Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 15:04 (GMT +7)
WHO khuyến nghị tạm thời tiêm kết hợp các loại vaccine ngừa COVID-19
Thứ 6, 17/12/2021 | 16:38:52 [GMT +7] A A
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 16/12 đã đưa ra khuyến nghị tạm thời về việc kết hợp các loại vaccine ngừa COVID-19 của các hãng dược phẩm khác nhau để tiêm liều thứ 2 và thứ 3.
Theo WHO, tùy thuộc vào số vaccine sẵn có, các loại vaccine được sản xuất theo công nghệ mRNA như vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna có thể được sử dụng để tiêm liều thứ 2 sau khi tiêm mũi 1 là vaccine theo công nghệ vector của hãng AstraZeneca và ngược lại. WHO cho biết vaccine của hãng AstraZeneca và bất kỳ loại vaccine nào được sản xuất theo công nghệ mRNA cũng có thể dùng để tiêm liều thứ 2 sau khi đã tiêm mũi đầu tiên là vaccine bất hoạt của hãng Sinopharm.
WHO đưa ra hướng dẫn trên dựa trên khuyến nghị của Nhóm Chuyên gia cố vấn chiến lược về vaccine của tổ chức này và một nghiên cứu lớn công bố hồi tuần trước cho thấy việc tiêm liều thứ nhất là vaccine của hãng AstraZeneca hoặc Pfizer/BioNTech và sau đó 9 tuần tiêm liều thứ 2 là vaccine của hãng Moderna đã cho thấy phản ứng miễn dịch tốt hơn. Tuy nhiên, WHO cho rằng việc tiêm kết hợp các loại vaccine như vậy cần tính đến nguồn cung vaccine, khả năng tiếp cận cũng như lợi ích và rủi ro của các loại vaccine được sử dụng.
WHO cho biết khuyến nghị trên sẽ được xem xét lại nếu có thêm các dữ liệu. Trước khi WHO đưa ra khuyến nghị trên, nhiều quốc gia đã tiến hành tiêm kết hợp các loại vaccine khi phải đối mặt với số ca nhiễm mới tăng vọt trong khi nguồn cung thấp và tốc độ tiêm chủng chậm vì lo ngại về tính an toàn.
Trong diễn biến liên quan, Văn phòng WHO khu vực châu Âu ngày 16/12 đã kêu gọi người dân thận trọng trong mùa lễ hội này khi châu Âu hiện đang phải đối phó với 2 biến thể có khả năng lây nhiễm cao, có nguy cơ làm tổn hại hệ thống y tế vốn đã bị quá tải.
Trong một tuyên bố, Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge cho rằng châu Âu đã là tâm điểm của dịch bệnh COVID-19 do biến thể Delta gây ra ngay cả trước khi biến thể Omicron xuất hiện. Văn phòng WHO tại châu Âu nhận định mối đe dọa vẫn nghiêm trọng hơn bao giờ hết khi Delta đang là biến thể lây lan chính trên khắp châu lục trong khi biến thể Omicron cũng bắt đầu lan truyền nhanh chóng.
Ông Kluge nhấn mạnh "hành động thận trọng" cùng với việc áp dụng các biện pháp chống dịch như tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, tiêm liều tăng cường, xét nghiệm, đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách, vẫn là cách thức chống dịch hiệu quả.
Theo TTXVN
Liên kết website
Ý kiến ()