Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 19:17 (GMT +7)
“Vùng biển đảo Đông Bắc có ý nghĩa chiến lược với Đại Việt”
Chủ nhật, 17/12/2023 | 14:37:03 [GMT +7] A A
Bên cạnh vai trò là thương cảng lớn trong đời sống kinh tế - xã hội thì Vân Đồn còn có vai trò quan trọng trong chiến lược bảo vệ biên giới biển đảo của quốc gia Đại Việt. Các nhà nước quân chủ Đại Việt đều cắt cử các tướng lĩnh tài giỏi và bố trí lực lượng hùng mạnh để phòng thủ bảo vệ vùng biển đảo biên giới Đông Bắc.
Nhân một hội thảo khoa học tại Vân Đồn, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc trò chuyện với Đại tá, PGS.TS Dương Hồng Anh, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự, Bộ Quốc phòng, về vấn đề này.
- Về mặt quân sự thì vùng biển đảo Đông Bắc được các nhà nước phong kiến xưa quan tâm như thế nào, thưa Đại tá?
+ Các nhà nước và cộng đồng cư dân trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước đã sớm chú ý và ngày càng quan tâm hơn đến lãnh hải quốc gia, tích cực khai thác các nguồn lợi từ biển đảo và phát huy vị thế của quốc gia ven biển. Đến thế kỷ thứ IX, con đường tơ lụa và con đường gốm sứ trên biển Đông hình thành đều đi qua các thương cảng cổ của nước ta, trong đó có Vân Đồn. Quần đảo phía Đông Bắc của đất nước ta nằm trên trục đường hàng hải quan trọng và thuận tiện từ Trung Quốc xuống Đông Nam Á.
Nhà Trần vốn gốc dân chài nên triều đình đã có cái nhìn rộng rãi và khoáng đạt hơn về biển. Vua cho phép các vương hầu, công chúa, phò mã, cung tần chiêu tập dân nghèo xiêu tán khẩn hoang đất ven biển, đắp đê, thau chua, rửa mặn, đào kênh ngòi. Các vua Trần đã kiến tạo một hệ thống giao thông đường thủy trên sông, trên biển vừa phục vụ cho quân sự quốc phòng vừa tạo điều kiện cho thương nghiệp phát triển.
Từ năm 1349, vương triều Trần đã nâng cấp vị thế Vân Đồn từ đơn vị hành chính cấp trang, tức là trang trại làng xã, lên cấp trấn tứ là tương đương cấp tỉnh, trực thuộc triều đình trung ương. Tại trấn Vân Đồn, triều đình phong kiến Đại Việt đã đặt các chức Trấn quan do võ tướng chỉ huy, Lộ quan do quan văn cai trị và Sát hải sứ là viên quan kiểm soát mặt biển để cai quản; đồng thời bố trí lực lượng phòng thủ, gọi chung là Bình hải quân. Hơn thế nữa, Vân Đồn còn là vùng giới hạn hoạt động của các thuyền buôn nước ngoài ở vùng biển Đông Bắc.
- Sau thời Trần, các triều đại tiếp theo quan tâm thế nào đến vùng biển Đông Bắc, thưa Đại tá?
+ Từ thế kỷ XV trở đi, nhằm bảo vệ an ninh và chủ quyền quốc gia, các nhà nước Đại Việt dưới triều Lê Sơ, Mạc và Lê Trung Hưng đã tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các hoạt động ngoại thương trên biển. Vùng biển đảo này là một trong số ít khu vực mà thuyền buôn nước ngoài được phép đến buôn bán. Các công trình nghiên cứu cho thấy, Vân Đồn là thương cảng mậu dịch đối ngoại lớn nhất đương thời. Tại đây có Sát hải sứ kiểm soát tàu bè, An phủ sứ ty và Đề bạc ty kiểm soát buôn bán, đi lại. Thuyền buôn nước ngoài cập bến phải xin giấy phép mới được buôn bán; thuyền buôn của thương nhân Đại Việt muốn đưa hàng đi buôn bán với các nơi khác cũng phải xin giấy phép của chính quyền địa phương.
Cụ thể, pháp luật của nhà nước Đại Việt quy định rõ về những hoạt động ở các vùng biển đảo tiền tiêu như Vân Đồn. Luật hình triều Lê quy định rõ các quan vô cớ đi riêng ra những trang trong vịnh Bái Tử Long ngày nay đều bị xử giam trong ngục hoặc bắt lưu đày, đồng thời thưởng cho người tố cáo.
Người ở trang Vân Đồn chở hàng hóa Trung Quốc lên kinh thành bán mà không có giấy của An phủ ty tức cấp tỉnh ngày nay, không có giấy của Đề bạc ty tức là tương đương Sở Giao thông - Vận tải ngày nay, đem bán lén lút thì đều bị phạt 100 quan tiền, đem vào làng mạc giấu thì bị phạt 200 quan tiền. Nếu ai phát hiện tố cáo thì thưởng cho một phần ba số tiền phạt. Những thuyền buôn ngoại quốc muốn ở lại lâu Vân Đồn thì phải làm giấy trình An phủ ty cấp cho làm bằng thì mới được ở lại. Nếu trang chủ không trình báo mà tự ý chứa người ngoại quốc chưa đủ 16 tuổi ở lại thì cũng bị phạt tiền.
Có thể thấy, trong tiến trình lịch sử, cùng với sự trưởng thành của đất nước, ý thức chủ quyền và hoạt động khai thác biển đảo của quốc gia dân tộc đã có những bước tiến mạnh mẽ. Vân Đồn không chỉ là một thương cảng lớn mà còn có vị trí, vai trò quan trọng trong việc bảo vệ biên giới biển đảo của quốc gia Đại Việt đương thời.
