Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:05 (GMT +7)
WMO thông qua kế hoạch giám sát khí nhà kính toàn cầu
Thứ 2, 06/03/2023 | 22:41:36 [GMT +7] A A
Mức tăng nồng độ CO2 từ năm 2020-2021 cao hơn tốc độ tăng trung bình trong thập kỷ qua và mức độ tăng khí methane hằng năm cũng mạnh nhất từ khi cơ quan này bắt đầu đo đạc.
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Hội đồng Điều hành của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đã thông qua kế hoạch xây dựng Cơ sở Hạ tầng giám sát khí nhà kính toàn cầu mới nhằm lấp đầy những khoảng trống về thông tin quan trọng và hỗ trợ hành động để giảm lượng khí vốn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ấm lên toàn cầu.
Theo thông cáo báo chí ngày 6/3, nghị quyết của hội đồng trên công nhận tầm quan trọng xã hội ngày càng tăng của việc giám sát khí nhà kính nhằm hỗ trợ nâng cao hiểu biết khoa học về hệ thống Trái Đất.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải củng cố nền tảng khoa học cho các hành động giảm thiểu khí thải từ các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Nghị quyết hướng đến bồi đắp kinh nghiệm của WMO trong việc điều phối hợp tác quốc tế trong dự báo thời tiết, phân tích khí hậu và dựa trên các hoạt động lâu dài trong giám sát khí nhà kính, nghiên cứu và cung cấp các dịch vụ liên quan dưới sự bảo trợ của Tổ chức Theo dõi khí quyển toàn cầu được thành lập vào năm 1989 và Hệ thống Thông tin tích hợp khí nhà kính toàn cầu (IG3IS).
WMO sẽ điều phối các nỗ lực trong khuôn khổ hợp tác quốc tế, để tận dụng mọi năng lực giám sát khí nhà kính hiện có - các hệ thống quan sát trên không gian và trên bề mặt, tất cả các khả năng mô hình hóa và đồng hóa dữ liệu có liên quan - trong một khuôn khổ hoạt động, tích hợp.
Tổng Thư ký WMO, Giáo sư Petteri Taalas, cho biết dựa trên những thông số đo đạc của cơ quan này, nồng độ khí nhà kính trong khí quyển đang ở mức cao kỷ lục. Mức tăng nồng độ CO2 từ năm 2020-2021 cao hơn tốc độ tăng trung bình trong thập kỷ qua và mức độ tăng khí methane hằng năm cũng mạnh nhất từ khi cơ quan này bắt đầu đo đạc.
Giáo sư Taalas cho biết thêm hiện vẫn còn tồn tại nhiều điều không chắc chắn, đặc biệt là về vai trò trong chu trình carbon của đại dương, sinh quyển trên đất liền và các khu vực băng vĩnh cửu. Do đó cần thực hiện giám sát khí nhà kính trong hệ thống Trái Đất để có thể cung cấp thông tin quan trọng và hỗ trợ cho việc thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Nghị quyết đã được thông qua trong phiên họp của Hội đồng Điều hành của WMO từ ngày 27/2-3/3. Nghị quyết được đưa ra dựa trên kết quả của một hội nghị chuyên đề quốc tế vào tháng 1/2023, với sự tham gia của hơn 170 chuyên gia từ các cộng đồng nghiên cứu, các cơ quan vũ trụ, dịch vụ khí tượng, cộng đồng quan sát đại dương và khí hậu, học viện và các đối tác của Liên hợp quốc./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()