Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:24 (GMT +7)
Xây dựng hạ tầng nông thôn vùng khó: Đòn bẩy cho sự phát triển
Thứ 5, 03/09/2020 | 08:30:18 [GMT +7] A A
Do địa hình phức tạp nên việc xây dựng các cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp với quy mô lớn của Quảng Ninh có phần khó khăn. Tuy nhiên, với tiềm năng lớn về tự nhiên, kinh tế - xã hội, tỉnh đã tập trung xây dựng hạ tầng nông thôn nhằm tạo ra một nền công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Người dân thôn Pặc Pùng, xã Vô Ngại, chung sức làm đường liên thôn trên địa bàn. Ảnh: Trần Thanh |
Là một huyện biên giới, những năm qua cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, Bình Liêu đã tập trung nhiều nguồn lực xây dựng hạ tầng nông thôn. Hàng năm, từ nhiều nguồn vốn, hỗ trợ, hàng trăm tỷ đồng đã được đầu tư cho hạ tầng nông thôn huyện. Năm 2019, chỉ tính riêng nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, huyện đã đầu tư 155 tỷ đồng với 31 công trình hạ tầng. Đến nay, hạ tầng cơ sở, nhất là hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện phần lớn đảm bảo theo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Các công trình giao thông liên thôn trên địa bàn huyện cơ bản đã được đầu tư cứng hóa, xe ô tô vào tận nơi. Một số công trình đã được hoàn thiện, khởi công mới đem lại sự phấn khởi cho các hộ dân nơi đây, đặc biệt các công trình cấp xã. Điển hình ở xã Đồng Tâm vừa hoàn thành các con đường liên thông từ Pắc Pò đi Sam Quang - Phiêng Sáp giai đoạn 2, chiều dài gần 2km, tổng mức đầu tư gần 3 tỷ đồng; công trình đường giao thông nông thôn từ đường Sam Quang vào nhà văn hóa thôn Pác Pền; đường giao thông nông thôn từ nhà văn hóa Nà Áng vào Trường Mầm non Nà Áng...
Là người dân được hưởng thụ từ những công trình nông thôn, anh Dương Cắm Hếnh, xã Đồng Tâm, phấn khởi: Các công trình, dự án hạ tầng chủ yếu phục vụ trực tiếp cho sản xuất và tăng điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân, đem lại hiệu quả cao, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân vùng miền núi, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn, góp phần cải thiện rõ rệt diện mạo nông thôn, miền núi.
Nhiều địa phương có điều kiện khó khăn, song đã nỗ lực không ngừng và đạt kết quả ghi nhận như các xã Thanh Lâm, Minh Cầm, huyện Ba Chẽ... là các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn song đã được đầu tư hạ tầng, đạt chuẩn nông thôn mới; huyện Cô Tô là huyện đảo rất khó khăn về giao thông, điện, song đã là huyện đảo đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2015.
Theo thống kê, giai đoạn 2010-2020, hạ tầng kinh tế - xã hội của các địa phương đã có sự thay đổi lớn. 100% số xã có hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới. Diện mạo nông thôn được đổi mới, khang trang, sạch đẹp hơn. Các công trình hạ tầng được đầu tư, nâng cấp đã và đang phục vụ ngày một tốt hơn cho việc sản xuất và sinh hoạt cho người dân ở nông thôn. Đến nay 100% số xã có đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 100% hệ thống thủy lợi đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về phòng chống thiên tai tại chỗ. Mạng lưới điện quốc gia phủ đến 100% số xã, 100% hộ dân trên địa bàn tỉnh được sử dụng điện. 98,2% xã đạt chuẩn về tiêu chí hạ tầng thương mại nông thôn, đảm bảo nhu cầu trao đổi, buôn bán của người dân. Sóng viễn thông, internet và sóng QTV được phủ đến 100% các xã, thôn.
Khánh thành Trường Tiểu học Nam Sơn (tháng 8/2019), huyện Ba Chẽ, công trình được xây từ nguồn hỗ trợ Chương trình 135, Đề án 196. Ảnh: Khánh Nam |
Đặc biệt, từ Chương trình 135, Đề án 196, trong 5 năm qua đã hỗ trợ đầu tư xây dựng 696 công trình hạ tầng thiết yếu vùng đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí phân bổ là 1.376,457 tỷ đồng. Đến nay 100% xã đặc biệt khó khăn có đường ô tô được cứng hoá đến trung tâm xã; đường giao thông đến các thôn ĐBKK cơ bản đã được cứng hóa theo tiêu chí nông thôn mới; 17/17 xã có trạm y tế đạt chuẩn theo bộ tiêu chí quốc gia về y tế; 100% số hộ dân ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn được sử dụng điện lưới quốc gia; trên 97,82% số hộ dân tại xã, thôn đặc biệt khó khăn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Theo ông Đặng Bá Bắc, Phó trưởng Ban Nông thôn mới tỉnh, sự hoàn thiện về cơ sở hạ tầng đã tạo đòn bẩy cho kinh tế và tổ chức sản xuất nông thôn có bước phát triển rõ nét. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư một số dự án với quy mô lớn, liên kết trong sản xuất đã tạo ra được nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Thu nhập của người dân khu vực nông thôn tăng từ 29,533 triệu đồng/năm (năm 2015) lên 41,5 triệu đồng/người/năm (năm 2019). Tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt qua các năm từ 1,55% (năm 2015) còn 1% (năm 2019) đã góp phần nâng cao mức sống của người dân khu vực nông thôn trong tỉnh. Nhận thức của đa số người dân đã chuyển từ tư tưởng trông chờ ỷ lại đến chủ động tích cực tham gia chung sức xây dựng nông thôn mới.
Thanh Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()