Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 02:08 (GMT +7)
Xây dựng con người Vân Đồn phát triển toàn diện
Thứ 7, 17/08/2024 | 09:58:34 [GMT +7] A A
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, huyện Vân Đồn đã có nhiều bước tiến mới trong việc bảo tồn, tôn tạo và gìn giữ các giá trị văn hóa đặc sắc của vùng đất giàu truyền thống lịch sử.
Hình thành môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh
Xác định việc quan tâm đầu tư cho văn hóa chính là quan tâm đầu tư cho con người, là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển KT-XH, những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa luôn được huyện Vân Đồn quan tâm, chỉ đạo. Nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn đã được nghiên cứu, nhận diện, bảo vệ và phát huy giá trị. Hiện nay trên địa bàn huyện có 55 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh; trong đó di tích đền Cặp Tiên nằm trong quần thể Di tích quốc gia đặc biệt (Di tích đền Cửa Ông - Cặp Tiên), 3 di tích quốc gia, 8 di tích cấp tỉnh và 44 di tích được kiểm kê phân loại.
Công tác tu bổ, phục hồi di tích nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện được quan tâm đầu tư, tạo nguồn lực cho sự phát triển ngành du lịch, góp phần phát triển KT-XH của địa phương. Năm 2021, đình Quan Lạn được tu bổ, phục hồi với nguồn kinh phí 25 tỷ đồng. Năm 2022, đền Mẫu (xã Quan Lạn) được tu bổ, phục hồi với tổng kinh phí 8 tỷ đồng bằng nguồn xã hội hóa. Đặc biệt, Lễ hội truyền thống Vân Đồn lịch sử được xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2019; địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Ngọc Vừng được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2022; quần thể Thương cảng Vân Đồn được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt năm 2023.
Giai đoạn 2022-2024, huyện đã đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, xây mới nhà văn hóa cấp xã, thôn, khu phố, trung tâm văn hoá các xã, thị trấn, Trung tâm thể thao của huyện với mức đầu tư 43,85 tỷ đồng. Thông qua việc đầu tư, hoàn thiện, quản lý, khai thác tốt các thiết chế văn hóa, thể thao đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần trong cán bộ và nhân dân trên địa bàn huyện, đảm bảo công tác phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương trong tổ chức các hội thi, hội diễn văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, duy trì các hoạt động câu lạc bộ và hoạt động vui chơi cho thanh thiếu nhi...
Bà Phạm Thị Điểm (thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn) cho biết: Được huyện quan tâm đầu tư, phong trào văn hóa, văn nghệ đã phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên ở nhiều thành phần, lứa tuổi tham gia, tạo sân chơi bổ ích, rèn luyện sức khỏe. Các hoạt động thể dục thể thao, văn nghệ quần chúng được tổ chức sôi nổi ở khu phố đã tạo nên môi trường xã hội lành mạnh, gắn kết.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, huyện Vân Đồn đã tổ chức thực hiện nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua, tiêu biểu như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, “Gia đình văn hóa", "Làng, khu phố văn hóa”, “Quy tắc ứng xử trong cộng đồng, xây dựng các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người”...
Qua đó, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được bảo tồn, phát huy. Các phong trào tập luyện thể dục thể thao được phát động, đặc biệt là phong trào thể thao quần chúng ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và trong các khu dân cư. Nhiều cuộc vận động, phong trào do các cấp, các ngành triển khai thực hiện có hiệu quả, đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa trong toàn xã hội, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vân Đồn, thúc đẩy phát triển KT-XH.
Hướng con người vươn tới giá trị chân - thiện - mỹ
Bám sát vào Nghị quyết số 11-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, huyện Vân Đồn luôn coi trọng, đổi mới công tác xây dựng môi trường văn hóa. Huyện xây dựng quy tắc ứng xử trong cộng đồng, xây dựng các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, phát huy những giá trị truyền thống trên địa bàn huyện.
Một trong những điểm nhấn trong xây dựng văn hoá con người Vân Đồn đó là việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả. Công tác tổ chức lễ hội được cấp ủy, chính quyền các đơn vị, địa phương quan tâm thực hiện. Hiện tượng đặt tiền lễ không đúng nơi quy định đã cơ bản được hạn chế; việc đốt vàng mã đúng nơi quy định được thực hiện tốt. Các hoạt động tín ngưỡng diễn ra tại các di tích, lễ hội được thực hiện đúng quy định.
Công tác quản lý dịch vụ văn hóa cũng được tăng cường triển khai thực hiện. Đồng thời, huyện cũng ban hành nhiều kế hoạch, văn bản hướng dẫn cơ sở triển khai thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn. Các bản hương ước, quy ước được xây dựng sát với tình hình thực tế, góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, thuần phong mỹ tục của địa phương. Hiện nay 72/72 thôn trên địa bàn đã thực hiện xây dựng các bản hương ước, quy ước. Qua đó, phát huy tính tự giác của nhân dân trong việc tham gia xây dựng cộng đồng dân cư, đô thị văn minh - sạch đẹp, xã đạt chuẩn NTM, giữ gìn cảnh quan vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa.
Kế thừa và phát huy những thành quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, huyện Vân Đồn đang tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững. Mục tiêu của huyện là văn hóa tiếp tục được cải thiện, thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư gắn với xây dựng đô thị văn minh. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ngày càng trưởng thành. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn tiếp tục được quan tâm.
Thu Trang
Liên kết website
Ý kiến ()