Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 04:40 (GMT +7)
Vội đến Ladakh khi còn được dạo bước trên những dòng sông băng
Thứ 7, 13/04/2024 | 10:29:40 [GMT +7] A A
Mọi náo động ồn ã và áp lực của thành phố như dừng chân tại sân bay Leh, và những ngôi làng như nằm rìa cuộc sống hiện đại, như thể nơi tận cùng thế giới vậy.
Ladakh nằm ở Bắc Ấn Độ, trên dãy Himalaya - nổi tiếng với vẻ đẹp đặc trưng của vùng núi xa xôi hẻo lánh, cùng nền văn hóa và lịch sử liên quan chặt chẽ với Tây Tạng.
Đối với một nhân viên văn phòng lười vận động như tôi, trekking mùa đông trên những đỉnh núi của dãy Himalaya chưa bao giờ có trong danh sách điều cần làm.
Thế nhưng, câu nói dưới đây của người anh dẫn đoàn kiêm truyền cảm hứng đã thôi thúc tôi phải xách ba lô lên và đi đến Ladakh (Ấn Độ) giữa mùa đông khắc nghiệt, tuyết bay trong gió lạnh như dao cắt:
"Con đường vào những ngôi làng nhỏ vùng Zanskar sắp xây xong. Đi qua sông băng đến thung lũng - một truyền thống hàng nhiều thế kỷ nay - sẽ không còn. Khí hậu toàn cầu ấm lên cũng làm băng ngày càng mỏng và tuyết tan dần trên các ngọn núi thiêng".
Súng, cờ Lutang ngũ sắc và Julley Ladakh
Ladakh chào đón chúng tôi bằng những cơn gió tê tái thổi quẩn quanh trong thung lũng khô cằn được vây quanh bởi những rặng núi trắng và sự kiểm tra an ninh gắt gao ở sân bay.
Quân phục và súng ở khắp nơi. Người người hối hả lấy hành lý giữa cái lạnh căm căm hệt như cảnh loài người đổ bộ lên sao Hỏa khai phá miền sống mới trong phim khoa học viễn tưởng vậy.
Nhưng súng không mang quá nhiều sự áp bức, ngột ngạt. Trái ngược với vẻ ngoài bụi bặm khó gần, các anh lính hướng dẫn chúng tôi điền giấy tờ nhập cảnh đều khá thân thiện.
Mùa đông nơi đây thực sự rất khắc nghiệt, đặc biệt khi có gió mạnh. Cực kỳ ít khách du lịch đến Ladakh vào thời điểm này
Chúng tôi dừng chân tại thị trấn Leh một ngày để thích nghi độ cao, trước khi lên đường khám phá những vùng đất hẻo lánh, cách biệt hơn.
Mùa đông ở Leh không có mấy du khách. Những con phố vắng người qua lại; các cửa hàng, khách sạn đóng kín với cửa kính dán chặt giấy báo để bảo vệ ngôi nhà khỏi cái nắng và cái rét mùa đông.
Khi mùa xuân đến, thị trấn này nhộn nhịp với người xe như nêm cối. Nhưng giữa cái lạnh âm chục độ như khi tôi đến, nơi đây trở về với nguyên bản của nó: tự do, hoang sơ, huyền bí, chân thành, mộc mạc và rạo rực sức sống thuần túy.
Một Ladakh khô cằn và giá lạnh với những dòng sông băng
Giữa khu chợ mới xây Leh-Ladakh, lác đác vài người dân bản địa ngồi dưới đất, bày nông sản ra bán, tay xoay kinh luân, tay lần tràng hạt. Bầy chó lông xù ú nu như cục bông cuộn tròn người ngủ rải rác ở khắp nơi.
Đặc biệt ghi dấu trong lòng tôi là những thiếu niên xôn xao bước ra từ tu viện sau buổi lễ chiều, chân đi Converse, dáng vẻ đẹp trai thời thượng nhưng tai trái lại đeo một chiếc bông tai nặng bằng bạc có gắn san hô hoặc đá ngọc lam turquoise, và khoác trên mình tấm áo truyền thống mà tổ tiên họ đã mặc hàng trăm năm trước với sắc màu đỏ thẫm thâm trầm.
Người Ladakh treo những lá cờ Lungta ở ngôi nhà của mình, trên những ngọn cây cao, trên các đỉnh núi cao hoặc ở hồ nước để cầu nguyện về hòa bình, trí tuệ và lòng từ bi
Rời thị trấn đi về phía dãy núi cao, chúng tôi đến thăm 2 tu viện cổ xưa của vùng Leh: Thiksey và Matho.
Đường đến tu viện giăng đầy những lá cờ Lungta ngũ sắc cầu an bay phất phới trong gió.
Tu viện hay Gompas - có nghĩa là "nơi vắng vẻ" trong tiếng Ladakhi - phản ánh chính xác ấn tượng ban đầu của tôi về nơi đây. Tu viện nằm cách biệt với các ngôi làng, tĩnh lặng giữa trùng trùng điệp điệp tuyết sơn và những dòng sông băng phía xa xa.
