Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 07:51 (GMT +7)
Vũ Linh - Tài Linh và nghịch lý của cải lương
Thứ 3, 21/03/2023 | 16:54:19 [GMT +7] A A
Cải lương từng có thời hưng thịnh đến mức được khán giả khắp cả nước yêu thích từ Nam Bộ đến Bắc Bộ. Ở nhiều tỉnh phía Bắc có đoàn cải lương riêng, đi diễn quanh năm. Thời ấy Vũ Linh - Tài Linh và sự rực rỡ của cải lương đã ăn sâu vào ký ức thơ ấu của thế hệ 7X, 8X.
Vũ Linh – Tài Linh là thơ ấu
Những năm cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990 thế kỷ trước, khi Tivi vẫn còn là vật dụng xa xỉ của nhiều gia đình, cải lương đã có thời kỳ đỉnh cao của mình.
Thơ ấu của thế hệ 7X-8X gắn liền với chiếc tivi đen trắng màn hình nhỏ xíu 14 inch “thần thánh”. Cả làng, cả xóm có khi chỉ một gia đình có tivi. Cứ cơm chiều xong, cả làng sẽ kéo đến gia đình có tivi, xếp dép ngồi kín sân kín ngõ, cùng nhau xem “Tây Du Ký 1986” và... cải lương.
Cải lương thời ấy phát triển rực rỡ với những nghệ sĩ vang danh, đến bây giờ họ vẫn được coi là thế hệ vàng của cải lương như: Minh Vương – Lệ Thủy, Minh Phụng – Phương Hồng Thủy, Vũ Linh – Tài Linh, Kim Tử Long – Ngọc Huyền... Mỗi vở cải lương được phát sóng đều thu hút khán giả khắp làng trên xóm dưới, đứng vòng trong vòng ngoài vây quanh chiếc tivi 14 inch, đen trắng, tập trung xem.
Mỗi câu vọng cổ “đổ” xuống, khán giả vỗ tay râm ran. Vở “Lan và Điệp” được yêu cầu chiếu đi chiếu lại hàng tuần trên VTV. Khán giả ngồi nghe thấm từng câu hát, còn thuộc làu cả trích đoạn vọng cổ, “Điệp ơi, mai anh lên chốn thành đô nhà xe rực rỡ...”.
Ký ức thơ ấu của 7X-8X, sẽ là những buổi xem cải lương cùng cả xóm, khóc cùng cả xóm trước những trích đoạn tuồng cổ đẫm nước mắt trong “Lan và Điệp”, “Lá sầu riêng”...
Thời ấy, Vũ Linh – Tài Linh còn rất trẻ, họ nổi bật trong dàn nghệ sĩ triển vọng, kế tiếp thế hệ Minh Vương – Lệ Thủy. Vũ Linh hát dịu ngọt, cách lấy hơi dài, từng nốt ngân rung đầy cảm xúc. Tài Linh giọng nữ cao, mỏng, thanh thoát.
Khi phát triển rực rỡ, được khán giả khắp cả nước yêu mến, cải lương bắt đầu du nhập, tiếp nhận thêm những luồng gió mới, nhiều giai điệu cách tân hiện đại hơn.
Thế hệ Vũ Linh – Tài Linh, Kim Tử Long – Ngọc Huyền, Thoại Mỹ, Quế Trân... bắt đầu đưa nhạc nhẹ, bolero vào cải lương, cộng thêm nhiều giai điệu mới, sáng tạo, cập nhật xu thế, cải lương ăn khách hơn bao giờ hết.
Cải lương ăn khách giúp cho thế hệ nghệ sĩ vàng như Tài Linh, Kim Tử Long “ăn nên làm ra” với băng đĩa Mưa bụi đầu thập niên 1990.
Sức nóng của cải lương từ Nam Bộ lan ra Bắc Bộ. Ngay ở miền Bắc, mỗi tỉnh đều có đoàn cải lương riêng, từ Thái Bình đến Nam Định, Bắc Giang, Hà Nội... Mỗi đoàn cải lương đều dựng vở, lên lịch diễn quanh năm.
Cuộc sống càng hiện đại, cải lương càng mất vị thế
Sự ra đi của NSƯT Vũ Linh giống như tiếng chuông chùa trong trích đoạn cuối vở “Lan và Điệp” có chức năng thức tỉnh khiến nhiều khán giả thế hệ 7X-8X sực nhớ ấu thơ từng thấm đẫm tiếng cải lương, vọng cổ.
Những ngày này, cải lương được tìm kiếm nhiều hơn. Trên các diễn đàn, nền tảng mạng xã hội đăng tải lại loạt trích đoạn cải lương kinh điển. Thông tin về cuộc đời dàn nghệ sĩ vàng của cải lương một thời được tìm đọc lại.
Tivi 14 inch đen trắng đến những tivi màu đầu tiên đã chứng kiến sự hưng thịnh của cải lương, khi công nghệ phát triển vượt bậc, cải lương cùng với nhiều loại hình sân khấu đã mất đi vị thế của mình.
Sự bùng nổ của nhiều loại hình giải trí, sự tiến xa của công nghệ đã phù phép cho điện ảnh giàu kỹ xảo, cho nhiều trò chơi trở nên hấp dẫn, cải lương không còn show diễn, vở dựng thưa dần, nhiều đoàn cải lương tan rã.
Thế hệ vàng của cải lương hoạt động thưa vắng. Tài Linh, Ngọc Huyền sang Mỹ định cư. Kim Tử Long hoạt động sôi nổi sang lĩnh vực gameshow. Chỉ đến khi NSƯT Vũ Linh ra đi khán giả nhiều thế hệ mới bàng hoàng, giọng ca biểu tượng cho một thời rực rỡ của cải lương đã không còn.
Cải lương đã bước vào xa vắng, như ấu thơ của một thời nghèo khó.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()