Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 21:44 (GMT +7)
Vùng đất giàu bản sắc văn hoá dưới chân Yên Tử
Chủ nhật, 25/08/2024 | 10:28:17 [GMT +7] A A
Dưới chân Yên Tử là các khu dân cư của xã Thượng Yên Công (TP Uông Bí), nơi có 9 dân tộc cùng sinh sống, trong đó gần 60% là đồng bào dân tộc thiểu số. Với các giá trị văn hoá đặc trưng, vùng đất này đã và đang đổi thay mạnh mẽ, làm sống động thêm một dải non thiêng…
Vùng đất dưới chân Yên Tử xưa kia không biết đã có dân cư sinh sống từ bao giờ. Nhưng tương truyền cách đây hơn 700 năm, sau khi các cung nữ theo Thượng hoàng Trần Nhân Tông về Yên Tử nhưng không ngăn cản được ý chí quyết tâm tu hành của Ngài, nhiều người đã ở lại vùng đất dưới chân non thiêng để sinh cơ lập nghiệp. Chính vì vậy, vùng đất này nổi tiếng có nhiều phụ nữ xinh đẹp, đảm đang, khéo léo…
Câu chuyện xưa không biết có bao nhiêu phần sự thật, còn xã Thượng Yên Công ngày nay theo ghi chép thì được thành lập ngày 28/10/1947, với diện tích đồng bằng xen kẽ chủ yếu với đồi núi. Nằm yên bình dưới chân dãy núi Yên Tử, đường đi lối lại vào Thượng Yên Công xưa kia tương đối khó khăn, khiến nhiều người e ngại vì gập ghềnh, hoang vu. Đời sống dân sinh cũng có nhiều nhọc nhằn khi đa số người dân làm nông - lâm nghiệp là chính, trong đó không ít bà con sống dựa vào khai thác từ rừng tự nhiên của Yên Tử.
Tuy nhiên, những năm gần đây, Thượng Yên Công đã có đổi thay đáng kể. Với sự phát triển mạnh mẽ của du lịch văn hoá tâm linh tại khu di tích - danh thắng Yên Tử trên địa bàn, người dân hiện nay cũng chủ yếu phát triển kinh tế theo hướng dịch vụ - du lịch cùng với thương mại - nông, lâm nghiệp. Nông - lâm nghiệp cũng phát triển theo hướng mới, được xã quan tâm chỉ đạo quy hoạch vùng sản xuất tập trung, tích cực chuyển đổi cơ cấu, đưa cây, con có năng suất cao vào sản xuất nhằm gia tăng giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Bên cạnh đó, nhiều người dân lựa chọn làm công nhân tại các Công ty Than Nam Mẫu, Vàng Danh và khu công nghiệp ở khu vực lân cận, như Viship Hải Phòng, Đông Mai - Quảng Yên, Giày da sao vàng Uông Bí... Thu nhập bình quân đầu người của xã tính đến hết năm 2023 đạt 74,8 triệu đồng/người/năm. Đến năm 2020, xã không còn hộ nghèo theo tiêu chí của trung ương, đến cuối năm 2023 xã chỉ còn 11 hộ cận nghèo theo tiêu chí của tỉnh, chiếm tỷ lệ 0,72%. Năm 2015, xã đạt chuẩn nông thôn mới, năm 2020 cán đích xã nông mới nâng cao và ngay trong năm tiếp theo 2021, xã đã hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí và được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Quá trình xây dựng nông thôn mới, Thượng Yên Công được đánh giá cao về tiêu chí hoàn thiện hạ tầng và thu nhập của người dân. Điều này tiếp tục được phát huy trong những năm gần đây. Theo thống kê, trong 5 năm (2019-2024) đã có tổng số 41 công trình được đầu tư trên địa bàn xã với tổng mức đầu tư trên 107 tỷ đồng, trong đó vốn xã hội hoá trên 57 tỷ đồng. Quá trình xây dựng nông thôn mới, nhân dân đã hiến trên 13.000m2 đất, tháo dỡ 4.275 mét tường rào, vật kiến trúc, chặt cây cối hoa màu... để thi công các công trình trên địa bàn.
Một điểm đặc biệt của Thượng Yên Công là có đông đồng bào dân tộc thiểu số, gồm 9 thành phần dân tộc (Kinh, Dao, Tày, Hoa, Mường, Sán Dìu, Sán Chay, Nùng, Thái), trong đó chủ yếu là dân tộc Dao. Theo đó, số hộ dân tộc thiểu số của xã là 840/1.502 hộ, chiếm 55%, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 57,8% dân số toàn xã. Những năm qua, địa phương đã chủ động thực hiện hiệu quả các chương trình dự án, đề án thuộc chính sách vùng dân tộc thiểu số, góp phần đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn.
Đặc biệt, thời gian gần đây, xã đã và đang từng bước xây dựng các mô hình dịch vụ, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Theo đó, địa phương đã xây dựng, đưa vào hoạt động Không gian trưng bày văn hóa dân tộc Dao Thanh Y tại nhà văn hoá thôn Khe Sú 2, với mức kinh phí đầu tư trên 800 triệu đồng; đưa vào hoạt động mô hình du lịch cộng đồng tại thôn Khe Sú 2, thu hút hàng trăm lượt khách đến tham quan trải nghiệm vào các dịp cuối tuần. Duy trì tốt các hoạt động của CLB Văn hoá, văn nghệ, thể thao người Dao Thanh Y. Tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận điểm du lịch Khe Song - Thác Bạc; dự kiến thành lập CLB hướng dẫn viên bản địa kết nối du khách đến với Khu di tích - danh thắng Yên Tử và đến với các hoạt động du lịch cộng đồng tại địa phương...
Ngọc Mai
Liên kết website
Ý kiến ()