Tất cả chuyên mục

Với gần 70% diện tích tự nhiên là rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp, độ che phủ rừng đạt 54,6%, Quảng Ninh được đánh giá là tỉnh có nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển lâm nghiệp. Nhằm khai thác hết tiềm năng và thế mạnh đó, tỉnh đang xúc tiến việc xây dựng Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030.
Mô hình ươm cây giống trà hoa vàng của Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh (Ba Chẽ). |
Hiện trên địa bàn Quảng Ninh thành phần các loài cây trồng chủ yếu là: Keo, thông, bạch đàn, sa mộc... Đây là những giống cây trồng khá phổ biến, nhưng giá trị kinh tế không cao. Mặc dù, thời gian qua, tỉnh đã bắt đầu chú trọng tới việc trồng những cây bản địa, tuy nhiên việc làm này còn nhỏ lẻ và phụ thuộc vào các dự án do chưa chủ động về nguồn vốn đầu tư, cũng như chưa có quy hoạch tổng thể. Trong khi đó, mối liên kết giữa người dân (người sản xuất) và đơn vị tiêu thụ sản phẩm chưa chặt chẽ, thường xuyên dẫn đến tình trạng được mùa mất giá.
Bên cạnh đó, hoạt động khai thác và chế biến một số loài lâm sản ngoài gỗ còn manh mún, nhỏ lẻ; công nghệ lạc hậu, chủ yếu là chế biến thô; việc xây dựng và phát triển thương hiệu chưa đạt kết quả cao; việc phát triển rừng không đồng đều giữa các địa phương; chất lượng và tính đa dạng sinh học của rừng tự nhiên có nơi vẫn tiếp tục bị suy giảm; năng lực quản lý, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp của chủ rừng còn hạn chế... Đây là những khó khăn, thách thức, kìm hãm phát triển ngành lâm nghiệp của tỉnh.
Trước thực trạng đó, Sở NN&PTNT đang hoàn thiện dự thảo Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030. Nếu đề án sớm được phê duyệt sẽ là hành lang pháp lý quan trọng thúc đẩy phát triển lâm nghiệp của tỉnh ngày càng bền vững hơn.
Tính từ tháng 5/2019 đến nay, đã có 10 cuộc họp giữa đơn vị chủ trì, đơn vị thực hiện, nhà tư vấn và các đơn vị liên quan để xin ý kiến về việc xây dựng và hoàn thiện đề án. Sở NN&PTNT đang tập hợp các ý kiến, kiến nghị của các địa phương để trình UBND tỉnh.
Theo dự thảo của đề án đề ra, mục tiêu chính đến năm 2025 sẽ nâng độ che phủ rừng lên 55% và duy trì ổn định độ che phủ, nâng cao chất lượng rừng ở giai đoạn tiếp theo. Trong đó, mục tiêu về kinh tế phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp bình quân đạt 5-6%/năm, tương ứng với giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp đạt hơn 1.200 tỷ đồng (theo giá hiện hành). Ngoài ra, dự thảo đề án còn phấn đấu đến năm 2020 duy trì, ổn định cho khoảng 60.000-70.000 việc làm, đảm bảo mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, giai đoạn 2018-2025, tỉnh sẽ ưu tiên bảo vệ hiệu quả hơn 122.700ha rừng tự nhiên hiện có; 1.606ha rừng đặc dụng; 42.108ha rừng phòng hộ; 195.482ha rừng sản xuất. Bên cạnh đó, đề án cũng đưa ra giải pháp khoanh nuôi khoảng 7.700ha đất trống có cây gỗ tái sinh; nuôi dưỡng 30.419ha rừng tự nhiên lá rộng.
Đặc biệt, đối với phát triển cây lâm sản ngoài gỗ, tỉnh sẽ hỗ trợ các địa phương phát triển 7.000ha cây hồi, 3.790ha cây quế tại: Bình Liêu, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Ba Chẽ; 2.170ha cây ba kích tại: Bình Liêu, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Ba Chẽ, Hoành Bồ; 1.700ha cây sở tại Bình Liêu và Tiên Yên; 1.500ha trà hoa vàng tại Ba Chẽ và 2.135ha vùng dược liệu khác.
Hiện đầu ra sản phẩm cây lâm nghiệp của người dân chủ yếu là sản xuất, chế biến dạng thô, vì vậy hiệu quả kinh tế chưa cao. (Trong ảnh: Các hộ dân xã Lương Mông, huyện Ba Chẽ phơi quế) |
Giai đoạn năm 2019-2025, tỉnh sẽ thực hiện chuyển đổi các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn theo hướng giảm số lượng các cơ sở chế biến thô, tăng dần các cơ sở chế biến sâu. Giảm từ 464 cơ sở xuống còn dưới 250 cơ sở (trong đó tập trung giảm các cơ sở chế biến dăm gỗ, cơ sở chế biến than hầm, than hoa). Dự kiến đến năm 2025, xây dựng mới ít nhất một nhà máy chế biến lâm sản tổng hợp hiện đại công suất 400.000m3/năm. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ thực hiện sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp.
Để tạo bứt phá phát triển lâm nghiệp bền vững dự kiến giai đoạn 2019-2025 tỉnh sẽ kêu gọi xúc tiến đầu tư 34 dự án trong lĩnh vực lâm nghiệp. Trong đó, có nhiều dự án trọng điểm như: Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển; chuyển hóa rừng trồng keo gỗ nhỏ thành rừng trồng gỗ lớn (6.000ha); xây dựng mới 1 nhà máy chế biến lâm sản tổng hợp khép kín; phát triển vườn giống và hệ thống vườn ươm cây lâm nghiệp và cây lâm sản ngoài gỗ công nghệ cao (xây mới 1 vườn ươm và nâng cấp 7 vườn)...
Phạm Tăng
[links()]
Ý kiến ()