Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 05:05 (GMT +7)
"Những chủ nhân của văn hóa biển đảo Đông Bắc đã sáng tạo ra nhiều giá trị quý giá"
Chủ nhật, 04/06/2023 | 06:03:21 [GMT +7] A A
Cùng với văn hóa công nhân mỏ, văn hóa biển góp phần hình thành nên văn hóa Quảng Ninh. Văn hóa là nền tảng, là động lực phát triển để góp phần đưa Quảng Ninh từng bước trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh như tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 23/4/2019 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh gắn với thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra.
Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Dương Văn Huy, Trưởng Phòng Nghiên cứu hải đảo, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
- Thưa ông, tại sao có thể nói Vịnh Bắc Bộ, trong đó có vùng biển Vân Đồn là trung điểm thu phát văn hóa?
+ Là cửa ngõ thông ra biển của miền Tây Nam và Đông Nam Trung Quốc, Vịnh Bắc Bộ mà tâm điểm là Thương cảng Vân Đồn của Đại Việt xưa được coi là tuyến giao thương chính yếu, là địa bàn chuyển nối giữa lục địa với đại dương. Về vị thế, Vân Đồn không chỉ nằm ở trung điểm của mối giao lưu Đông Tây tức giữa Đông Nam Á bán đảo với Đông Nam Á hải đảo mà còn là nơi kết tụ của mối quan hệ Bắc Nam, mang ý nghĩa của một trung điểm thu phát văn hóa giữa hai khu vực Nam Á và Tây Á. Nói cách khác, nhờ có Đông Nam Á mà thế giới Trung Hoa mới có thể giao tiếp thường xuyên và mật thiết với thế giới Ấn Độ.
Vân Đồn là sự hội tụ của các không gian lịch sử và văn hóa không chỉ khu vực tỉnh Quảng Ninh mà rộng hơn là cả Vịnh Bắc Bộ, thậm chí là nằm trong không gian lịch sử và văn hóa của cả các vùng lục địa Nam Trung Hoa, Đông Bắc Lào, Bắc Bộ của Việt Nam và ra tới biển Đông.
- Đấy là về văn hóa, còn về góc độ thương mại thì vùng biển Quảng Ninh đã có quá trình phát triển như thế nào, thưa ông?
+ Thương cảng Vân Đồn đã phát triển đi theo một vòng tròn xoáy trôn ốc. Trước khi có thương cảng Vân Đồn, thời Bắc thuộc, nơi đây rõ ràng đã là một điểm kết nối giữa lục địa và biển. Thời nhà Tần rồi nhà Hán (Trung Quốc) đã đẩy mạnh chính sách khai thác, bóc lột cư dân phương Nam. Bộ sử cổ Trung Quốc là Tiền Hán thư cho rằng, do miền này là nơi gần bể, có nhiều sừng tê giác, ngà voi, đồi mồi, châu ngọc, bạc đồng, hoa quả, vải lụa nên người Trung Quốc đến buôn bán và phần nhiều được giàu có. Đến thời Đông Hán, mối quan hệ kinh tế với vùng Nam Hải mà chủ yếu là Quảng Châu và Giao Chỉ đã khá phát triển. Thương nhân cả người Hán lẫn người Việt thường chở lúa gạo từ Giao Chỉ đem bán cho các quận Cửu Chân và Hợp Phố. Họ cũng thường qua lại Hợp Phố để buôn bán châu báu. Đến thời Đường thì vùng biển Giao Châu đã trở thành một địa bàn có quan hệ giao thương phồn thịnh.
Thời kỳ độc lập tự chủ thì yếu tố kinh tế đối ngoại thể hiện rất rõ ở Vân Đồn. Sau khi được thành lập (1149), trang Vân Đồn trở thành thương cảng quốc tế quan trọng nhất của quốc gia Đại Việt. Đến thời Trần, triều đình càng có ý thức mạnh mẽ hơn về vùng biển Đông Bắc trong chiến lược biển đảo bảo vệ an ninh và lợi ích kinh tế. Với việc đổi trang thành trấn, Vân Đồn đã thành một khu kinh tế với hệ thống các bến cảng, khu định cư, thủ phủ hành chính, điểm kiểm soát tàu thuyền hàng hóa thu thuế và căn cứ phòng vệ biển. Vào thời Trần, trên nhiều đảo ở Vân Đồn đã có các khu định cư tương đối trù mật. Vì nhu cầu phát triển cuộc sống ở Vân Đồn cũng đã xuất hiện nhiều di tích lịch sử, kiến trúc, tôn giáo và các khu khai thác chế biến hải sản.
Trên thực tế, Vân Đồn đã trở thành một thực thể phát triển tương đối hoàn chỉnh, dành được sự quan tâm đặc biệt của các triều đại Lý, Trần, Lê. Vân Đồn là một thương cảng lớn có vai trò kinh tế, chính trị quan trọng, đồng thời có quá trình phát triển liên tục lâu dài nhất trong lịch sử các thương cảng của Việt Nam. Thương cảng này có sự kết nối chặt chẽ với các bến cảng đảo ven bờ, các vùng cảng cửa sông, cảng Vạn Ninh Móng Cái, đảo Cát Bà và các làng nghề dệt lụa, gốm sứ cùng nhiều ngành nghề thủ công khác ở vùng châu thổ sông Hồng cũng như cả miền Đông Bắc, Tây Bắc.
