Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 23:11 (GMT +7)
Xây dựng địa bàn không "điểm nóng" về tệ nạn mại dâm
Thứ 7, 14/08/2021 | 13:41:33 [GMT +7] A A
Nhờ làm tốt công tác phòng ngừa và đấu tranh trấn áp quyết liệt, tình hình tệ nạn mại dâm tại Quảng Ninh thời gian qua được kiểm soát, không có “điểm nóng”, tụ điểm phức tạp, gây bức xức dư luận.
Với tốc độ đô thị hóa nhanh, hoạt động kinh tế sôi động, Quảng Ninh là địa bàn có số lượng lớn lao động từ tỉnh ngoài và nước ngoài đến sinh sống, làm việc, tham quan, du lịch. Tính đến ngày 15/5/2021, toàn tỉnh có trên 2.700 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, dễ phát sinh tệ nạn mại dâm với trên 4.400 nhân viên, một nửa trong số đó là người ngoại tỉnh, nữ giới gần 3.000 người, trong đó 224 nhân viên nữ dưới 18 tuổi. Theo ước tính, trên địa bàn tỉnh có gần 400 người hoạt động bán dâm, tuy nhiên được xác định chỉ là "bề nổi của tảng băng chìm", bởi hoạt động này không công khai, thường trá hình dưới nhiều "vỏ bọc" khác nhau.
Hoạt động mại dâm mang lại nguồn thu bất hợp pháp cao cho chủ chứa, môi giới và gái bán dâm, nên dù biết là trái pháp luật, các đối tượng vẫn lén lút tổ chức hoạt động với nhiều hình thức trá hình, như xông hơi, massage, tẩm quất, karaoke… Cá biệt, một số ít gái mại dâm dựa vào vốn kiến thức ngoại ngữ để tiếp cận với khách nước ngoài, nhận vai trò hướng dẫn viên, tiếp viên để hoạt động mại dâm, lợi dụng cưỡng đoạt, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản...
Từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cùng với việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, một số đối tượng, ngoài việc lợi dụng các hoạt động kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, karaoke, massage... để hoạt động trá hình, tiếp tục chuyển sang hoạt động lén lút với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, như chào gọi, môi giới qua mạng internet, zalo, facebook..., nhằm trốn tránh các lực lượng chức năng để mua, bán dâm khi có điều kiện. Thực trạng này đặt ra nhiều thách thức, khó khăn trong công tác đảm bảo ANTT, an toàn xã hội nói chung, công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm nói riêng trên địa bàn tỉnh.
Nhận thức rõ vấn đề trên, những năm qua, với sự chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của tỉnh, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành, đoàn thể, sự nỗ lực của lực lượng chuyên trách và sự ủng hộ của nhân dân, công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh được triển khai quyết liệt.
Hằng năm, đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm (Đội kiểm tra liên ngành 178) được kiện toàn, triển khai đồng bộ ở 3 cấp (tỉnh, huyện, xã), trong đó ngành LĐ-TB&XH là đầu mối thường trực. Từ nguồn ngân sách, tỉnh bố trí nguồn lực xây dựng thí điểm mô hình phòng chống tệ nạn mại dâm, hỗ trợ người bán dâm tại Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả hưởng lợi từ các dịch vụ xã hội; hằng năm, tổ chức các lớp học nghề giúp họ chuyển đổi sinh kế. Từ đó, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế tệ nạn mại dâm, ma tuý, cờ bạc phát sinh tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ.
Là lực lượng nòng cốt trong công tác đấu tranh, phát hiện, xử lý tệ nạn mại dâm, 6 tháng đầu năm 2021, công an toàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 7 vụ/23 đối tượng hoạt động mại dâm (giảm 2 vụ, tăng 8 đối tượng so với cùng kỳ năm 2020); thu giữ nhiều vật chứng liên quan đến hoạt động mại dâm. Công an tỉnh đã khởi tố 7 vụ/10 bị can (6 chủ chứa, 4 môi giới); 13 đối tượng còn lại là người mua, bán dâm bị xử lý hành chính.
Được biết, hiện nay nhiều chương trình, kế hoạch, công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020 hiện đã hết hiệu lực, nên chưa có căn cứ pháp lý để tiếp nối, duy trì hỗ trợ cho các thành viên CLB phòng, chống mại dâm trong năm 2021. Việc tiếp cận người bán dâm, đặc biệt là nhóm người bán dâm, còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến quá trình tìm kiếm thông tin, hỗ trợ dịch vụ... Vì vậy, rất cần có cơ chế chính sách, bố trí nguồn lực thỏa đáng để hỗ trợ công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh, giữ vững mục tiêu đảm bảo ANTT, xây dựng môi trường lành mạnh và phát triển.
Khánh Nam
Liên kết website
Ý kiến ()