Các nhà khoa học xác định một biến chủng lai có bề mặt giống với Omicron, đặt tên Deltacron, là loại virus tái tổ hợp, song cho rằng chủng mới không đáng lo.
Các nhà khoa học tại Mỹ và châu Âu ngày 9/3 ghi nhận ít nhất 17 bệnh nhân nhiễm biến chủng Deltacron - lai giữa Delta và Omicron. Vì hiện có quá ít trường hợp, giới chuyên gia chưa thể đánh giá mức độ lây nhiễm và độc lực của biến chủng mới.
Thông tin về biến chủng lai giữa Delta và Omicron nghe có vẻ đáng lo ngại, song một số nhà nghiên cứu cho rằng cộng đồng không cần hoảng sợ. Tiến sĩ Etienne Simon-Loriere, chuyên gia virus học tại Viện Pasteur ở Paris, người dẫn đầu nhóm phân lập được chủng Deltacron, cho biết: "Đây không phải mối lo mới".
Thực tế, Pháp đã ghi nhận ca nhiễm biến chủng lai này từ tháng 1, song các ca dương tính không hề tăng theo cấp số nhân.
Trong một số trường hợp, người bệnh có thể nhiễm hai biến chủng nCoV cùng một lúc. Hiện tượng này khác với biến chủng lai, bởi virus trong cơ thể họ mang mã gene riêng biệt. Song ở người nghi nhiễm Deltacron, mỗi virus mang một tổ hợp gene từ hai biến chủng (Delta và Omicron), theo tiến sĩ Scott Nguyễn, nhà khoa học của Phòng thí nghiệm Y tế Công cộng Washington. Các nhà khoa học gọi đây là virus tái tổ hợp.
Theo tiến sĩ Simon-Loriere, bộ gene của biến chủng tái tổ hợp cho thấy virus không gây ra giai đoạn mới của đại dịch. Gene mã hóa protein bề mặt của virus - được gọi là protein gai- gần như hoàn toàn đến từ Omicron. Phần còn lại của bộ gene virus là Delta.
Protein gai là phần quan trọng nhất khi virus xâm nhập vào các tế bào. Nó cũng là mục tiêu tấn công chính của các kháng thể do vaccine tạo ra. Vì vậy, các biện pháp phòng ngừa virus mà cộng đồng đang sử dụng để chống lại Omicron cũng hiệu quả với Deltacron.
"Bề mặt của virus giống với Omicron, vì vậy cơ thể sẽ nhận ra nó như đã nhận ra Omicron", tiến sĩ Simon-Loriere cho biết.
Các nhà khoa học phỏng đoán các đột biến đặc biệt của Omicron cũng là nguyên nhân khiến khả năng gây triệu chứng nặng của nó thấp hơn. Biến chủng sử dụng protein gai xâm nhập thành công tế bào trong mũi, họng và đường hô hấp trên, nhưng nó không hoạt động sâu trong phổi. Biến chủng tái tổ hợp có thể hoạt động theo xu hướng này.
Tiến sĩ Simon-Loriere và các nhà nghiên cứu đang tiến hành thí nghiệm xem xét cách thức Deltacron hoạt động trong tế bào. Thí nghiệm trên chuột sẽ cung cấp thêm manh mối, kết quả dự kiến được công bố sau vài tuần.
Thực tế,virus tái tổ hợpnhư Deltacron đến từ người nhiễm hai biến chủng cùng một lúc. Ví dụ, người bệnh đến một nơi đông đúc, lây nhiễm từ nhiều F0. Hai loại biến chủng xâm nhập vào cùng một tế bào. Khi tế bào sản sinh virus mới, vật liệu di truyền của chúng bị trộn lẫn, khả năng cao tạo ra biến chủng lai.
Hiện tượng nCoV tái tổ hợp không mới. Tuy nhiên hầu hết, quá trình này thường dẫn đến ngõ cụt, virus tự triệt tiêu bởi biến chủng có gene hỗn hợp không hoạt động tốt như các phiên bản trước đó.
Đến nay, Deltacron chỉ là tên tạm gọi. Một số nhà khoa học coi biến chủng lai mới là AY.4/BA.1. Họ dự kiến thay đổi tên trong những tuần tới. Một liên minh các nhà khoa học đã đề ra hệ thống đặt tên chính thức cho các dòng nCoV mới. Họ gọi virus tái tổ hợp bằng tên gồm hai chữ cái, bắt đầu bằng X. Chẳng hạn XA là dòng lai tạo của Alpha và B.1.177, xuất hiện lần đầu vào tháng 12/2020. Có khả năng Deltacron sẽ được chỉ định là XD.
Ngày 8/3, kế hoạch đặt lại tên chủng virus mới này bị xáo trộn vì một nhóm nghiên cứu khác đến từ Pháp đăng tải phân tích riêng của họ về Deltacron. Giống với tiến sĩ Simon-Loriere và các đồng nghiệp, nhóm này cũng phân lập được virus. Trong tiêu đề nghiên cứu mới, họ gọi biến chủng lai là Deltamicron.
Theo cơ sở dữ liệu quốc tế, tính đến ngày 10/3, biến chủng lai được báo cáo ở Pháp (33 mẫu), Đan Mạch (8 mẫu), Mỹ (hai mẫu), Đức và Hà Lan (mỗi nơi một mẫu).
Ý kiến ()