Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 16/12/2024 16:52 (GMT +7)
Vui buồn nghề công tác xã hội
Thứ 2, 16/12/2024 | 14:06:06 [GMT +7] A A
Nghề công tác xã hội có tính chất đặc thù, yêu cầu cả về trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ vững vàng, cũng như sự tâm huyết, chu đáo, thấu hiểu. Vì hiểu được ý nghĩa nhân văn thiết thực có thể đóng góp cho cộng đồng, những người làm nghề công tác xã hội vẫn luôn phấn đấu, dành tình yêu bền bỉ cho công việc mà họ lựa chọn gắn bó.
Tình yêu nghề là động lực
Chị Đinh Thị Hương Thảo bắt đầu một ngày làm việc tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh với một lớp tư vấn và trị liệu dành cho trẻ em. Không đơn thuần chỉ là soạn giáo án và lên bục giảng, công việc của chị là đồng hành cùng các bạn nhỏ có biểu hiện tự kỷ, rối nhiễu tâm trí, chậm phát triển. Có em chậm biết nói, thu mình không giao tiếp với thế giới bên ngoài; cũng có em lại tăng động giảm tập trung, rối loại hành vi, không làm chủ được bản thân... Đối với từng trẻ, từng biểu hiện nặng nhẹ khác nhau lại cần phải có những phương pháp can thiệp và trị liệu khác nhau. Nhưng đó vẫn chưa phải là toàn bộ công việc.
Hơn 12 năm qua, chị Thảo và đồng nghiệp đã trực tiếp gặp gỡ, phụ trách quản lý và tư vấn cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Từ những trẻ có hoàn cảnh khó khăn, cần sự bảo vệ đặc biệt; cho tới những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực, là nạn nhân buôn bán người; có cả những người nghiện ma túy, bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, mắc bệnh hiểm nghèo...
“Tôi nhớ những chuyến đi thực tế ở Bình Liêu, tự mình vượt qua con đường mòn men vách núi cheo leo bằng chiếc xe máy số. Cả những lần thực tế khảo sát, quản lý đối tượng mà kết quả không như ý, thậm chí phải nghe những lời trách móc hiểu lầm. Và cũng không đếm nổi những đêm thức trắng suy tư, trăn trở tìm phương pháp tư vấn, trị liệu phù hợp với các em học trò đặc biệt mà mình phụ trách... Nhưng bên cạnh những áp lực và vất vả, tôi càng không thể nào quên những khoảnh khắc hạnh phúc và tự hào vô cùng. Như khi tôi nhận được một cuộc điện thoại giữa đêm từ phụ huynh của một em bị chậm nói mà tôi trị liệu, được lắng nghe những chia sẻ nghẹn ngào hạnh phúc của một người mẹ sau bao năm chờ đợi đã được nghe đứa con mình bật lên tiếng nói. Tôi nhận ra rằng, công việc của mình có thể mang lại những giá trị tuyệt vời đến thế tới cho cộng đồng, nhất là những nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương” - Chị Thảo tâm sự.
Cũng đã gắn bó hơn 10 năm tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh, anh Trần Văn Hương có không ít những kỷ niệm vui buồn với công việc. Như khi triển khai CLB “Xanh lại ước mơ” tại TP Đông Triều để hỗ trợ những người sau chấp hành án trở về cộng đồng, anh Hương cùng đồng nghiệp đã kiên trì bám địa bàn trong nhiều ngày, sâu sát tới từng hội viên để khuyên giải, hướng dẫn, tư vấn, tạo việc làm... “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” là việc bắt buộc phải làm, bởi chỉ có cách như vậy mới có thể thuyết phục các hội viên và gia đình tin tưởng tham gia. Để rồi những nỗ lực ấy đã mang về trái ngọt. Qua các chương trình hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp nhu cầu thực tiễn, đến nay hầu hết các hội viên của CLB “Xanh lại ước mơ” đều đã có việc làm ổn định, xây dựng cuộc sống khấm khá, không còn tái phạm. Được góp sức mình giúp thay đổi cả một phận đời tưởng chừng lạc lối, niềm vui tự hào ấy cứ thế đã bồi đắp tình yêu nghề cho những người làm nghề công tác xã hội đang thầm lặng đóng góp cho cộng đồng.
