiện như một hồ sơ đề cử di sản mới với quy trình thẩm định, đánh giá bắt buộc theo quy định của UNESCO.
- Việc phải làm lại mới hoàn toàn hồ sơ Di sản thế giới cho Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà, đối với Vịnh Hạ Long liệu có phải là sự đánh giá lại những giá trị của di sản này hay không?
+ Trong hồ sơ đề cử Di sản thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà, những nội dung về di sản Vịnh Hạ Long đều được xây dựng dựa trên hồ sơ đề cử di sản này 2 lần trước đây và các văn bản quản lý di sản của trung ương, của tỉnh liên quan đến công tác quản lý, bảo tồn Vịnh Hạ Long. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan thuộc tỉnh phối hợp, hỗ trợ các cơ quan thuộc TP Hải Phòng nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đề cử Vịnh Hạ Long mở rộng với Quần đảo Cát Bà trình UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.
Hoạt động du lịch phát triển mạnh mẽ trên Vịnh Hạ Long trong những năm qua. |
Xin thông tin thêm là ngày 1/3 vừa qua, Trung tâm Di sản thế giới UNESCO đã có văn bản gửi Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam thông báo hồ sơ đề cử Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà đã đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật về tính hoàn chỉnh đối với một hồ sơ đề cử Di sản vào danh mục Di sản thế giới. Trung tâm Di sản thế giới cũng lưu ý tính hoàn chỉnh của hồ sơ không có nghĩa là hồ sơ chắc chắc được ghi danh, đồng thời đề nghị Việt Nam bổ sung thêm một số tài liệu để làm căn cứ thẩm định, xem xét theo quy trình.
- Khoác trên mình 2 danh hiệu danh giá nhất của UNESCO trong hơn 20 năm qua, Vịnh Hạ Long cũng có những lần rơi vào khuyến cáo của tổ chức này. Khi làm lại hồ sơ di sản, như vậy liệu có tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro cho di sản Vịnh Hạ Long không?
+ Kể từ khi được UNESCO ghi danh, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long đã được thực hiện theo đúng với Công ước quốc tế về bảo vệ Di sản thế giới và luật pháp Việt Nam. Nhiều giải pháp quyết liệt và tích cực để bảo tồn, phát huy giá trị của di sản được thực hiện nhằm không ngừng nâng cao vị thế và sự hấp dẫn của Vịnh Hạ Long ở Việt Nam cũng như quốc tế.
Tuy nhiên, Vịnh Hạ Long với đặc thù biển đảo rộng lớn, diễn biến thời tiết bất thường, các hoạt động kinh tế - xã hội vùng ven bờ và trên vịnh gia tăng… Mỗi hoạt động, mỗi lĩnh vực lại được quản lý bởi một cơ quan chức năng bằng các luật riêng, trong khi công tác quản lý di sản là một bài toán khó giữa bảo tồn và phát triển. Đây cũng là những vấn đề mà Ủy ban Di sản thế giới khuyến nghị tại một số kỳ họp thường niên về công tác bảo tồn Vịnh Hạ Long và không thể phủ nhận những khuyến nghị này thực sự hữu ích trong việc hướng những cơ chế, công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản theo đúng định hướng hơn.
Sự phát triển hoạt động du lịch trên quy mô lớn, các tác động tới môi trường của tàu thuyền... theo ông Huỳnh là những vấn đề cần lưu tâm trong công tác bảo vệ và quản lý di sản liên vùng hậu công nhận Di sản thế giới. |
Thực hiện các quyết định của Ủy ban Di sản thế giới về công tác bảo tồn Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh đã chỉ đạo các ngành, địa phương có liên quan nghiên cứu và triển khai các nội dung khuyến nghị trên cơ sở tuân thủ nghiêm các văn bản, hướng dẫn theo quy định… Tại hội nghị thường niên lần thứ 38 (năm 2014), Ủy ban Di sản thế giới đã đưa Vịnh Hạ Long ra khỏi danh sách các di sản phải giải trình khuyến nghị về công tác bảo tồn. Đến nay, các giá trị của Vịnh Hạ Long đã được UNESCO công nhận vẫn được quản lý, bảo tồn và phát huy tốt.
