Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:19 (GMT +7)
Xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân
Thứ 6, 24/02/2023 | 08:40:09 [GMT +7] A A
Với mục tiêu hướng tới xây dựng nền hành chính phục vụ, Quảng Ninh đã và đang nỗ lực thực hiện công cuộc cải cách hành chính. Trong đó, tỉnh không ngừng cải cách bộ máy hành chính minh bạch, hiệu quả; tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hướng vào phục vụ nhân dân, doanh nghiệp...
Công tác cán bộ là "then chốt"
Để xây dựng nền hành chính phục vụ chuyên nghiệp, hiện đại, đội ngũ CBCCVC đóng vai trò then chốt bởi đây vừa là lực lượng nòng cốt trong xây dựng và thực hiện thể chế, chính sách, chương trình, kế hoạch, TTHC, vừa là lực lượng thường xuyên giải quyết công việc cho tổ chức, người dân... Theo Sở Nội vụ, thực hiện cắt giảm TTHC, tạo cơ chế vận hành thông thoáng, áp lực công việc đối với CBCCVC sẽ nặng hơn, đòi hỏi họ vừa phải tinh thông nghiệp vụ, vừa có tinh thần phục vụ cao. Nếu chỉ một người không đáp ứng yêu cầu công việc thì sẽ ảnh hưởng đến cả dây chuyền, bộ máy.
Xác định tầm quan trọng đó, thời gian qua Quảng Ninh luôn chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC. Tỉnh tập trung mạnh mẽ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC. Riêng năm 2022, tỉnh tổ chức 94 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 6.000 học viên, tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng, trong đó có 6 lớp đào tạo lý luận chính trị cho 904 học viên; 8 lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho 389 học viên; 4 lớp bồi dưỡng ngạch công chức cho 211 học viện; 5 lớp bồi dưỡng ngoại ngữ và tiếng dân tộc cho 158 học viên; gần 60 lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, chuyên ngành theo vị trí việc làm và lớp bồi dưỡng cho đội ngũ CBCC cấp xã. Bên cạnh chương trình đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh, các địa phương, đơn vị đã chủ động tham mưu tổ chức các lớp bồi dưỡng bám sát nhiệm vụ trọng tâm và đặc thù của mình.
Quảng Ninh cũng chủ động rà soát, sắp xếp đội ngũ CBCCVC đảm bảo hợp lý về cơ cấu, vị trí việc làm, năng lực, trình độ chuyên môn; thay thế kịp thời những người không đáp ứng được yêu cầu thực thi công vụ, nhiệm vụ, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; thực hiện tốt công tác tuyển dụng, sử dụng và tiếp nhận CCVC đảm bảo khách quan, minh bạch; duy trì hiệu quả mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND ở huyện Cô Tô và tại 115/177 đơn vị cấp xã, mô hình bí thư cấp ủy không phải người địa phương tại 12/13 đơn vị cấp huyện và tại 138/177 đơn vị cấp xã, mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố ở 100% thôn, bản, khu phố.
Lề lối, tác phong của cán bộ trong thực thi công vụ cũng được tỉnh quan tâm chỉ đạo rốt ráo. Hằng năm, UBND tỉnh có chỉ thị về chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ của CBCCVC. Các cấp ủy đảng phát huy vai trò giám sát của các tổ chức đoàn thể chính trị đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên liên quan đến công tác cải cách hành chính. Bên cạnh đó, thường xuyên tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung. Từ đó, nhiều địa phương, đơn vị đã có sáng kiến phát huy tinh thần vì nhân dân phục vụ của CBCC.
Thời gian gần đây, tại Trung tâm Hành chính công TP Móng Cái, 100% số người được phát phiếu lấy ý kiến nhận xét, đánh giá đều hài lòng về thái độ, tinh thần phục vụ của CBCC. Có được kết quả này là do Trung tâm Hành chính công thành phố đang áp dụng rất hiệu quả mô hình quầy dịch vụ hỗ trợ công dân, gồm tư vấn luật, công chứng, phô tô tài liệu, tư vấn thiết kế xây dựng, dịch thuật hỗ trợ kê khai... vừa giúp công dân không phải di chuyển nhiều địa điểm, mà chỉ đến duy nhất một điểm có thể hoàn tất các hồ sơ, vừa góp phần đẩy nhanh tiến độ tiếp nhận và xử lý hồ sơ, số hóa hồ sơ, tăng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến, nhằm giúp công dân không phải di chuyển nhiều địa điểm mà chỉ đến duy nhất một điểm có thể hoàn tất các hồ sơ. Dù vất vả hơn, nhưng CBCC của trung tâm rất vui khi được nhân dân ghi nhận và đánh giá cao.