Hướng đến chuyên nghiệp
Nghề công tác xã hội có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bình đẳng và tiến bộ của mỗi cộng đồng, xã hội văn minh, bởi có những đóng góp tích cực vào hỗ trợ các vấn đề xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của những nhóm người yếu thế. Tại Quảng Ninh hơn 10 năm qua, nghề công tác xã hội đã có những bước phát triển đáng kể, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống chính sách an sinh xã hội từng bước hoàn thiện, bảo đảm các nhu cầu cơ bản của đối tượng về trợ giúp, nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, dạy nghề và hòa nhập cộng đồng. Đối tượng trợ giúp từng bước được mở rộng, mức trợ cấp ngày càng cao, cơ hội tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng tốt hơn. Giải pháp hết sức cần thiết này đã góp phần giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội ngay tại địa bàn, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Đơn cử tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, hiện đang phụ trách triển khai một nhóm nhiệm vụ như: Hoạt động can thiệp, hỗ trợ khẩn cấp; sàng lọc, tư vấn và trị liệu cho trẻ em tự kỷ, rối nhiễu tâm trí; tư vấn qua tổng đài 1800.1769 hoặc tư vấn trực tiếp; quản lý trường hợp; công tác truyền thông, tập huấn, phát triển cộng đồng; kết nối hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật... Việc triển khai nhiệm vụ tại cộng đồng của Trung tâm đã và đang có những thuận lợi nhất định, nhờ các chỉ đạo, chủ trương quyết liệt của tỉnh về lĩnh vực an sinh xã hội trong giai đoạn hiện nay. Tiêu biểu là việc hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng.
Một số trung tâm công tác xã hội ngoài công lập cũng đã cho thấy rõ hiệu quả hoạt động theo đúng nội dung được tỉnh cho phép. Nhất là về cung cấp dịch vụ can thiệp và trị liệu cho trẻ em và thanh niên trên 18 tuổi, chủ yếu là các trường hợp chậm nói, tự kỷ, rối loạn hành vi, tăng động, giảm chú ý, khuyết tật. Đồng thời góp phần đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng về nghề công tác xã hội và các dịch vụ công tác xã hội đang được cung cấp trên địa bàn toàn tỉnh. Nhờ đó, đã thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của cộng đồng trong việc chung tay trợ giúp các trường hợp người yếu thế trong xã hội, nhất là trẻ em, góp phần đảm bảo an sinh, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều người nhầm lẫn nghề công tác xã hội với các hoạt động bảo trợ, từ thiện... của các tổ chức, đơn vị, cá nhân triển khai. Thực chất, công tác xã hội là một nghề chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản ở các trường đại học, cao đẳng với ngành nghề cụ thể. Và những người làm nghề công tác xã hội như chị Thảo, anh Hương... chính là cầu nối đưa chính sách an sinh đi vào cuộc sống, giúp kết nối những hoàn cảnh khó khăn với các tổ chức, nguồn lực trong xã hội. Với vai trò, ý nghĩa nhân văn như vậy, nghề công tác xã hội cần được quan tâm, tạo điều kiện nhiều hơn nữa, cũng là mục tiêu đề ra theo Chương trình phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2021-2030 (phê duyệt tại Quyết định số 112/QĐ-TTg ngày 22/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ).
Ngôi nhà Ánh Dương - mô hình nhà tạm lánh được thành lập trực thuộc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh từ tháng 4/2020, đã trở thành điểm tựa, chốn bình yên cho nhiều phụ nữ bị bạo hành. Tại đây, các nạn nhân của bạo lực gia đình được cung cấp những dịch vụ thiết yếu hoàn toàn miễn phí 24/7, bao gồm: Hỗ trợ tư vấn, tham vấn qua đường dây nóng và tại văn phòng, xây dựng kế hoạch trợ giúp, cung cấp nơi tạm lánh an toàn trong trường hợp khẩn cấp, chăm sóc, hỗ trợ y tế, chuyển tuyến, kết nối hỗ trợ tư pháp, hỗ trợ trang bị kỹ năng sống, kết nối dạy nghề và tạo việc làm...
|
Hoàng Giang
- Góp phần phòng ngừa tệ nạn xã hội trong công nhân lao động
- Khối thi đua các sở, ngành Văn hóa - Xã hội tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024
- TP Uông Bí: Kéo giảm tội phạm và tệ nạn xã hội
- TP Cẩm Phả: Đảm bảo công tác an sinh xã hội cho người dân
- Huy động nguồn lực thực hiện công tác an sinh xã hội
Liên kết website
Ý kiến ()