Tất cả chuyên mục

Nghị định 221/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được ban hành ngày 30-12-2013 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-4-2014. Tuy nhiên, do chưa có văn bản hướng dẫn cách thực hiện khiến cho các địa phương lúng túng trong việc xử lý đối tượng.
![]() |
Các học viên tại Trung tâm Cai nghiện Vũ Oai đang học nghề đan lưới. Ảnh: Ngô Dịu |
Việc quản lý đối tượng cai nghiện tại địa bàn ở Quảng Ninh những năm trước được thực hiện khá suôn sẻ, nhanh chóng. Trường hợp phát hiện đối tượng có hành vi sử dụng ma tuý, cơ quan chức năng sẽ tiến hành xét nghiệm và tổ chức cai nghiện tại xã, phường. Sau 6 tháng, nếu đối tượng không từ bỏ ma tuý, Công an sẽ lập hồ sơ để chính quyền địa phương phê duyệt đưa đến trung tâm cai nghiện bắt buộc. Tuy nhiên, hiện nay việc đưa các đối tượng đi cai nghiện bắt buộc có những quy định rất chặt chẽ theo Nghị định 111/2013/NĐ-CP về biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn và Nghị định 221/2013/NĐ-CP về biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở bắt buộc. Ông Trần Quốc Vương, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm nay, công tác đưa người đi cai nghiện ma tuý bắt buộc gặp nhiều khó khăn hơn, bởi Nghị định 221 quy định về việc này rất chặt chẽ, hồ sơ phải được chuyển đến Toà án nhân dân cấp huyện xem xét theo quy trình. Trong khi đó, đến nay Toà án Nhân dân tối cao vẫn chưa có quy định cụ thể về vấn đề này nên các toà án cấp dưới đành phải… chờ!”.
Qua tìm hiểu thực tế tại TP Hạ Long thì thấy rằng việc lập hồ sơ đối với người nghiện tại cơ sở từ khi Nghị định 221 là hết sức khó khăn. Đa phần số đối tượng này đều nằm trong diện sử dụng ma tuý lâu năm, tái nghiện, tù tha v.v.. đã cai nghiện tập trung nhiều lần; nhiều người trong số họ nhiễm HIV, hoặc đã có nhiều tiền án về ma tuý, không chịu hợp tác với cơ quan Công an và chính quyền địa phương trong việc cai nghiện tại cộng đồng; trong khi đó, hiện tại vẫn chưa có chế tài áp dụng đối với những trường hợp không chịu thực hiện việc cai nghiện này. Ngoài ra, việc cai nghiện tự nguyện tại gia đình cũng còn rất hạn chế, vì đa phần các gia đình có người thân mắc nghiện đều không đủ điều kiện để tự cai. Không những thế, công tác cai nghiện tại cộng đồng lâu nay vẫn còn mang tính hình thức, chưa được cơ quan địa phương quan tâm đúng mức và chưa có đủ điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện theo quy định tại Nghị định 94/2010/NĐ-CP.
Theo Thông tư liên tịch số 03/2012 giữa Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế, Bộ Công an quy định, khi lập hồ sơ để áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường bắt buộc phải xét nghiệm để xác định tình trạng người nghiện. Trong khi đó, ngay cả nhiều trạm trưởng y tế cơ sở cũng chưa có chứng chỉ tập huấn về điều trị cắt cơn nghiện ma tuý do Sở Y tế cấp theo quy định của Luật Khám chữa bệnh. Cũng như vậy, theo Nghị định 111, tại cuộc họp tư vấn, xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải có mặt của người bị đề nghị áp dụng biện pháp trên (nếu vắng mặt thì phải có ý kiến gửi đến). Thế nhưng ở đây lại không nói cụ thể trường hợp vắng mặt mà không có ý kiến thì có bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường hay không v.v..
Thống kê của cơ quan chức năng cho biết, đến tháng 6-2014, trên địa bàn Quảng Ninh có tổng số 2.996 người nghiện ma tuý, trong đó số người nghiện đang sống trong cộng đồng là 2.185, chiếm 72,93%. Trong số 2.996 người nghiện, có 819 trường hợp đang được điều trị thay thế bằng Methadone. Tuy nhiên, loại thuốc này chỉ có tác dụng với nghiện heroin, không có tác dụng đối với nghiện ma tuý tổng hợp...
Việc từ đầu năm 2014 đến nay, Quảng Ninh chưa đưa được đối tượng nào vào trung tâm cai nghiện bắt buộc đang đặt ra nhiều thách thức về công tác đảm bảo ANTT. Theo đại tá Lê Duy Tấn, Trưởng Công an TP Hạ Long thì tình trạng các đối tượng nghiện ma tuý không được đưa đi cai nghiện bắt buộc đã tạo “khoảng trống pháp luật”, gây ra tình trạng bất an cho xã hội, bởi các đối tượng nghiện ma tuý thường đi kèm với phạm pháp hình sự. Bởi vậy, công tác đưa người đi cai nghiện phải nhanh, nếu hàng năm mới xong một vài hồ sơ thì sẽ gây ra nhiều hậu quả xấu…
Lương Giang
Ý kiến (0)