- Một trong những minh chứng trong việc bảo vệ biên giới biển đảo là chiến thắng Vân Đồn năm 1287. Đại tá đánh giá thế nào về ý nghĩa của chiến thắng lịch sử này?
+ Trước nguy cơ xâm lược từ phương Bắc, vương triều Trần đã huy động nhanh chóng sức mạnh của cả nước chuẩn bị cho cuộc kháng chiến cận kề. Tháng 10 năm Bính Tuất 1286, nhà Trần tổ chức một cuộc tập trận lớn để kiểm duyệt diễn tập quân lính điều động được, sau đó chia quân đi đóng giữ ở các nơi hiểm yếu, sẵn sàng đánh địch. Trong đó, Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư được cử đặc trách bảo vệ miền biển Đông Bắc từ năm Nhâm Ngọ 1282, nay tiếp tục đóng quân trấn giữ ngăn chặn hướng tiến quân của thủy binh Nguyên Mông. Trần Khánh Dư đã cùng với quân dân vùng biển đảo Đông Bắc xây dựng Vân Đồn thành một căn cứ quan trọng có ý nghĩa chiến lược trong việc bảo vệ biên giới biển đảo của quốc gia Đại Việt.
Trong cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt lần thứ ba, quân Nguyên Mông đã tổ chức một lực lượng thủy binh lớn. Thủy binh và đoàn thuyền lương được tách làm 3 bộ phận. Bộ phận thứ nhất do Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp chỉ huy gồm 18.000 quân và chiến thuyền. Bộ phận thứ hai do Ô Vỵ, Trương Ngọc và Lưu Khuê chỉ huy gồm vài chục nghìn quân và chiến thuyền. Bộ phận thứ ba gồm 70 thuyền lương thảo do Trương Văn Hổ chỉ huy. Khi đoàn thuyền vào đến Vạn Ninh, Móng Cái ngày nay bị quan quân nhà Trần mai phục đánh úp tại Mũi Ngọc. Ô Mã Nhi bao vây tấn công lên Mũi Ngọc buộc quân nhà Trần phải rút lui. Đến cuối tháng 11 năm Đinh Hợi 1287, thủy quân Nguyên tiến vào vùng biển An Bang, tức Vân Đồn Quảng Ninh ngày nay. Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư chỉ huy lực lượng lớn thủy quân chặn đánh nhưng thất bại. Đoàn thuyền chiến của Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp thừa thắng tiến vào sông Bạch Đằng, bỏ lại đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ đi sau.
- Phải chăng, sự chủ quan đó của Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp đã tạo cơ hội lập công cho Trần Khánh Dư?
+ Được tin Trần Khánh Dư thất trận, thượng hoàng Trần Nhân Tông trách tội, cử người đến Vân Đồn bắt giải về kinh nhưng Trần Khánh Dư xin khất vài ngày để lập công chuộc tội vì ông biết quân giặc đã qua thì thuyền vận tải chắc chắn sẽ theo sau. Trần Khánh Dư thu thập lực lượng bố trí thế trận mai phục chờ sẵn. Ít ngày sau, đoàn thuyền đồ sộ chở nặng lương thảo của Trương Văn Hổ vào Vân Đồn thì quân của Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp đã đến Bạch Đằng, chủ quan không yểm hộ cho đoàn thuyền lương. Vì thế, đoàn thuyền lương vốn nặng nề, chậm chạp lại không có lực lượng thiện chiến bảo vệ càng chống cự càng bất lợi, phải rút chạy. Trương Văn Hổ bỏ lại lương thảo, dùng thuyền nhỏ rút chạy về đảo Hải Nam ngày nay. Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư đã bắt được lượng lớn quân khí giới, lương thảo và tù binh của địch.
- Theo Đại tá, chiến công của Trần Khánh Dư có ý nghĩa như thế nào trong cả cuộc kháng chiến?
+ Thượng hoàng Trần Nhân Tông nhận được tin thắng trận báo về đã rất vui mừng, tha tội thua trận trước đó cho Phó tướng Trần Khánh Dư. Bộ Chỉ huy cuộc kháng chiến nhận định quân Nguyên trông cậy cả vào chỗ lương thảo, khí giới đó, nay đã bị quân ta bắt được, nếu chúng biết sẽ rất hoang mang. Vì vậy, Bộ Chỉ huy cuộc kháng chiến cho áp giải tù binh đến doanh trại quân Nguyên báo tin, đánh cho địch một đòn tâm lý rất mạnh.
Chiến thắng này có một ý nghĩa rất lớn đối với toàn bộ cuộc kháng chiến lần thứ ba của quân dân ta, khiến cho vấn đề lương thực trở nên vô cùng khó khăn đối với kẻ thù. Chúng ta đã mạnh mẽ đánh vào chỗ yếu có tính chiến lược của địch, làm phá sản kế hoạch tiếp tế lương thực của Thoát Hoan, do đó ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ ba của quân Nguyên, tạo điều kiện cho quân ta nhanh chóng chuyển lên phản công chiến lược.
Tóm lại, không chỉ vào thời Trần mà suốt từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ XVIII, Vân Đồn đóng vai trò trọng yếu trong các hoạt động chính trị, kinh tế, quân sự quốc phòng của quốc gia Đại Việt. Các nhà nước quân chủ Đại Việt đều chú trọng bảo vệ, bố trí các tướng lĩnh tài giỏi và lực lượng hùng mạnh phòng thủ. Đặc biệt, chiến thắng Vân Đồn năm 1287 đã mang lại những chuyển biến có ý nghĩa chiến lược, tích cực góp phần làm nên chiến thắng chung của toàn dân tộc, bảo vệ toàn vẹn biên giới, biển đảo của đất nước.
- Cảm ơn Đại tá về cuộc trò chuyện này!
Phạm Học (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()