Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 09/01/2025 10:54 (GMT +7)
Xã hội hóa trồng rừng gỗ lớn đang có sức lan tỏa mạnh mẽ
Thứ 2, 30/05/2022 | 13:17:15 [GMT +7] A A
Năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu trồng 2.500ha rừng lim, giổi, lát. Để sớm hiện thực hóa mục tiêu này, ngày 5/4/2022, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Văn bản số 2136/UBND-NLN3 về việc đăng ký hưởng ứng thực hiện trồng rừng lim, giổi, lát trên địa bàn tỉnh. Sau gần 2 tháng, nhiều doanh nghiệp, tổ chức và cả người dân trong tỉnh đã mạnh mẽ hưởng ứng việc trồng rừng gỗ lớn. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trò chuyện với ông Vũ Duy Văn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT (ảnh) về vấn đề này.
- Xin ông cho biết rõ hơn về việc huy động xã hội hóa trong trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh?
+ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và cả hệ thống chính trị, cùng nhân dân trên địa bàn tỉnh rất quan tâm trồng rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững. Ngày 28/11/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đặc biệt, ngày 25/11/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 đã xác định mục tiêu trong năm 2022 phải trồng ít nhất 2.000ha lim, giổi, lát để bảo vệ, phát triển rừng và nâng cao chất lượng rừng trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ phát triển trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa (hỗ trợ kinh phí mua giống) của tỉnh mới được triển khai trên địa bàn huyện Ba Chẽ và TP Hạ Long. Đối tượng được hỗ trợ là các hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng rừng, còn lại các doanh nghiệp, tổ chức thuộc 2 địa phương này, cũng như các hộ dân, doanh nghiệp toàn tỉnh chưa được hưởng chính sách, phải chi trả 100% chi phí đầu tư trồng, chăm sóc rừng. Tính đến hết quý I, toàn tỉnh mới trồng được 245ha (đạt 9,7% kế hoạch).
Để đạt được mục tiêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh đã ra văn bản gửi tới hơn 900 doanh nghiệp, tổ chức, phát động đăng ký, hưởng ứng trồng rừng, đây cũng chính là “chìa khoá” quan trọng để tỉnh có thêm nguồn lực lớn, sớm nhân lên những cánh rừng gỗ lớn.
- Sự hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp, tổ chức, sau gần 2 tháng triển khai văn bản số 2136/UBND-NLN3 như thế nào, thưa ông?
+ Theo tổng hợp của Sở NN&PTNT, tính đến ngày 25/5, số đơn vị, diện tích trồng đăng ký theo văn bản số 2136/UBND-NLN3 là trên 605,6ha của 41 đơn vị. Trong đó, nhiều đơn vị có sự hưởng ứng rất tích cực khi văn bản vừa được ban hành như: Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh hỗ trợ TP Hạ Long và huyện Ba Chẽ 15ha; Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ huyện Ba Chẽ 7,7ha; Sở NN&PTNT hỗ trợ huyện Tiên Yên 16,8ha và huyện Bình Liêu 14ha; Văn phòng UBND tỉnh hỗ trợ huyện Đầm Hà 10ha; KCN Tiền Phong hỗ trợ huyện Tiên Yên 13,1ha; Công ty CP Đầu tư XNK Quảng Ninh hỗ trợ huyện Hải Hà 10ha; Công ty TNHH Quan Minh hỗ trợ huyện Vân Đồn 50ha; Công ty CP Đô thị Amata Hạ Long hỗ trợ TP Uông Bí 10ha và TP Móng Cái 10ha; Công ty CP FPT hỗ trợ huyện Hải Hà 10ha…
Cùng với đó, một số đơn vị đang triển khai trồng rừng gỗ lớn với diện tích lớn là: Tổ hợp sản xuất lâm nghiệp Bản Sen (huyện Vân Đồn) 200ha; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Chẽ 50ha; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tiên Yên 40ha; Bộ CHQS tỉnh 23ha; Tổng Công ty Đông Bắc 10ha… Ngoài ra, nhiều cá nhân cũng đóng góp kinh phí, gửi về các địa phương để hưởng ứng lời kêu gọi của tỉnh.
Điều này cho thấy, xã hội hóa trồng rừng gỗ lớn đang có sức lan tỏa mạnh mẽ và tích cực, nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của toàn xã hội, cộng đồng. Quan trọng hơn là đã thể hiện trách nhiệm trong trồng rừng phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường sống và niềm tin to lớn của hộ gia đình vào những chủ trương, quyết sách đúng đắn của tỉnh.
Đến hết tháng 5/2022, toàn tỉnh đã trồng được trên 1.045ha rừng lim, giổi, lát (bằng 44% kế hoạch tỉnh giao và bằng 55% so với mục tiêu Nghị quyết số 08-NQ/TU).
Tuy nhiên, việc hưởng ứng trồng rừng gỗ lớn mới chỉ được thực hiện mạnh ở khối các công ty lâm nghiệp, một số địa phương và doanh nghiệp lớn. Trong khi đó, một số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nặng, nhất là sản xuất than, nhiệt điện, xi măng, là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất, gây ảnh hưởng đến môi trường thì chưa có sự hưởng ứng và vào cuộc tích cực.
- Theo ông, Quảng Ninh cần thêm những giải pháp gì trong trồng rừng gỗ lớn?
+ Theo tính toán, để trồng 1ha lim, giổi, lát trung bình chi phí cây giống cần khoảng 8,5-13,6 triệu đồng. Như vậy, để đạt được kế hoạch, mục tiêu trồng 2.500ha lim, giổi, lát trong năm 2022, ngoài việc hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, sẽ cần nguồn lực lớn, đòi hỏi sự tiếp tục chung tay đóng góp, hỗ trợ của toàn xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, cùng sự nỗ lực, quyết tâm vào cuộc của các địa phương.
Về phía cấp ủy, chính quyền các địa phương và các cơ quan chức năng cần tập trung chỉ đạo, hằng tháng kiểm điểm tiến độ thực hiện và tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của nhân dân trên địa bàn. Đồng thời, cần chủ động liên hệ, vận động sự ủng hộ, chung tay của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; các địa phương cần tổ chức trồng rừng từ nguồn kinh phí, cây giống được hỗ trợ đảm bảo hiệu quả; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về phát triển lâm nghiệp nói chung, phát triển trồng rừng gỗ lớn nói riêng; thông báo tên cơ quan, đơn vị, tổ chức doanh nghiệp đăng ký hưởng ứng, hỗ trợ trồng rừng lim, giổi, lát trên các phương tiện truyền thông.
Với vai trò của mình, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục tập trung tham mưu UBND tỉnh báo cáo, trình HĐND tỉnh mở rộng điều chỉnh phạm vi, đối tượng áp dụng Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND theo hướng: Hỗ trợ kinh phí mua cây giống cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, rừng do UBND cấp xã quản lý (rừng chưa giao) trên toàn tỉnh để thực hiện trồng mới, trồng lại rừng, trồng bổ sung dưới tán rừng, làm giàu rừng bằng các loài cây phát triển rừng trồng cây gỗ lớn, cây bản địa kèm theo Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND.
“Một cây làm chẳng nên non.Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Tin tưởng với sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, sự hưởng ứng của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, cùng toàn thể cộng đồng xã hội, Quảng Ninh chắc chắn sẽ hoàn thành mục tiêu trồng 2.500ha rừng lim, giổi, lát, góp phần phát triển diện tích rừng gỗ lớn tương xứng với tiềm năng của tỉnh.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Hoàng Nga (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()