Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 06/11/2024 08:20 (GMT +7)
Vụ “chuyến bay giải cứu”: Cựu Đại sứ tại Malaysia thu quá 11 tỷ đồng của dân để giữ lại và chia nhau
Thứ 6, 14/07/2023 | 09:38:14 [GMT +7] A A
Với gần 1.900 người mãn hạn tù được tham gia “chuyến bay giải cứu”, bị cáo Thái và cấp dưới thu 44,6 tỷ đồng, nhưng các chi phí chỉ mất 33 tỷ, còn thừa hơn 11 tỷ đồng. Số tiền này, bị cáo Thái cùng cấp dưới giữ lại 5 tỷ đồng tại Đại sứ quán, số tiền còn lại chia nhau.
Trong phiên tòa xét xử vụ án “chuyến bay giải cứu” diễn ra ngày thứ 3 (13/7), bị cáo Trần Việt Thái (cựu Đại sứ tại Malaysia) là một trong 54 bị cáo bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tại phiên tòa, bị cáo Thái khai, đã chỉ đạo thu tiền từ chủ ghe, tàu... của người muốn về nước và phần thừa được chia cho các cán bộ Đại sứ quán.
Cáo trạng của Viện KSND tối cao xác định, từ tháng 5/2020 đến tháng 1/2022, Đại sứ quán tại Malaysia tổ chức 8 “chuyến bay giải cứu” đưa 1.891 người chấp hành xong án phạt tù ở 19 trại chờ về nước.
Đại sứ quán tại Malaysia đã thu của mỗi người mãn hạn tù 20,3 triệu đồng. Ai không có hộ chiếu phải nộp cho Đại sứ quán 25 triệu đồng. Với những người ở đảo xa, cần mua vé máy bay về Thủ đô Kuala Lampur sẽ phải nộp từ 30 đến 35 triệu đồng một người. Trong đó, riêng khoản cấp hộ chiếu, một số bị cáo ở Đại sứ quán thu hơn 4,6 triệu đồng một cuốn, nhưng chỉ nộp về ngân sách 1,6 triệu đồng một cuốn.
Với gần 1.900 người mãn hạn tù được tham gia “chuyến bay giải cứu”, bị cáo Thái và cấp dưới thu 44,6 tỷ đồng, nhưng các chi phí chỉ mất 33 tỷ, còn thừa hơn 11 tỷ đồng. Số tiền này, bị cáo Thái cùng cấp dưới giữ lại 5 tỷ đồng tại Đại sứ quán, số tiền còn lại chia nhau. Trong đó, bị cáo Thái được 580 triệu đồng, cấp dưới của bị cáo Thái hưởng ít hơn.
Tại tòa, bị cáo Thái khai, được bổ nhiệm Đại sứ từ tháng 5/2020, nhưng tháng 11/2020 mới sang được Malaysia, cách ly hai tuần rồi trình Quốc thư lên Nhà Vua Malaysia. Trả lời Hội đồng xét xử về mức thu phí của những người trong các trại chờ, bị cáo Thái khai, không có quy định về giải cứu tù nhân các trại chờ nên nói quy định rất là khó.
Theo lời khai của bị cáo Thái, sự việc bắt đầu từ tháng 1/2021, khi Malaysia ban bố tình trạng khẩn cấp, yêu cầu Đại sứ quán phải đưa người nước mình trong các trại chờ về nước.
“Những người phải về nước bao gồm thủy thủ đánh bắt cá trộm, người lao động trái phép và các cô gái làm nghề nhạy cảm, gọi là “đào”. Đại sứ quán biết có nhiều môi giới thu tiền về nước giá từ 40 đến 80 triệu đồng một người nên cử người xuống khảo sát, đưa công dân về nước”, bị cáo Thái khai.
Cũng theo bị cáo Thái, tiền cho người về nước được thu từ các chủ sử dụng lao động, chủ các ghe, tàu, chủ “đào”. Nếu họ không trả thì sẽ thu từ thân nhân, và nếu thân nhân từ chối thì Đại sứ quán mới đứng ra chi.
Về số tiền làm hộ chiếu bị thu chênh, bị cáo Thái khai, Thông tư 264/2016 của Bộ Tài chính quy định lệ phí hộ chiếu mới là 70 USD và thường thì các Đại sứ quán chỉ cấp cho trẻ sơ sinh.
Về số tiền chênh lệch thu của người về nước hơn 11 tỷ đồng, bị cáo Thái khai, nguyên nhân ngoài từ nguồn hộ chiếu, Đại sứ quán còn thu thêm một khoản “dự phòng khi có tình huống khẩn cấp”, nhưng sau không dùng đến nên bị cáo Thái chỉ đạo thủ quỹ giữ lại 5 tỷ đồng tại Đại sứ quán. Một phần khác, bị cáo Thái chỉ đạo bồi dưỡng cho cán bộ trong đó, bị cáo Thái nhận 580 triệu đồng, các cấp dưới tùy theo vị trí mà được bồi dưỡng tương ứng.
Hội đồng xét xử hỏi “lý do bồi dưỡng”, bị cáo Thái trả lời: “Làm việc phải bồi dưỡng cho cán bộ trại của Malaysia mà lại không bồi dưỡng người Việt thì khó huy động anh, chị em vì cùng làm, cùng chịu rủi do...”.
Theo CAND
- Cựu Đại sứ và cựu Tổng lãnh sự hối hận vì nhận nhiều tỷ đồng trong vụ "chuyến bay giải cứu"
- Lời khai của doanh nghiệp về những lần hối lộ hàng tỷ đồng để được cấp phép "chuyến bay giải cứu"
- Cơ quan quản lý cố tình gây khó khăn cho các “chuyến bay giải cứu” như thế nào?
- Vụ 'chuyến bay giải cứu': Nhiều bị cáo khai bị ép đưa hối lộ
Liên kết website
Ý kiến ()