Nhưng ẩn trong sự tĩnh lặng ấy, ngọn lửa của sự sống ấm nóng vẫn không ngừng cháy.
Các tu viện lớn ở Ladakh thường nằm ở những khu vực biệt lập
Gyalson - anh chàng hướng dẫn viên bản địa của chúng tôi - là người làng gần tu viện Matho. Anh đã đến tu viện này từ ngày còn chưa biết đi và nay tu viện không khác chi nhà của anh. Anh dẫn chúng tôi vào căn bếp phía sau tu viện - nơi các Lạt ma thường ngồi quây quần bên bếp lò vào mùa đông - tự nhiên tựa người con dẫn bạn về chơi nhà.
Sau tấm màn ngăn gió lạnh, dưới mái trần bằng gỗ dương trắng (poplar), trước lò sưởi tí tách lửa cháy, các Lạt ma ngồi khoan thai trên bệ cửa sổ.
Họ thân mật trò chuyện, hỏi han sức khỏe, giới thiệu cho chúng tôi - những du khách hiếm hoi ghé thăm vào thời điểm này trong năm - về tu viện cùng văn hóa lịch sử của vùng đất và chốc chốc lại quan tâm châm thêm ly trà nghi ngút khói.
Và dù trời rất lạnh, vẫn không thiếu những gia đình dắt trẻ nhỏ đến tu viện cầu nguyện. Chúng đùa giỡn, chạy nhảy khắp tu viện trong tấm áo bông dày sụ, hồn nhiên như bầy cừu con đủ mọi sắc màu, má ửng cao nguyên hồng, mắt lấp lánh ánh sáng, híp lại mỗi khi đám trẻ vừa cười giòn tan vừa vẫy tay chào "Julley!" thật to với chúng tôi.
Tiếng chào "Julley!" mang ý nghĩa xin chào, tạm biệt và cả cảm ơn cùng những lá cờ nguyện Lungta gửi gắm thông điệp cầu an với những câu thần chú thiêng liêng ấy theo chúng tôi suốt hành trình khám phá Ladakh; trên môi những đứa trẻ du mục, ông lão chăn cừu, người làm đường…; trên cây cầu bắc qua các dòng sông chảy xiết, triền núi, trạm gác ven đường, mái nhà làng Rumbak, Chunpa, Urutse… và trên đỉnh đèo Umling La cao 5.883m - con đường mới dành cho xe cơ giới cao nhất thế giới.
Băng qua núi đồi, ngắm báo tuyết và mèo Manul lông xù
Để tới được những ngôi làng biệt lập trong thung lũng sâu thẳm, chúng tôi băng qua những núi đồi khi khô khốc khi phủ đầy tuyết, những vách núi cheo leo mà chỉ đứng thôi ta cũng thấy chênh vênh, những dòng sông con suối đã đóng băng, những bụi cây khẳng khiu trơ trụi,... Cảnh quan thay đổi theo từng bước chân của chúng tôi.
Cái lạnh thấu xương, không khí loãng cùng với đi bộ dài ngày trên địa hình dốc chính là "phép thử" cả về sức khỏe và độ kiên cường của người trekking
Và theo từng bước chân tôi là tiếng lầm rầm niệm kinh của Tashi - người anh trong nhóm bản địa của Gyalson. Tiếng niệm kinh đều đặn ấy chỉ ngừng khi anh thay thế chúng bằng tiếng đếm nhịp cho chúng tôi trekking qua đỉnh Ganda La cao 4.900m trong cơn bão tuyết.
Khi trekking trong gió tuyết, bạn không nên dừng lại chụp hình, không cười nói to và nên uống nước ấm để giữ sức
Trở về TP.HCM, đôi khi tôi vẫn nhớ tới những buổi sáng cắm trại bên bờ sông, đánh thức chúng tôi là tiếng đập tuyết trên mái lều và tiếng niệm kinh rì rầm huyền bí của Tashi hòa với tiếng chảy ầm ì không ngừng của dòng nước băng giá từ trên núi cao đổ xuống thung lũng.
Tôi nhớ tới câu thần chú "Án ma ni bát mê hồng" mà Tashi đã kiên nhẫn dạy tôi vừa lần tràng hạt vừa niệm 108 lần giữa đèo tuyết phủ, khi chúng tôi nghỉ chân vì tuyết rơi sạt núi, chắn đường.
Nhớ đến giây phút anh cười vô tư tặng tôi tràng hạt bồ đề quý giá mà anh đã đeo bên mình nhiều năm. Một sự cho đi giản đơn và thuần khiết đến mức khiến kẻ sân si chốn thị thành là tôi phải giật mình thảng thốt.
Một phút dừng chân ngắm nhìn dãy Himalaya đầm mình trong cơn bão tuyết
Tại các ngôi làng bị che khuất sau những rặng núi cao chót vót này, du khách từ khắp nơi trên thế giới đổ về để tìm kiếm cơ may ngắm nhìn loài báo tuyết được mệnh danh là "Bóng ma của dãy Himalaya".
Báo tuyết thường sống ở vùng cao nguyên. Mùa hè, chúng hoạt động trên cành cây tại các đồng cỏ và vùng núi ở độ cao lên 6.000m.
