Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 01:12 (GMT +7)
Xây dựng cộng đồng an toàn, lành mạnh
Thứ 6, 27/08/2021 | 07:25:49 [GMT +7] A A
Trước tình trạng phụ nữ và trẻ em đang đối mặt với nhiều nguy cơ mất an toàn, như: Bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại tình dục, mua bán người... các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã có nhiều biện pháp hiệu quả, thiết thực; góp phần xây dựng môi trường sống ngày càng tốt đẹp cho phụ nữ và trẻ em.
Giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn
Bà Trần Thị Hồng (phường Cẩm Đông, TP Cẩm Phả) những ngày này đang rất phấn khởi và hạnh phúc vì được sống trong ngôi nhà mới khang trang, sạch đẹp. Được biết, hoàn cảnh của bà Hồng rất khó khăn do tuổi cao, sức yếu, không có lương hưu, ở cùng với con gái và cháu ngoại không có việc làm ổn định, cả gia đình bà sống trong ngôi nhà cũ đã xuống cấp nghiêm trọng.
Biết được hoàn cảnh của bà Hồng, Hội LHPN TP Cẩm Phả đã hỗ trợ gia đình bà 40 triệu đồng, phối hợp với Hội Phụ nữ phường đứng ra vận động, kêu gọi giúp đỡ, hỗ trợ một phần kinh phí để gia đình bà Hồng xây lại ngôi nhà mới. Trong đó, Ủy ban MTTQ thành phố hỗ trợ 10 triệu đồng; cán bộ, hội viên phụ nữ phường hỗ trợ 5 triệu đồng, Quỹ “Vì người nghèo” phường Cẩm Đông hỗ trợ 5 triệu đồng. Đầu tháng 8, ngôi nhà của bà Hồng có diện tích 60m2 với tổng kinh phí xây dựng hơn 130 triệu đồng đã được Hội Phụ nữ thành phố khánh thành và bàn giao.
Bà Hồng phấn khởi chia sẻ: Gia đình tôi là hộ cận nghèo, quanh năm sống trong căn nhà chật chội, xuống cấp, không đảm bảo an toàn, nhưng không có kinh phí để xây lại. May mắn là nhờ sự giúp đỡ của Hội Phụ nữ thành phố, của phường và các nhà hảo tâm, mẹ con, bà cháu tôi mới được ở trong ngôi nhà mới như thế này. Tôi rất vui mừng, hạnh phúc, cũng hy vọng rằng sẽ có nhiều hoàn cảnh khó khăn như mình nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các đơn vị, tổ chức và nhà hảo tâm, để có được cuộc sống đầy đủ, sung túc hơn.
Ở xã Tân Bình, huyện Đầm Hà, chị Nguyễn Thị Sâm là minh chứng cho những nỗ lực vượt khó vươn lên thông qua sự hỗ trợ của hội phụ nữ các cấp. Năm 2007, chị Sâm bị tai nạn, phải cắt 1 chân phải. Các cấp hội phụ nữ huyện Đầm Hà đã động viên, thăm hỏi và hỗ trợ chị trong suốt khoảng thời gian chị điều trị. Đồng thời, nhận thấy với hoàn cảnh như vậy, chị Sâm không thể có cuộc sống ổn định, các cấp hội ở huyện đã hướng dẫn, hỗ trợ chị vay vốn 20 triệu đồng thông qua Ngân hàng CSXH và hỗ trợ chị kỹ thuật ươm, trồng, chăm sóc cây keo giống. Nhờ đó, chị Sâm đã áp dụng vào cơ sở ươm keo giống của gia đình. Đến nay, cơ sở của chị đã cung cấp giống cho hầu hết người dân trên địa bàn huyện; giúp chị vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Chị Sâm cho biết: Nhờ sự giúp đỡ của chị em trong hội phụ nữ, mà tôi đã có vốn để làm ăn, thoát nghèo. Từ đó đến nay, vườn ươm keo giống của gia đình ngày càng được mở rộng, không chỉ giúp gia đình tôi thoát nghèo, mà còn có điều kiện giúp đỡ cho những hoàn cảnh kém may mắn khác.
Nhân rộng nhiều hoạt động hỗ trợ
Thời gian qua, nhằm tăng cường nhiều giải pháp đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức ký kết những chương trình phối hợp với các ngành chức năng để tăng cường hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ, giám sát đối với những vụ việc liên quan đến phụ nữ, trẻ em. Các cấp hội phụ nữ đã kịp thời nắm bắt thông tin, hỗ trợ ổn định tâm lý; vận động gia đình, người thân tố giác hành vi của kẻ xâm hại; chuyển tuyến thông tin và đề nghị các ngành chức năng vào cuộc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, đồng thời kết nối nguồn lực hỗ trợ các nạn nhân bị bạo lực gia đình và nạn nhân bị xâm hại tình dục.
Nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội, Hội LHPN tỉnh còn tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền liên quan đến phụ nữ và trẻ em. Cụ thể như: Tổ chức 350 buổi truyền thông cho hơn 50.000 hội viên phụ nữ về phòng chống xâm hại, bạo lực và phòng ngừa thanh thiếu nhi vi phạm pháp luật; kỹ năng sống, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích; 12 hội nghị truyền thông kiến thức về quyền trẻ em; gần 5.000 cuộc sinh hoạt chi, tổ, CLB có lồng ghép nội dung tuyên truyền về chính sách liên quan đến trẻ em, kỹ năng nuôi dạy con tốt.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 86 CLB, 552 mô hình và 2.074 tổ tự quản về chăm sóc và giáo dục trẻ em cho trên 40.000 thành viên tham gia. Hoạt động của các CLB, mô hình, chủ yếu là tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiến thức kỹ năng trong chăm sóc, giáo dục trẻ, thực hiện các quyền trẻ em, đồng thời nâng cao khả năng tiếp cận, tư vấn và hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn; xử lý các tình huống liên quan đến quyền trẻ em, các trường hợp xâm hại trẻ em. Điển hình như CLB Thân thiện ở Cẩm Phả, Uông Bí, Hạ Long; CLB Quyền trẻ em ở Cẩm Phả, Đông Triều; mô hình “Nhóm cha mẹ chăm sóc, giáo dục, nuôi dạy và phát triển toàn diện trẻ thơ” tại Ba Chẽ, Uông Bí, Quảng Yên.
Theo đánh giá của Hội LHPN tỉnh, thông qua hoạt động của các CLB, số lượng trẻ em thiếu sự chăm sóc của cha, mẹ hoặc trẻ em có nguy cơ bị bỏ rơi được quan tâm hưởng thụ các chính sách, quyền của trẻ em tại các địa phương ngày một tăng lên, nhiều trẻ em đã có nhận thức tốt về các quyền tham gia và quyền được bảo vệ của mình, có những kỹ năng để tự bảo vệ bản thân; cha mẹ, người nuôi dưỡng trẻ em và người dân cộng đồng có kiến thức về các quyền của trẻ em và bình đẳng giới, cam kết không phân biệt đối xử và tạo điều kiện để trẻ em tham gia trong các vấn đề có liên quan đến cuộc sống của trẻ, đặc biệt là trong cuộc sống gia đình...
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()