Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:33 (GMT +7)
Vượt mình cho những giấc mơ nghệ thuật…
Thứ 4, 25/01/2023 | 11:09:12 [GMT +7] A A
Sau khi các đơn vị nghệ thuật của tỉnh hợp nhất trở thành Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh, từ năm 2018 đến nay, đơn vị đã dàn dựng 5 vở cải lương, chèo và kịch nói, tham gia các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Qua thành công của các vở diễn và giải thưởng nhiều diễn viên, nghệ sĩ gặt hái được đã cho thấy nỗ lực của Đoàn cho những giấc mơ nghệ thuật, để mỗi nghệ sĩ, diễn viên được cháy hết mình với nghề, với đam mê sân khấu truyền thống...
Khai thác đề tài gắn với vùng đất Quảng Ninh
Vở diễn đầu tiên được Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh dàn dựng sau khi hợp nhất là vở cải lương “Kiếp tằm”. Thông qua số phận cô đào hát tài sắc Lan Chi, vở diễn nói về những con người mang nghiệp cầm ca (nghề hát ả đào) ở xã hội xưa. Dù trải qua bao khó khăn, hà khắc trong chế độ phong kiến, người nghệ sĩ thậm chí phải hy sinh cả phẩm giá của mình nhưng vẫn yêu và giữ nghề, quyết tâm bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống của dân tộc, mang tiếng hát để xoa dịu những nỗi đau, giành lại lẽ công bằng ở đời...
“Kiếp tằm rút ruột nhả tơ” thật giống những người mang nghiệp cầm ca, đồng thời truyền tải thông điệp về việc giữ gìn nghề tổ, lại càng giống với khao khát của những nghệ sĩ, diễn viên cải lương của Quảng Ninh khi ấy, vốn đã rất lâu rồi mới được cất cao tiếng hát, cung đàn... trên sân khấu chuyên nghiệp cả nước. Chẳng thế mà, dù “Mang chuông đi đánh xứ người” ở vùng đất phía Nam là đất của cải lương, “Kiếp tằm” đã giành được thành công vang dội, mang về cho đoàn huy chương vàng vở diễn, 2 huy chương vàng và 3 huy chương bạc cho các nghệ sĩ, diễn viên.
Nối tiếp “Kiếp tằm”, những vở diễn được Đoàn dàn dựng tham gia các hội diễn, liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc sau này đã chủ động bám sát, gắn liền với những sự kiện, nhân vật lịch sử trên vùng đất Quảng Ninh. Đó là vở chèo “Danh tướng sáng trời Nam” đi sâu khai thác về cuộc đời riêng thăng trầm của Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư, đồng thời cũng gắn với tinh thần thượng võ của một người anh hùng trong cuộc chiến tranh chống ngoại xâm của dân tộc, tham gia Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2019. Đó là vở kịch “Non thiêng”, đã khắc họa sự gian truân trong quá trình tu hành và sáng lập ra dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử với tinh thần nhập thế của Phật hoàng Trần Nhân Tông nơi đất phật Yên Tử. Vở kịch tham gia Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021. Đó là vở chèo “Dấu thiêng Đông Hải” lấy nhân vật Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng, con trai thứ ba của Trần Hưng Đạo làm nhân vật trung tâm, tham gia Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022. Và vở cải lương “Ngọc sáng Yên Tử” khai thác mối quan hệ giữa nàng Điểm Bích và nhà sư Huyền Quang, tham gia Liên hoan sân khấu Cải lương cùng năm.
Ông Đỗ Trọng Đạt, Phó Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh, cho hay, ngoại trừ “Kiếp tằm” và “Ngọc sáng Yên Tử” là có kịch bản gốc, còn lại đều là vở mới, do đơn vị chủ động đặt hàng các tác giả nổi tiếng để viết về Quảng Ninh. Tuy nhiên, ngay như vở “Ngọc sáng Yên Tử” vốn có gốc từ vở kịch thơ “Cung phi Điểm Bích” của cố tác giả Hoàng Công Khanh, nhưng khi Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh dàn dựng có bổ sung thêm. Vở gốc khai thác khía cạnh về số phận nàng Điểm Bích là chính, nhưng vở của Quảng Ninh thì khai thác sâu hơn, làm nổi bật hơn vai trò của nhà sư Huyền Quang gắn với danh sơn Yên Tử.
Ông Đạt chia sẻ: Trước khi viết kịch bản, chúng đôi đều cùng ekip, kể cả đạo diễn, tác giả trao đổi. Cốt lịch sử vẫn được giữ nguyên, sau này kịch bản còn có sự thẩm định của hội đồng các nhà chuyên môn, trong đó có các nhà sử học. Tuy nhiên có thêm những chi tiết được đắp vào nhân vật cho sống động hơn. Ví như với vở “Non thiêng”, đoàn đề nghị phải làm sao thể hiện rõ ảnh hưởng của vua Trần Nhân Tông với phật giáo nói chung, vùng đất Quảng Ninh nói riêng, trong đó có những cảnh nhà sư hướng dẫn nhân dân trồng trọt, làm ăn ở Yên Tử. Các chi tiết thêm vào có tác dụng răn đời, và thể hiện là kể cả những nhân vật bình thường cũng có tác động vào phật giáo vì dòng thiền Trúc Lâm là dòng thiền nhập thế, gắn đạo với đời.