Tuy vậy, Vịnh Hạ Long vẫn phải thực hiện quy trình đánh giá hồ sơ đề cử theo quy định, bao gồm việc Trung tâm Di sản thế giới sẽ cử nhóm chuyên gia đến Việt Nam để đánh giá, thẩm định tính xác thực của các thông tin được trình bày trong hồ sơ, tính toàn vẹn của khu vực đề cử, tuyên bố giá trị nổi bật toàn cầu của di sản đề cử cũng như chương trình, kế hoạch quản lý di sản.
Ngoài ra, nhóm chuyên gia cũng tiến hành đánh giá công tác quản lý, bảo tồn di sản Vịnh Hạ Long kể từ khuyến nghị gần nhất của Ủy ban Di sản thế giới, hoạt động du lịch, việc áp dụng quy trình "đánh giá tác động di sản", "đánh giá tác động môi trường" đối với các dự án, quy hoạch đã, đang và sẽ triển khai tại Vịnh Hạ Long...
- Nếu như "Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà" được công nhận là Di sản thế giới, đồng nghĩa với một di sản thế giới liên vùng, thuộc phạm vi quản lý của cả Quảng Ninh và Hải Phòng. Theo ông thì điều này có ý nghĩa như thế nào đối với công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản - kỳ quan thế giới kể trên?
+ Về chủ trương xây dựng hồ sơ, tỉnh Quảng Ninh có văn bản số 5408/UBND-VX1 ngày 31/8/2016 thống nhất để Bộ VH,TT&DL, UBND TP Hải Phòng nghiên cứu mở rộng ranh giới Di sản Vịnh Hạ Long tỉnh Quảng Ninh đến Quần đảo Cát Bà - TP Hải Phòng trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới, nhưng không ảnh hưởng đến các mục tiêu liên kết vùng và phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Khi được UNESCO công nhận mở rộng không gian Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long đến Quần đảo Cát Bà thì tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng sẽ quản lý di sản theo địa giới hành chính của mỗi địa phương, nhằm bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị Di sản.
Vấn đề ô nhiễm môi trường là một trong những áp lực trong công tác quản lý di sản. Ảnh: Tàu thu gom rác trên Vịnh Hạ Long. |
Vịnh Hạ Long đã hai lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới nên nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là quản lý, bảo tồn và phát huy bền vững giá trị của khu di sản được UNESCO công nhận. Việc mở rộng ranh giới Vịnh Hạ Long sang Quần đảo Cát Bà - TP Hải Phòng phần nào đó tạo điều kiện để tăng cường hơn nữa công tác phối hợp quản lý di sản, phát triển du lịch giữa hai địa phương, là mục đích chính đáng cần được nhìn nhận, đánh giá ở lợi ích vĩ mô.
Tuy nhiên, Vịnh Hạ Long hiện nay là khu vực có hoạt động kinh tế - xã hội rất sôi động mà hồ sơ đề cử chưa đánh giá hết được những vấn đề sẽ phát sinh, bởi khi di sản Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được công nhận, bên cạnh các giá trị nổi bật toàn cầu của Vịnh Hạ Long được củng cố và khẳng định thêm tính toàn vẹn, thì công tác bảo vệ và quản lý di sản sẽ phải đối mặt với rất nhiều áp lực.
Đó là áp lực từ sự phát triển hoạt động du lịch trên quy mô lớn, các tác động tới môi trường của tàu thuyền, ô nhiễm nước và chất thải rắn, đặc biệt là việc quản lý cộng đồng dân cư sinh sống và các hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản thuộc khu vực quần đảo Cát Bà.
Bên cạnh đó còn những tác động khác mà hiện chưa đánh giá được như dân sinh, an ninh quốc phòng, văn hóa xã hội, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, rồi những bất cập, nguy cơ và những tình huống phát sinh do sức hấp dẫn, tiềm năng khai thác kinh tế của di sản ngày càng tăng lên sau khi được công nhận...
Đặc biệt, đối với di sản gồm nhiều phần tách rời như Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà trong khi cả hai tỉnh, thành phố đều chưa có kinh nghiệm, cơ chế phối hợp trong quản lý di sản liên tỉnh, quản lý vùng chồng lấn và một số cơ chế, chính sách còn chưa có sự tương đồng, vì vậy cần thiết phải thống nhất cơ chế phối hợp và thành lập cơ quan quản lý trực tiếp di sản cùng chế độ thông tin, báo cáo theo quy định.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Phan Hằng(Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()