Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:08 (GMT +7)
Đồn Đạc nỗ lực xây dựng nông thôn mới
Thứ 7, 21/10/2023 | 15:05:57 [GMT +7] A A
Thời điểm bắt đầu xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ) vẫn là xã đặc biệt khó khăn nằm trong Chương trình 135 của Chính phủ. Tỷ lệ người đồng bào dân tộc chiếm tới hơn 70%, canh tác manh mún, hạ tầng thấp kém, địa hình phức tạp, tỷ hộ nghèo, cận nghèo của xã lên tới gần 80%. Nhưng sau hơn 12 năm xây dựng NTM, xã Đồn Đạc đã thực sự vươn mình. Các tuyến đường có sức dân đóng góp to rộng hơn, đẹp hơn và ngày càng nhiều trang trại, gia trại mang lại hiệu quả kinh tế mỗi năm lên đến hàng trăm triệu đồng, cùng những cánh rừng trải dài xanh ngát đem lại cho cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Thực trạng khó khăn của xã Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ) trước khi bước vào xây dựng NTM đã trở thành sự trăn trở của cấp uỷ đảng, chính quyền huyện Ba Chẽ nói chung, xã Đồn Đạc nói riêng. Bởi là một xã khó như vậy mà cùng lúc, Đồn Đạc phải triển khai hàng loạt các tiêu chí, chỉ tiêu theo bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM.
Từ thực tiễn của địa phương, cùng sự hỗ trợ của tỉnh, của huyện về nguồn lực kinh tế, Đảng ủy, UBND xã Đồn Đạc xác định việc huy động nguồn nội lực, đặc biệt là sự tham gia chung tay đóng góp từ người dân trong xây dựng NTM chính là động lực mang đến thành công.
Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận vào cuộc của các tầng lớp nhân dân, lần lượt từng nhóm vấn đề đã được triển khai. Trong đó, quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế được lấy làm nhiệm vụ trọng tâm, phát triển kinh tế được lấy làm nhiệm vụ then chốt. Vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể từ xã đến thôn được nâng cao làm nền tảng để toàn xã thi đua thực hiện các tiêu chí NTM.
Từ những quyết sách trúng và đúng của xã, hàng loạt các công trình về đầu tư hạ tầng kinh tế thuộc nhóm tiêu chí bắt buộc phải triển khai lần lượt được hoá giải kịp thời. Theo đó, thôn Nà Bắp, xã Đồn Đạc là thôn không chỉ rộng nhất, mà còn là thôn có địa hình phức tạp nhất so với 13 thôn còn lại của xã. Trước khi bước vào NTM cơ sở hạ tầng kinh tế của thôn gần như là con số 0, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo lên đến trên 90%. Nhưng ngay từ khi có chủ trương của huyện về đầu tư tuyến đường trục chính của thôn dài hơn 3km, xã xác định rõ những thách thức phía trước đó là nguồn vốn đầu tư chỉ đủ cho việc thuê thiết bị máy móc, vật liệu xây dựng cát đá sỏi, xi măng. Nếu nguồn vốn này còn phải chi trả cho giải phóng mặt bằng thì chỉ có thể làm được 1/3 tuyến đường, tức là hơn 1km.
Vậy nên xã phân công và gắn trách nhiệm cho từng tổ chức đoàn thể, cán bộ phụ trách địa bàn thôn tuyên truyền vận động nhân dân tham gia hiến đất, hiến ruộng, hiến cây và tham gia ngày công lao động. Vì vậy, người dân đã nhận thức rõ công trình là phục vụ chính mình nên đã đồng thuận vào cuộc. Tuyến đường nhờ vậy đã nhanh chóng được hoàn thành bởi sức dân.
Bà Triệu Thị Ba, thôn Nà Bắp, xã Đồn Đạc (Ba Chẽ) chia sẻ: Thôn tôi giờ đổi thay nhiều lắm, những tuyến đường hoa dài hơn, đẹp hơn. Những ngôi nhà cao tầng xây mới, những khu ruộng lúa trĩu bông, những trang trại, gia trại mang lại hiệu quả kinh tế và cả những cánh rừng gỗ lớn cùng các loại cây dược liệu ngút ngàn trải dài xanh ngắt đang nhiều lên mỗi ngày.
Thôn Nà Bắp là một ví dụ cụ thể cho thấy vai trò của cấp uỷ đảng, chính quyền xã được phát huy tốt ngay từ khi bắt đầu triển khai xây dựng NTM. Từ xác định rõ hướng đi, cách làm phù hợp cách làm ấy đã khơi dậy nội lực từ chính những người dân, đã biến những thách thức thành cơ hội thuận lợi. Nhờ vậy, tiêu chí thu nhập của người dân trên địa bàn xã đã đạt cao hơn so với các xã khác trên địa bàn.
Để giữ vững và ngày càng nâng cao thu nhập cho người dân, ông Triệu A Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ) cho biết: Xã tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi theo hướng cầm tay chỉ việc, nhất là khi triển khai các mô hình kinh tế thí điểm cho người dân phải chọn lựa kỹ càng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát...
Cũng như bao hộ gia đình ở thôn Pắc Cáy, kể từ khi được xã hỗ trợ vốn trồng mô hình cây dược liệu dưới tán rừng, gia đình ông Triệu Đức Sinh đã mạnh dạn cải tạo lại hơn nửa héc ta đất rừng để trồng cây dược liệu cát sâm. Qua kiểm tra thực địa, sau 2 năm mỗi gốc cát sâm đã đạt 2kg và với đà sinh trưởng này, khi thu hoạch mỗi gốc sẽ đạt từ 5-6kg. Như vậy tính theo giá thị trường như hiện nay là 180.000 đồng/kg, gia đình ông Sinh sẽ có số thu trên 1,5 tỷ đồng.
Từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết vượt khó vươn lên của mỗi người dân, công cuộc xây dựng NTM của xã Đồn Đạc đã có bước tiến dài. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn ngày một hoàn thiện. 100% các tuyến đường vào thôn được bê tông hoá hay nhựa hoá; 14/14 thôn có nhà văn hóa đảm bảo điều kiện hoạt động thuận lợi cho nhân dân tổ chức hội họp, sinh hoạt, triển khai chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, vui chơi, giải trí, phục vụ cho trẻ em vào các dịp hè. 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; số người dân trên địa bàn xã đã tham gia các hình thức BHYT, trong đó số người có thẻ BHYT đã đạt trên 99,27%. Y tế xã đã đạt chuẩn quốc gia từ năm 2018. Tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử đạt 70,02% so với tổng dân số; 100% thôn trong toàn xã được phủ sóng điện thoại di động của các mạng và truy cập được Internet. Đến nay, tổng thu bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/người/năm 2022. Tỷ lệ nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 còn dưới 1,5%.
Thành quả sau hơn 12 năm xây dựng NTM của xã Đồn Đạc được kết tinh từ tinh thần đoàn kết, sáng tạo, đổi mới và phát huy nội lực. Trên chặng đường tiếp theo, kết quả đó sẽ tạo cho cấp uỷ đảng, chính quyền và nhân dân xã Đồn Đạc xung lực mới, phấn đấu đạt NTM kiểu mẫu vào năm 2025, góp phần để Ba Chẽ đạt chuẩn huyện NTM vừa được công nhận thời gian qua.
Phạm Hải
Liên kết website
Ý kiến ()