“Sinh ư nghệ, tử ư nghệ”
Có kịch bản rồi, bắt tay vào dàn dựng vở mới với Đoàn trước hết là nỗi lo về diễn viên. Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Chương, nguyên Phó Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh, khi nói về việc dựng vở “Kiếp tằm” từng chia sẻ rằng, anh em lâu lắm mới quay lại với cải lương nên phải nắn, sửa giọng, rèn kỹ thuật lấy hơi, hát, diễn để có thể diễn trở lại đúng với chất cải lương. Hay như diễn viên Hoàng Thị Thủy khi vào vai chính là cô đào Lan Chi đã 9 năm không hát cải lương và chưa từng đóng vai chính. Diễn viên Quốc Dũng (vai thị vệ) thực ra không phải gốc cải lương mà là diễn viên kịch nói...
Ông Đỗ Trọng Đạt chia sẻ: Khi thực hiện chủ trương tinh giản bộ máy, tự chủ thì số lượng nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn sau hợp nhất đã giảm đi hơn một nửa, nhiều anh em đã phải rời đoàn để tìm sinh kế khác. Những người còn ở lại, còn gắn bó với nghề là những người rất yêu nghề. Số lượng diễn viên rất ít nên khi dàn dựng các vở lớn thì chúng tôi hầu như đều “ăn đong”, rồi mời các nghệ sĩ từng là diễn viên của Đoàn về cộng tác. Các vở diễn lớn tỉnh cũng rất tạo điều kiện cho Đoàn về chủ trương và kinh phí, để cho những người làm nghề được toả sáng, ghi dấu mốc gắn bó với nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp. Nhưng tiền công tập luyện, biểu diễn trả theo quy định chung nên chỉ được 200.000 đồng/ngày, tương đối thấp. Vậy nên khi dựng vở, anh em rất cố gắng, đều là “sinh ư nghệ, tử ư nghệ”.
Ưu tiên những nghệ sĩ “có nghề”
Cơ chế về kinh phí còn những hạn chế, tuy nhiên, Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh cũng có những sáng tạo, linh hoạt và đặc biệt mạnh dạn mời những nghệ sĩ có tên tuổi viết kịch bản, về làm đạo diễn, trang trí sân khấu hay làm nhạc cho các vở diễn mới. Viết kịch bản có thể kể đến nhà viết kịch Chu Thơm, tác giả Bùi Vũ Minh, các đạo diễn Nghệ sĩ Nhân dân Ngọc Giàu, Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Quỳnh Mai và nhiều nghệ sĩ khác là những tên tuổi của làng nghề sân khấu cả nước. Các tác giả rất tinh, nhìn ra diễn viên từ khi viết kịch bản, vì vậy khi vào dàn dựng có hiệu quả cao. Các diễn viên vào tay những người “có nghề” cùng với sự khổ luyện còn được truyền thụ cả những kinh nghiệm để có thể tiếp cận vai diễn nhanh nhất, xử lý kịch bản tốt nhất, khắc phục những điểm yếu, nâng tầm vai diễn...
Và các hoạ sĩ, từ ý tưởng của đạo diễn đã hiện thực hoá qua trang trí, tạo dấu ấn đặc sắc cho các vở diễn. Trong đó, với vở “Dấu thiêng Đông Hải”, hoạ sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Đạt Tăng đã nghiên cứu ra 4 chữ "Trần" để trang trí trong các cảnh diễn. Lúc nhà Trần đoàn tụ thì 4 mảnh hợp lại thành chữ "Trần", khi có sự biến thì 4 chữ bị tách ra, và khi triều đình có dao động thì chữ "Trần" lung lay liên tục, khiến các cảnh của vở diễn vô cùng sinh động. Chỉ đơn giản là 4 chữ "Trần" nhưng hàm ý sâu xa. Ý tưởng, cách xử lý trong trang trí của vở diễn được các nhà chuyên môn đánh giá rất cao, đã được trao giải hoạ sĩ xuất sắc tại hội diễn.
Cũng là hoạ sĩ Đạt Tăng trong vở “Ngọc sáng Yên Tử”, ông đã rất sáng tạo khi trang trí sân khấu đơn giản với 2 màu đen - trắng chủ đạo, xuyên suốt của vở diễn. Khi nghe lời tố của Điểm Bích, vua muốn đưa nhà sư Huyền Quang lên giàn thiêu và đây cũng là một sáng tạo độc đáo của hoạ sĩ. Giàn thiêu có thiết kế lạ cao dần kết hợp với ánh sáng, tạo một hiệu ứng mạnh; sau khi có trận mưa rào giải oan cho Huyền Quang thì giàn thiêu hạ dần xuống, ánh sáng trở lại bình thường.
Đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai cũng thường sử dụng những dải lụa để diễn đạt ý tưởng của cảnh diễn khá thành công. Như vở “Kiếp tằm” với trang trí hình bông sen và những dải lụa là chủ đạo của sân khấu, ấn tượng mà lại nhẹ nhàng, sáng tạo và mang một chủ đề xuyên suốt: Tằm rút ruột nhả tơ, tơ thành vải, tơ ấy chiếm toàn bộ sân khấu, làm thay đổi hình tượng, thay đổi các lớp, giúp các lớp diễn gắn bó với nhau. Còn ở vở “Dấu thiêng Đông Hải” thì từ phông, phi, cánh gà cho đến những lớp tạo sóng đều bằng những dải lụa. Người xem đặc biệt ấn tượng với cảnh diễn Trần Quốc Tảng bị thương, nằm trên con thuyền dải lụa trôi trên biển và được một cô gái dân chài cứu sống, cảnh trí tuyệt đẹp...
Các vở diễn của Đoàn thời gian qua đều đoạt giải cao trong các Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, với 1 huy chương vàng, 3 huy chương bạc và 1 huy chương đồng. Các nghệ sĩ, diễn viên đã đoạt 20 huy chương các loại. Những kết quả này thật sự rất đáng khích lệ, khẳng định nỗ lực vượt mình của Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh trong thời gian qua.
Ngọc Mai
Liên kết website
Ý kiến ()