Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 03:26 (GMT +7)
Xác định tính xác thực của quần thể di sản Yên Tử theo hướng nào?
Chủ nhật, 08/10/2023 | 07:51:18 [GMT +7] A A
Hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản thế giới đã được Chính phủ đồng ý gửi tới UNESCO vào cuối tháng 9 vừa qua. Việc hoàn thiện hồ sơ có sự nỗ lực của rất nhiều bộ, ban, ngành, địa phương và các nhà khoa học, mà một trong những phần việc khó khăn nhất chính là xác định tính xác thực của di sản.
Quần thể di sản Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là một cảnh quan văn hóa dạng chuỗi liên hoàn, trải rộng từ khu vực vùng núi cao xuống đến vùng đất thấp và ven biển. Khu di sản có hàng trăm công trình tín ngưỡng, tâm linh để thờ cúng và thực hành tôn giáo, như đền, miếu, am, chùa, lăng mộ, bảo tháp và các địa điểm linh thiêng liên quan khác thờ Phật, các vị thần và anh hùng dân tộc hoặc các sự kiện lịch sử đặc biệt. Cùng với đó còn là sự tồn tại của hàng trăm, hàng nghìn di vật, di chỉ khác nhau…
PGS.TS Trần Tân Văn, Trung tâm Cartxto và Di sản địa chất, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, một trong những đơn vị tư vấn xây dựng hồ sơ, phân tích: Trải qua mưa nắng thời gian, lịch sử biến động thăng trầm, các di tích, di vật, di chỉ của Quần thể di sản đề cử vẫn còn tồn tại qua cả nghìn năm, nhưng nhiều trong số đó không còn nguyên vẹn nữa. Vậy cho nên là, chúng tôi trình bày về tính xác thực không phải ở góc độ về vật liệu hay kiến trúc mà trình bày về các yếu tố nguồn gốc, vị trí, mục đích, chức năng và truyền thống sử dụng không đổi của chúng, ít để ý hơn đến tính nguyên gốc của các yếu tố hữu hình như nhà cửa, vật liệu, chất liệu, kiến trúc, kết cấu, họa tiết...
Qua nghiên cứu thực tế cho thấy, hầu hết các địa điểm và công trình trong Quần thể di sản được xây cất đều nhằm mục đích thờ Phật, truyền giảng đạo pháp, luân lý, và làm nơi ăn nghỉ của tăng, ni. Một số công trình khác để thờ cúng và tưởng nhớ tổ tiên, thần linh, các vị vua, anh hùng dân tộc hoặc các sự kiện lịch sử. Hiện nay, chúng vẫn đang được sử dụng vào những mục đích như vậy.
Các công trình xây dựng cũng sử dụng nguồn vật liệu tự nhiên, sẵn có tại chỗ, như đá (cuội kết, sạn kết, cát kết), cuội sỏi và đất sét phong hóa… Đá vôi và đất nung được sử dụng cho các họa tiết trang trí, với các biểu tượng Phật giáo, như lá bồ đề, rồng, phượng, chim thần Garuda, nhạc công (Gandharva), tiên nữ (Apsaras), chữ vạn, "bát quái", tượng Phật, hoa sen, hoa cúc...
Khi tu bổ, phục dựng các công trình vào đời sau, các cấu trúc, vật liệu và trang trí ban đầu thường được cố gắng sử dụng lại. Những công trình bị hư hại hoàn toàn được phục dựng lại, một số công trình khác chỉ được biết đến từ các cuộc khai quật khảo cổ học, tài liệu lịch sử, kinh văn, chuyện kể nhưng đều vẫn ở vị trí ban đầu của chúng.
Xét về giá trị nổi bật của Yên Tử ở châu Á và trên thế giới chính là nơi khởi xướng Thiền phái Trúc Lâm độc đáo của Việt Nam, đồng thời là quê hương của họ Trần, dòng họ đã tạo dựng nên một trong những triều đại phong kiến rực rỡ nhất ở Việt Nam vào thế kỷ XIII-XIV. Ý nghĩa nổi bật của các địa điểm và công trình gắn với quần thể di sản là tính xác thực của chúng liên quan đến câu chuyện về một Thiền phái độc đáo, vai trò của nó trong xã hội, quốc gia và sự tương tác của con người với môi trường.
Vì thế, các nhà khoa học khi xây dựng hồ sơ Quần thể di sản đã chú trọng xác thực các giá trị và thuộc tính lịch sử, văn hóa cũng như giá trị nổi bật toàn cầu của chúng từ các nguồn tài liệu tin cậy, như: Kết quả khai quật khảo cổ học, ghi chép trong các sử ký của Việt Nam, văn bản tôn giáo cổ, kinh Phật, văn bia, bản đồ và bia ký cổ...
Bên cạnh đó, theo nghiên cứu, đánh giá của các nhà khoa học, truyền thống thờ cúng và thực hành tôn giáo tại các di tích trong Quần thể di sản, trải qua hàng trăm năm và nhiều thế hệ, cơ bản vẫn được giữ nguyên. Một số lễ hội có thay đổi đôi chút về hình thức, quy mô, thời lượng nhưng tư tưởng và tinh thần cốt lõi vẫn duy trì. Triết lý Phật giáo, trải qua nhiều thiên niên kỷ, vẫn linh thiêng và không thay đổi, và ngày nay vẫn được thực hành theo những nghi thức đã tồn tại từ thuở xa xưa. Lòng tin, lòng nhiệt thành vẫn ngự trị trong trái tim và khối óc của các thiền sư và phật tử. Các nguồn thông tin đa dạng và phong phú đều đảm bảo tính xác thực.
Ngọc Mai
Liên kết website
Ý kiến ()