Tới mùa đông, báo tuyết mới xuống thấp hơn, ẩn nấp trong tuyết. Song thời điểm tuyết rơi đang trở nên thất thường và ít hơn trước đây đã khiến cho loài báo tuyết khó lòng ngụy trang, dễ dàng bị con mồi phát hiện, dẫn đến tình trạng thiếu hụt thức ăn và sụt giảm về số lượng cá thể.
Hành trình đưa chúng tôi qua những khu vực heo hút nhất để có cơ hội được thấy một số động vật hoang dã quý hiếm
Đoàn chúng tôi là những du khách cực kỳ may mắn - theo lời của một anh chàng mê đắm động vật hoang dã người Anh đã ăn nằm 2 ngày ở thung lũng Rumbak mà chưa thấy bóng dáng báo tuyết. Chúng tôi vừa mới tới đã có cơ hội ngắm nhìn một gia đình báo tuyết với ba thành viên thức dậy và di chuyển dọc theo triền núi dưới cái nắng chiều vàng ươm chiếu rọi xuống nền tuyết trắng xóa.
Chúng tôi quả là một đoàn may mắn khi không chỉ có cơ hội ngắm báo tuyết, mà còn có thể thấy những bầy cừu xanh (Bharal) thơ thẩn trên lưng chừng núi; gặp những đàn bò Yak chạy trên bình nguyên khiến bụi bay mịt mù như bão cát, cú đại bàng, cáo đỏ, một chú sói rời đàn,.. và một em mèo Manul lông xù ở đồng hoang Hanle.
Mèo Manul hay mèo Pallas là một loài mèo hoang nhỏ có nguồn gốc từ đồng cỏ và cây bụi trên dãy Himalaya, cao nguyên Tây Tạng, Thiên Sơn và dãy núi Nam Siberia. Với bộ lông dài và rậm, chúng thích nghi tốt với khí hậu lục địa lạnh giá ở khu vực ít mưa và trải qua nhiều nhiệt độ.
Tuy nhiên, mèo Manul là loài động vật rất nhạy cảm và đặc biệt nhạy cảm với những thay đổi của môi trường. Vì vậy, trước biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay, mèo Manul nhanh chóng rơi vào danh sách động vật có nguy cơ tuyệt chủng.
Em mèo Manul được chụp qua ống kính chuyên dụng tầm xa
Stanzin - 20 tuổi, cậu học việc kiêm chạy vặt trong đoàn chúng tôi - là một sinh viên cao đẳng ngành du lịch ở Leh, có nhiều trăn trở về biến đổi khí hậu và sự đô thị hóa đang làm biến mất những ngôi làng cổ xưa, hẻo lánh.
Lọt thỏm giữa mênh mông tuyết, những dãy núi trắng cao đến tận tầng trời là ngôi làng Chilling cũng chìm trong tuyết và một dòng sông bán băng trong vắt chảy xiết.
Làng là sự kết hợp của tu viện nhỏ và những ngôi nhà bằng đá, những cây liễu roi cổ thụ. Khung cảnh đẹp và yên bình tựa một giấc mơ.
Mọi náo động ồn ã và áp lực của thành phố như dừng chân tại sân bay thành phố Leh, và những ngôi làng như nằm rìa cuộc sống hiện đại, như thể nơi tận cùng thế giới vậy.
Chính sự xa xôi, vẻ đẹp nên thơ nhưng rất đỗi hùng vĩ của những ngọn núi phủ tuyết, những dòng sông đóng băng cùng sự hào phóng và lòng hiếu khách của người dân đã khiến Ladakh trở nên đặc biệt và huyền diệu.
Những đợt tuyết phủ trên đèo làm cho các ngôi làng trở nên hoàn toàn biệt lập
"Giờ đây, khi vùng đất tận cùng của thế giới này đang trở nên dễ dàng tiếp cận hơn, du lịch tăng trưởng cùng với biến đổi khí hậu sẽ có tác động gì đến Ladakh? Và người Ladakh phải làm gì trước những điều đó?". Câu hỏi ấy vẫn luôn văng vẳng trong tâm trí chàng trai trẻ Stanzin.
Người Ladakh cũng như người Mông, Dao, Thái, Lô Lô… trên những dải núi cao Việt Nam vẫn không ngừng trăn trở giữa việc phát triển kinh tế địa phương và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những nét đẹp mộc mạc, nguyên sơ nhất.
Du lịch mang lại sự thúc đẩy rất cần thiết cho thu nhập của cộng đồng địa phương, nhưng mặt khác là tình trạng ô nhiễm gia tăng từ giao thông và rác thải.
Cùng theo đó là một mối lo to lớn về biến đổi khí hậu đang càn quét cảnh quan thiên nhiên, làm biến mất những dòng sông tưởng chừng sẽ chảy đến muôn đời.
Phải chăng sẽ có một ngày ta không còn cơ hội dạo bước trên những rặng tuyết sơn ở Himalaya?
Theo Tuổi trẻ
Liên kết website
Ý kiến ()