- Từ góc nhìn văn hóa thì ông thấy con người vùng biển đảo Đông Bắc có điều gì đặc biệt?
+ Cư dân vùng biển Đông Bắc là nét "gạch nối" trong quá trình phát triển từ đất liền tiến ra biển. Ngoài những cư dân ra biển do áp lực dân số ở đồng bằng thì có không ít người ra biển với mục đích trấn giữ biên ải của Tổ quốc. Lâu dần, họ trở thành người chính gốc ở đây, sinh cơ lập nghiệp và phát triển cho đến tận bây giờ. Những nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong đời sống sinh hoạt gắn với môi trường biển đảo, những chủ nhân của văn hóa biển đảo Đông Bắc đã sáng tạo ra nhiều giá trị quý giá. Đó là những thói quen, hành vi ứng xử, cung cách sinh hoạt thể hiện trong chuyện ăn mặc, đi lại thích ứng với môi trường biển đảo, những phong tục tập quán gắn với môi trường sinh thái xung quanh.
Đối với các làng biển, ngư dân xây nhà không cao nhưng vững chãi để chống chọi với gió bão. Trong các thị tứ đã hình thành các dãy nhà cao tầng, tạo nên dãy phố hòa hợp với thiên nhiên. Về phong tục tập quán, ngư dân các làng chài còn lưu giữ lối hát chèo đường, hát cưới, hát đúm thay cho những lời giao đãi. Về văn hóa ẩm thực, vùng biển đảo Đông Bắc vừa có chất ăn sóng nói gió, lại vừa có cái tinh tế thanh cao của người miền Bắc, lại cũng cầu kỳ hình thức kiểu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Khí chất của con người miền biển Quảng Ninh đa số đều mạnh mẽ, chất phác, chịu khó, luôn đoàn kết cùng nhau chống chọi lại thiên tai bão gió để xây dựng làng biển.
- Những yếu tố văn hóa đó có ý nghĩa thế nào trong bức tranh văn hóa các dân tộc Việt Nam?
+ Vân Đồn không chỉ là một địa danh lịch sử nổi tiếng trong quá trình bảo vệ Tổ quốc mà còn là một vùng văn hóa đặc sắc, trong đó yếu tố văn hóa biển là yếu tố đặc trưng của lịch sử phát triển văn hóa của cư dân nơi đây. Cho đến nay, các lễ hội truyền thống còn thể hiện rõ những nét văn hóa biển truyền thống. Có thể nói rằng, các giá trị văn hóa của huyện đảo Vân Đồn mang đậm tính chất biển đảo. Yếu tố này được hình thành và phát triển một cách liên tục và trở thành những nét đặc trưng của văn hóa dân tộc, văn hóa biển.
Đồng thời, do sinh sống trong môi trường biển nên người dân ở đây đã tích lũy được những tri thức dân gian phong phú về biển. Điều này đã được bao đời trải nghiệm đúc kết và còn tiếp tục làm giàu có, phong phú thêm. Đời sống văn hóa của người dân cũng đã tạo nên một diện mạo văn hóa riêng của mình nhưng cũng nằm trong dòng chảy văn hóa dân tộc Việt. Diện mạo riêng ấy được định hình bởi những yếu tố địa lý đặc thù và môi trường văn hóa. Chính những yếu tố văn hóa biển với yếu tố hải đảo tạo nên sự đa dạng trong thống nhất của nền văn hóa các dân tộc Việt Nam.
- Theo ông, Vân Đồn đang có cơ hội như thế nào để có thể trỗi dậy những giá trị lịch sử trong bối cảnh kinh tế quốc tế hiện nay?
+ Đến giai đoạn hiện nay, khi mà hình thành những cơ chế hợp tác giữa các quốc gia giữa Trung Quốc với Việt Nam và rộng hơn là với ASEAN cùng hàng loạt hành lang hợp tác thì Vân Đồn đang đón nhận một cơ hội để trỗi dậy trở lại, trở thành một trung tâm không chỉ là kinh tế mà còn là nơi hội tụ của nhiều yếu tố văn hóa di sản, du lịch, lịch sử. Quảng Ninh hiện có điều kiện giao thông kết nối hết sức thuận lợi, đặc biệt là giao thông từ Hạ Long ra Móng Cái. Quảng Ninh hoàn toàn hội tụ đầy đủ điều kiện về không gian giá trị lịch sử, văn hóa, địa lý. Câu chuyện của bây giờ là tận dụng những lợi thế đó để trỗi dậy về kinh tế. Bối cảnh quốc tế hoàn toàn cho phép chúng ta làm điều đó. Dường như lịch sử đang lặp lại.
- Xin cảm ơn PGS.TS về cuộc trò chuyện này!
Phạm Học thực hiện
- Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa bằng công nghệ số
- Móng Cái: Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa
- Tuần lễ Di sản văn hoá phi vật thể Trung Quốc – ASEAN (Nam Ninh) lần thứ nhất
- Những di sản văn hoá thời Lê
- Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá của người Sán Chỉ ở Bình Liêu
- 'Nghề làm tôm khô' Cà Mau được đề nghị là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Liên kết website
Ý kiến ()