Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:51 (GMT +7)
Xây dựng đời sống văn hóa ở xã đảo Quan Lạn
Chủ nhật, 07/08/2022 | 13:44:29 [GMT +7] A A
Xã Quan Lạn (Vân Đồn) có nhiều di tích lịch sử văn hóa do cha ông để lại. Người dân luôn có ý thức giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống ấy và phát triển nó một cách tốt nhất.
Năm nay, sau thời gian chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hội chèo bơi trong khuôn khổ Lễ hội đình Quan Lạn được tổ chức hoành tráng. Lễ hội thu hút đông đảo người dân xã đảo Quan Lạn và các xã, thị trấn khác của huyện Vân Đồn, cũng như có nhiều người gốc Quan Lạn sống ở xa cũng về dự hội. Chị Triệu Thị Duyên là người gốc Quan Lạn, hiện định cư tại TP Hồ Chí Minh, trong dịp này đã cùng gia đình tổ chức chuyến về thăm quê hương một tuần. Chị chia sẻ: Có lẽ tình cảm với quê hương đã ngấm vào máu thịt những người dân chúng tôi rồi nên dù xa quê nhưng hàng năm cứ vào dịp này, dù làm bất cứ việc gì chúng tôi vẫn háo hức thu xếp về quê nhà. Năm nào bận quá không về được là thế nào chúng tôi cũng nhắn người nhà quay clip cảnh lễ hội rồi gửi cho mình xem.
Từ nhiều đời nay, người dân Quan Lạn rất chú trọng xây dựng văn hóa làng xã. Ngay cả khi du lịch chưa được đưa vào Quan Lạn, đời sống nhân dân còn nghèo, hàng năm xã vẫn tổ chức Lễ hội đình Quan Lạn vào tháng 6 âm lịch. Lễ hội tưởng nhớ đến Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư, người đã có công lãnh đạo quân dân Vân Đồn đánh đuổi quân xâm lược Nguyên Mông trên sông Mang vào thế kỷ XIII. Vào dịp lễ hội, người dân tự bảo nhau, đã là người Quan Lạn dù sống ở nơi xa xôi, thậm chí ở nước ngoài cũng tìm cách về với quê hương, bằng cách này cách khác tham gia đóng góp vật chất, tinh thần xây dựng quê hương.
Tuy là xã hải đảo, không có nhiều điều kiện tiếp xúc văn hóa như các xã trên đất liền, nhưng ở Quan Lạn người dân tự thành lập Đội văn nghệ CLB Liên thế hệ xã Quan Lạn. Các diễn viên trong đội văn nghệ thuộc nhiều lứa tuổi, từ 30 đến 70 tuổi. Khi rời sân khấu, họ lại mỗi người một việc, người ra khơi đánh cá, người trồng rau hoặc làm dịch vụ ở xã… Số tiền kiếm được hàng ngày, họ đều trích lại một khoản nho nhỏ để đóng góp tự mua sắm quần áo, nhạc cụ biểu diễn. Nhìn họ biểu diễn ca hát trên sân khấu, ít ai nghĩ rằng đây là đội ca múa “Cây nhà, lá vườn” ở một xã đảo, mà nhiều tiết mục là hoàn toàn tự biên, tự diễn.
Ông Phạm Văn Hữu, Chủ nhiệm CLB Liên thế hệ xã Quan Lạn, đồng thời cũng là đội trưởng đội văn nghệ, cho biết: Chúng tôi có 20 tiết mục tự biên tự diễn và sưu tầm từ nhiều nguồn. Đội văn nghệ chúng tôi nhiều người biết hát tuồng, chèo và một số thể loại dân ca trong nước. Nội dung các bài hát đều là ca ngợi quê hương Quan Lạn và ca ngợi những chiến công hiển hách của cha ông xưa trên mảnh đất Quan Lạn để viết nên truyền thống lịch sử hào hùng ngày nay. Đội cũng đã đi nhiều nơi để biểu diễn, với mục tiêu vui là chính và tranh thủ truyền bá về văn hóa quê hương Quan Lạn đến mọi nơi.
Năm 2022, Quan Lạn phấn đấu hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Giờ đây, ai đến với Quan Lạn thật khó hình dung đây từng là xã nghèo, khi mà hệ thống đường sá của xã được sửa chữa nâng cấp, đường điện chiếu sáng cả trong những ngõ nhỏ. Người dân trong xã đã tích cực vào cuộc hiến đất làm đường trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong những năm qua, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng đô thị văn minh, các phong trào giữ gìn vệ sinh cảnh quan môi trường, thực hiện các ngày “Chủ nhật xanh” luôn được coi trọng. Hàng năm, tất cả 8/8 thôn của xã đều đạt và duy trì thôn văn hóa, 85-90% số hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa.
Đời sống người dân được nâng cao, những ngôi nhà cao tầng khang trang, đường sá sạch đẹp là hình ảnh của xã đảo Quan Lạn ngày nay, một nông thôn mới hiện đại đang ngày càng hiện hữu. Kết quả trên là sự chung sức chung lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Quan Lạn. Ý thức đó được thấm vào mỗi người dân về xây dựng văn hóa làng xã, xây dựng quê hương ngày càng tốt hơn, và dù đi đâu, ở đâu vẫn luôn hướng về quê hương mình.
Công Thành
Liên kết website
Ý kiến ()