Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 03/01/2025 06:05 (GMT +7)
Vùng mỏ trong "Thiếu quê hương" của Nguyễn Tuân
Chủ nhật, 23/10/2016 | 06:27:45 [GMT +7] A A
Mọi người thường chỉ biết nhà văn Nguyễn Tuân gắn bó với Quảng Ninh qua thiên bút ký Cô Tô nhưng ít ai biết từ trước cách mạng tháng Tám, trong tiểu thuyết Thiếu quê hương đã có những chương rất đặc sắc viết về Vùng mỏ.
Nếu chia cuốn tiểu thuyết ra làm hai phần ánh sáng và bóng tối thì những chương viết về con người, cảnh vật của mỏ chính là bóng tối. Bởi chỉ có bóng tối mới khiến con người ta bộc lộ cái tôi suy nghiệm của mình nhiều nhất. Nó minh chứng cho người đọc thấy “chủ nghĩa xê dịch” thực sự là thế nào? Là sống một cuộc sống của thực tại, gắn chặt với thực tại, hăm hở lao vào đời sống, trăn trở với những chuyến đi và viết. Bỏ lại đằng sau quá vãng.
Cuốn tiểu thuyết xoay quanh nhân vật Bạch với niềm ham mê đi, ham dịch chuyển, không lúc nào ở yên một chỗ với công việc cố định dù đã có gia đình, con cái. Các chuyến đi của Bạch trải dài từ Hà Nội đi Hải Phòng, sang Uông Bí, đi Thanh Hóa, vào tận Sài Gòn, sang cả các nước Âu, Mỹ.
Trở lại với các chương sách viết về vùng mỏ Vàng Danh. Khi Bạch cùng người bạn đồng hành tên Sương đến gặp Tần (một người bạn cũng ưa dịch chuyển nhưng cuối cùng lại bị số phận trói lại một chỗ) để vay tiền trang trải cho chuyến đi giang hồ trên con tàu mang tên Compiègne sang Pháp. Các chương cho chúng ta, thế hệ sau hình dung ra mỏ Vàng Danh ngày xưa thế nào, cuộc sống đã luân chuyển ở đó ra sao. Đầu tiên Bạch và Sương muốn vào được Vàng Danh phải có giấy thông hành của sở Liêm Phóng Uông Bí. Cầu nối giữa trong mỏ và bên ngoài là xe lửa, giờ chẵn thì xe vào, giờ lẻ thì xe than ra. “Thứ xe lửa kiểu Decauville, đầu tàu rất xinh và toa rất bé đen nhánh một màu than giữa cái cảnh đen đặc của mỏ than, chạy chậm lừ đừ trên một vùng cảnh thổ hoang vu và khắc khổ”. Tàu từ Vàng Danh trở ra Uông Bí cũng mang sắc thái khác tàu vào, bấp bênh, nguy hiểm hơn: “Tiếng còi tàu âm hưởng trong thung lũng tờ mờ. Con tàu lắc lư như say rượu bên sườn non than. Từ trong mỏ đi ra ngoài đường dốc, tàu chạy có nhanh hơn lúc từ Uông Bí vào... Lúc nào lượn đường vòng, trông đoàn xe chở than đá kíp - lê cứ như là muốn đổ lật. Những tai nạn này có luôn và người vùng này gọi là tàu cặm”.
Khi đã vượt qua được chuyến tàu khác thường, người ta bị đặt ngay vào cảnh vật cũng không bình thường. “Người đen, cảnh đen và cây cỏ cũng đều đen cả. Thật là tổ quốc của than. Thật là bức tranh thủy mặc do người Pháp vẽ nên... Ở đây màu trắng là một màu cấm”.
Nhưng Vàng Danh trong tiểu thuyết Thiếu quê hương của Nguyễn Tuân không chỉ có thế. Nó còn là đêm gió trằn trọc thổi bên ngoài và trong lòng người lữ khách. Thứ gió “đặc sản” của vùng đất mỏ Vàng Danh chỉ Nguyễn Tuân của tuổi trẻ mới thấu hiểu và viết được tài tình, tinh quái thế. Gió gì mà trải qua nhiều sắc thái, trường độ, từ vui sang buồn, từ bên trong ra bên ngoài, từ trên cao xuống thấp, từ trong núi thở ra, từ cõi lòng người này chuyển sang cõi lòng người khác. “Cái gió trong mỏ làm não lòng người. Gió gì mà như khóc... Gió từ trên các chỏm cao bị rơi thụt xuống thung lũng, không có một chỗ thoát, chạy quanh trong vực thẳm, hút bụi than lên và tung vãi rộng những mảnh bụi sắc. Đây là một lối gieo mạ quái gở của một thứ yêu tinh khỏe. Bụi than bắn vào da mặt xót buốt như những mũi kim châm... Gió ở đây coi bộ tợn tạo quá. Đây là một thứ gió lạc đường và đang hỏi đường. Gió mù nhưng mà không câm. Một cơn. Hai cơn. Cứ thế mãi mãi. Và bây giờ nó họp lại thành một trận quần phong, thổi đến đâu là hút bụi than lên đến đấy... Những trận gió như được đánh xổng từ âm phần địa ngục nào vụt bay lên để ai điếu một loài sinh vật bị lấp vùi trong hoàn cảnh tối tăm của bụi loài khoáng”.
Gió là phần lớn của đêm Vàng Danh. Nhưng còn một phần không thể thiếu góp phần khuếch đại gió lên là âm thanh của mỏ. “Đêm Vàng Danh vẫn giật bắn mình lên vì những tiếng còi thét vang. Những chuyến tàu lấy than đá từ trong ruột lò ra, cứ đều đều mà chạy, tiếng còi gắt, dịp ngân chưa tắt lại đến khổ dài, chốc lát lại làm át cả những tiếng sình sịch của các máy lọc than và bơm hơi dưỡng khí vào cửa lò”. Và rồi Nguyễn Tuân chợt nhận ra Vàng Danh chẳng có đêm: “Ở đây người ta làm việc cả đêm ngày, thợ chia ra làm hai kíp kế tiếp nhau mà làm việc rút ruột quả núi cự phú”.
Nguyễn Tuân (hay chàng Bạch và Sương) trong tiểu thuyết đã sống một ngày “xê dịch” và chộn rộn tâm tư như thế ở mỏ. Nhiều người sẽ bảo một ngày trong đời người có đáng gì, ít quá. Song với một người như Nguyễn Tuân, tôi tin một ngày với ông là đủ để cảm nhận, sống và hiểu bản chất cuộc sống vùng đất ấy. Và thật, nếu không hiểu Vàng Danh làm sao ông có thể viết hay như thế về gió mỏ.
Nhưng khép lại những chương sống động về mỏ Vàng Danh tôi vẫn thấy tiếc vì ông viết ít về phu mỏ quá. Chỉ “phu làm mỏ đen từ đầu đến chân, chỉ trừ có hai con mắt trắng, cái hàm răng trắng...” thì hình như vẫn còn thiếu nhiều lắm
Đinh Phương (CTV)
Liên kết website
Ý kiến ()