Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 07:59 (GMT +7)
Xây dựng nền giáo dục tiên tiến
Thứ 4, 22/11/2023 | 06:34:29 [GMT +7] A A
Công nghệ và chuyển đổi số đang mở ra cho nhiều phương thức giáo dục mới, thông minh, hiệu quả hơn. Với mục tiêu không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, ngành GD&ĐT tỉnh đang đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số ở tất cả các cấp học.
Thầy cô sáng tạo, học trò hứng thú
Để giáo án mỗi giờ lên lớp được sinh động, cô Bùi Cẩm Phương, giáo viên môn Địa lý, Trường THCS Ngô Quyền (TP Cẩm Phả) luôn tìm tòi, nghiên cứu những kiến thức mới từ các nguồn học liệu để đưa vào bài giảng. Các phần mềm đồ họa, bản đồ tương tác, video minh họa được cô vận dụng triệt để cho những tiết học thêm sinh động, mang lại hứng thú cho học sinh. Cô Phương cho biết: Ứng dụng CNTT trong giảng dạy cho phép thể hiện thông tin địa lý theo cách trực quan hơn, học sinh khám phá các khái niệm địa lý một cách sinh động, tăng cường khả năng giao tiếp cũng như sự tương tác giữa cô và trò.
Tại Trường Tiểu học Hạ Long (TP Hạ Long), chỉ với một chiếc điện thoại thông minh và máy tính kết nối mạng Internet, giáo viên có thể cùng lúc kiểm tra kiến thức của tất cả học sinh trong lớp học, theo hình thức trắc nghiệm, nhờ ứng dụng Plickers. Bên cạnh giúp học sinh hào hứng hơn trong học tập, ứng dụng này cũng giúp giáo viên thống kê lại tất cả các câu trả lời của học sinh, đúng hay sai, tỷ lệ phần trăm rất rõ. Thông qua đó giáo viên có thể nắm bắt được tình hình nhận thức, kiến thức của học sinh, có những biện pháp kịp thời để giúp đỡ những học sinh có câu trả lời chưa đúng.
Ứng dụng CNTT vào hoạt động dạy học tại các trường học đã dần thay đổi phương pháp giảng dạy và học tập từ truyền thống sang phương pháp giảng dạy tích cực, giúp giáo viên và học sinh phát huy được khả năng tư duy, sáng tạo, đạt hiệu quả. Đào Trang My (học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long) cho biết: "Nhiều tiết học tại trường em, các thầy cô dạy học qua video, bảng tương tác. Nhờ đó các tiết học trở nên dễ hiểu, thú vị hơn".
Bên cạnh ứng dụng công nghệ vào giảng dạy, tại các cơ sở giáo dục, nhà trường trang bị những phòng học thông minh nhằm từng bước hiện đại hóa công tác dạy và học. Hiện toàn tỉnh có 645 cơ sở giáo dục với trên 350.000 học sinh, gần 22.000 cán bộ, giáo viên, gần 1.400 phòng học tương tác thông minh, ứng dụng CNTT tiên tiến tại 89 trường học.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các nhà trường được tăng cường, nhất là các thiết bị ứng dụng CNTT, hệ thống vận động thông minh của các trường mầm non, thiết bị đổi mới phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm. Mục tiêu của ngành Giáo dục tỉnh đến năm 2025 là đưa việc dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thường xuyên; trong đó tỷ trọng nội dung chương trình giáo dục phổ thông được triển khai dưới hình thức trực tuyến đạt trên 5% ở bậc tiểu học, trên 10% ở bậc trung học.
Xây dựng nền giáo dục mở, thích ứng trên nền tảng số
Xác định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, ngành GD&ĐT tỉnh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Trong công tác quản lý, từ năm 2009 phần mềm quản lý văn bản trực tuyến trong ngành được áp dụng từ Sở GD&ĐT đến các phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục, qua đó giúp số hóa và xử lý 100% văn bản đi, đến trong ngành; 100% cán bộ, chuyên viên, nhân viên trong ngành có tài khoản, chữ ký số để truy cập và xử lý công việc. Cùng với đó, 100% cơ sở giáo dục sử dụng phầm mềm quản lý nhà trường tại địa chỉ http://qlth.quangninh.edu.vn để quản lý toàn diện học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị, tài chính, tài sản. 100% các trường thực hiện quản lý, sử dụng sổ điện tử thay cho hồ sơ giấy. Hệ thống tuyển sinh đầu cấp trực tuyến trong toàn tỉnh theo hướng liên thông đang được nghiên cứu thí điểm.
Từ năm 2020 đến nay, Sở GD&ĐT tổ chức xây dựng kho video bài giảng từ lớp 1 đến lớp 12 với hàng nghìn bài giảng ở tất cả các cấp học. Hiện 60,4% trường phổ thông, trung tâm GDTX có nội dung chuyển đổi số được lồng ghép, tích hợp trong chương trình giảng dạy của nhà trường và sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến; 21,62% trường phổ thông, trung tâm GDTX triển khai hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS), hệ thống quản lý nội dung học tập trực tuyến (LCMS); 5% học liệu được xây dựng và số hóa.
Thực hiện chuyển đổi số, Sở GD&ĐT còn triển khai tới các cơ sở giáo dục thanh toán không dùng tiền mặt. Đến nay có 88,5% số cơ sở giáo dục thanh toán học phí không dùng tiền mặt.
Chuyển đổi số trong giáo dục đang tác động tích cực đến công tác quản lý, dạy và học tại các cơ sở giáo dục . Từ nay đến năm 2025, ngành GD&ĐT tỉnh đặt mục tiêu tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thường xuyên, liên tục. Phấn đấu đến năm 2030 tất cả các thành tố trong hệ thống giáo dục của tỉnh được đưa vào môi trường số. Cùng với đó đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHCN, khai thác và sử dụng hiệu quả phương tiện, thiết bị CNTT nhằm đổi mới, sáng tạo trong dạy và học, nâng cao chất lượng và cơ hội tiếp cận giáo dục, hiệu quả quản lý giáo dục, từng bước xây dựng nền giáo dục mở, thích ứng trên nền tảng số.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()