"Trong thời kỳ có sẵn những vaccine hiệu quả, con số nửa triệu người chết thực sự đáng chú ý. Mọi người đều nói rằng Omicron nhẹ hơn, nhưng họ bỏ qua chi tiết là nửa triệu người đã thiệt mạng kể từ khi biến chủng này được phát hiện. Điều đó quá mức bi kịch", Abdi Mahamud, quan chức phụ trách quản lý sự cố tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phát biểu hôm 8/2.
Mahamud còn cho biết 130 triệu ca nhiễm nCoV đã được ghi nhận từ khi Omicron xuất hiện hồi tháng 11/2021 và nhanh chóng lấn lướt Delta trở thành chủng trội trên toàn cầu. Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO, đánh giá số lượng ca nhiễm Omicron "gây choáng váng", nhưng con số thực tế sẽ cao hơn nhiều.
"Nó khiến các mức đỉnh trước đây trông gần như bằng phẳng", Van Kerkhove nói. "Chúng ta vẫn ở giữa đại dịch. Nhiều quốc gia chưa qua đỉnh điểm của làn sóng Omicron".
Van Kerkhove còn cho biết bà vô cùng lo ngại vì số ca tử vong đã gia tăng trong vài tuần liên tiếp. "Loại virus này vẫn rất nguy hiểm", quan chức WHO cảnh báo.
Trong bản cập nhật dịch tễ học hàng tuần về Covid-19 được công bố hôm 8/2, WHO cho biết gần 68.000 trường hợp tử vong mới được báo cáo trong tuần qua, tăng 7% so với tuần trước. Trong khi đó, số ca nhiễm nCoV mới giảm 17% xuống gần 19,3 triệu. Châu Âu chiếm 58% số ca nhiễm mới và 35% trường hợp tử vong mới tuần qua. Con số này của châu Mỹ lần lượt là 23% và 44%.
Báo cáo chỉ ra điểm đặc trưng của đại dịch hiện nay là biến chủng Omicron đang tiếp tục lây lan nhanh chóng trên toàn cầu, đã được phát hiện "ở hầu hết quốc gia". Theo WHO, Omicron chiếm 96,7% số mẫu được thu thập và giải trình tự trong 30 ngày qua, trong khi tỷ lệ của Delta chỉ còn 3,3%.
Omicron được phát hiện lần đầu tại miền nam châu Phi hồi tháng 11/2021, thuộc danh sách biến chủng đáng lo ngại của WHO với hơn 50 đột biến. Mặc dù còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp, giới khoa học đánh giá Omicron dễ dàng lây lan hơn các chủng trước đây, giai đoạn ủ bệnh ngắn hơn, nhưng dường như ít nghiêm trọng hơn.
Ý kiến ()