Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 10:15 (GMT +7)
Bình Dân tích cực xây dựng đời sống văn hóa
Chủ nhật, 19/12/2021 | 13:52:17 [GMT +7] A A
Xã Bình Dân (Vân Đồn) có 90% là người dân tộc Sán Dìu, nằm cách khá xa trung tâm huyện và một thời hộ nghèo trong xã chiếm đa số. Thế nhưng dù trong hoàn cảnh nào, thì người dân xã Bình Dân cũng đã biết bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương một cách tốt nhất.
Ngày nay đời sống của người dân xã Bình Dân đã được nâng cao hơn nhiều, hộ nghèo trong xã chỉ còn 2,45%. Từ năm 2016, xã đã thành lập được CLB hát soọng cô (hình thức hát giao duyên của người Sán Dìu). CLB có 23 thành viên, trong đó có 4 Nghệ nhân Dân gian Việt Nam là các ông, bà: Tô Thị Tạ, Trương Thị Choong, Trương Thị Chúc, Tô Văn Quảng. Các nghệ nhân rất tích cực truyền dạy lại cho thế hệ sau những làn điệu soọng cô.
Nghệ nhân Dân gian Việt Nam Tô Thị Tạ cho biết: Trong hoàn cảnh nào, các làn điệu soọng cô vẫn được chúng tôi lưu truyền hát với nhau. Rất may là những năm gần đây, đã có nhiều thành viên trẻ tham gia hát cùng với lớp người cao tuổi như chúng tôi. Đó là điều vui mừng để soọng cô - giá trị văn hóa của cha ông để lại sẽ không bị thất truyền và có xu hướng phát triển hơn.
Soọng cô chứa chất tâm tư tình cảm ước muốn của người Sán Dìu trong đời sống. Các cuộc hát soọng cô góp phần giữ gìn văn hóa dân tộc người Sán Dìu. Không chỉ nói về tình yêu đôi lứa, nội dung của soọng cô đã dần mở rộng, phong phú đề cập đến nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội của người Sán Dìu như: Tình yêu thiên nhiên, quê hương, yêu lao động, phê phán cái xấu...
Ngày 26/6/2020, UBND huyện Vân Đồn đã ban hành Quyết định số 2427/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc Sán Dìu huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2022”. Đề án được nhân dân hưởng ứng tích cực và huyện Vân Đồn đã triển khai với các nội dung cụ thể. Về văn hóa vật thể: Khôi phục miếu thờ Thành hoàng làng, bảo tồn nhà văn hóa dân tộc, bảo tồn trang phục, văn hóa ẩm thực truyền thống và bảo tồn cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao mà chỉ có ở vùng đồng bào dân tộc Sán Dìu sinh sống. Về văn hóa phi vật thể bao gồm: Bảo tồn các làn điệu soọng cô, trò chơi dân gian, ngữ văn dân gian và tiếng nói, chữ viết, nghề thủ công truyền thống, lễ cấp sắc, dân ca, dân vũ và lễ hội Đại phan.
Huyện Vân Đồn đã xây dựng Trung tâm Văn hóa xã kết hợp với Nhà truyền thống dân tộc Sán Dìu tại xã Bình Dân, với tổng mức đầu tư gần 10 tỷ đồng và đã đi vào hoạt động đầu năm 2021. Cuối tháng 11 vừa qua, Ngày hội Văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Sán Dìu huyện Vân Đồn năm 2021 được tổ chức tại xã Bình Dân. Đây là hoạt động lớn nhất kể từ khi Trung tâm văn hóa được khánh thành với các hoạt động diễn xướng hát soọng cô, múa hành quang, lễ leo dao, lễ lội than và một số trò chơi dân gian… Lễ hội nhằm duy trì khôi phục các nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán đặc sắc của cộng đồng dân tộc Sán Dìu trên địa bàn huyện. Từ đó, góp phần bảo tồn, giữ gìn, tôn vinh các giá trị văn hoá truyền thống tiêu biểu, giúp người dân tìm hiểu thêm về giá trị lịch sử của cộng đồng người Sán Dìu, nâng cao tình đoàn kết các dân tộc trên địa bàn huyện. Cái hay của lễ hội là đã có sự vào cuộc của hầu hết các nghệ nhân trong xã, chứng minh văn hóa của người Sán Dìu đã được phát huy một cách tốt nhất.
Công Thành
Liên kết website
Ý kiến ()