Với phương châm “Vì nhân dân phục vụ” và để bảo đảm tiến độ cấp căn cước công dân, kích hoạt định danh điện tử mức độ 2 đề ra, thời điểm cuối năm 2022, công an các phường, xã trên địa bàn TP Uông Bí đã cùng với Đoàn thanh niên đến từng nhà dân hướng dẫn, hỗ trợ các công dân đã cài đặt app để kích hoạt định danh điện tử mức độ 2. Đồng thời rà soát, lập danh sách các trường hợp công dân già yếu, bệnh tật, khuyết tật không thể đi lại được để phối hợp với Tổ căn cước công dân lưu động của Công an thành phố đến tận nhà làm căn cước công dân.
Mặc dù cường độ làm việc cao, áp lực lớn, có vất vả, khó khăn, nhưng với tinh thần trách nhiệm, lực lượng công an của thành phố đã hoàn thành việc cấp căn cước công dân cho tất cả người dân đủ điều kiện cấp căn cước và kích hoạt định danh điện tử trên địa bàn thành phố.
Với những nỗ lực trong xây dựng đội ngũ cán bộ, cải cách bộ máy, cải cách công vụ, Quảng Ninh trở thành địa phương có nền quản trị hiện đại, dân chủ, năng động, hiệu quả, chuyên nghiệp, minh bạch, lấy người dân làm trung tâm. Thể hiện qua con số nhiều năm liền Quảng Ninh dẫn đầu cả nước về các Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI). Mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của tỉnh đạt tỷ lệ cao (trung bình 94,07%)
Hoàn thiện bộ máy hành chính minh bạch, hiệu quả
Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng để duy trì "ngọn lửa" cải cách, xây dựng một nền hành chính hiện đại, tinh giản, phục vụ tốt cho người dân và doanh nghiệp, Quảng Ninh vẫn còn rất nhiều việc phải làm và phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Trong đó, đặc biệt nêu cao quan điểm dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.
Phát biểu trong buổi gặp mặt đầu xuân Quý Mão 2023, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đã nhấn mạnh: Thực tiễn ở Quảng Ninh đang đòi hỏi nêu cao trách nhiệm của những người đứng đầu các cấp, các ngành, tổ chức, cơ quan, địa phương, đơn vị, gương mẫu, nêu gương, làm gương, làm trụ cột, hạt nhân nòng cốt, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương; tạo sức lan tỏa tích cực về tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách vì lợi ích nhân dân. Đội ngũ CBCC, nhất là người đứng đầu phải luôn lấy việc nâng cao chất lượng phục vụ và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm tiêu chí phấn đấu, với tinh thần “càng khó khăn thì càng phải thi đua”, nâng cao tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tiếp tục đổi mới tư duy, nếp nghĩ, cách làm để đưa Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ hơn nữa, toàn diện hơn nữa, trở thành tỉnh tiêu biểu của cả nước về các mặt.
Năm 2023, Quảng Ninh đặt mục tiêu quyết tâm giữ vững nhóm đầu về chỉ số PCI, PAPI, PAR Index, SIPAS; hoàn thành tiến độ, chất lượng 100% nhiệm vụ cụ thể trong kế hoạch cải cách hành chính năm 2023; rà soát, đưa 100% TTHC của các ngành giải quyết qua các hình thức tập trung tại trung tâm hành chính công các cấp để tạo thuận lợi cho tổ chức, người dân... Trên cơ sở này, UBND tỉnh đã đề ra các nhóm nhiệm vụ giải pháp cụ thể cho từng ngành, địa phương.
Trong đó nhấn mạnh phải đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính; đẩy mạnh công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ CBCCVC theo chức danh, nhất là cán bộ cấp phòng và cấp xã; bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn, lý luận, ngoại ngữ, kiến thức hội nhập, văn hóa ứng xử trong thực thi công vụ; tăng cường bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước, công tác giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức cho đội ngũ CBCCVC, nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm trong phục vụ nhân dân.
Song song với đó, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, cán bộ trẻ, cán bộ trình độ cao, trình độ công nghệ thông tin; đổi mới phương pháp, quy trình đánh giá phân loại CBCCVC theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch.
Tỉnh sớm hoàn thiện và triển khai đề án “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức, bộ máy hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xây dựng đội ngũ CBCCVC có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ giai đoạn 2022-2025”. Các ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch của đơn vị và nêu cao tinh thần quyết tâm để xây dựng nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại.
Đồng chí Nguyễn Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, cho biết: Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tiếp tục đổi mới công tác giải quyết TTHC đảm bảo tính đồng bộ, khoa học, hiệu quả, gắn với chuyển đổi số mạnh mẽ; tăng cường theo dõi, giám sát chặt chẽ quy trình hướng dẫn, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC, nhất là việc thực hiện các quy định về kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, ý thức trách nhiệm, tinh thần thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ CBCCVC, kịp thời có biện pháp phối hợp xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm.
Với những giải pháp thiết thực, cụ thể, đi đúng vào từng nội dung, vấn đề, Quảng Ninh cam kết duy trì, giữ vững và nâng cao kết quả các chỉ số của tỉnh giai đoạn tới, góp phần xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; đáp ứng niềm mong mỏi, kỳ vọng của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã dành cho tỉnh.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()