Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 01:31 (GMT +7)
Xây dựng Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại từ những nghị quyết chất lượng, hiệu quả
Thứ 7, 22/05/2021 | 06:37:52 [GMT +7] A A
Trong nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành 219 nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp, quy hoạch, cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh với tư duy hoạch định chính khoa học, sát với tình hình thực tiễn trên cơ sở tiếp tục kế thừa, phát triển tư tuy, tầm nhìn, phương thức phát triển của nhiệm kỳ trước. Đây chính là căn cứ pháp lý quan trọng cho các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp phát huy tính chủ động, tiềm năng, thế mạnh, nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức triển khai đồng bộ đưa kinh tế - xã hội của tỉnh đạt nhiều thành quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ
5 năm qua, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thể hiện trách nhiệm cao trước Đảng bộ và cử tri, nhân dân, kịp thời cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Tỉnh ủy thành 329 nghị quyết. Trong đó có 219 nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp, quy hoạch, cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh. Các quyết sách này đều xuất phát từ thực tiễn Quảng Ninh để vận dụng sáng tạo, định hình tư duy phát triển, thể hiện tinh thần đổi mới đột phá, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung và lợi ích Nhân dân.
Đồng chí Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đánh giá: 2016-2021 là nhiệm kỳ rất thành công của HĐND tỉnh. Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ninh với nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, đặc biệt là đưa ra nhiều quyết sách quan trọng phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhanh, bền vững.
Điều này có thế thấy rõ trong hoạt động của HĐND tỉnh trong những năm qua. Để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm hàng năm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh đã cụ thể hóa thành các nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và ban hành đồng bộ các nghị quyết thu - chi ngân sách nhà nước, phân cấp nhiệm vụ chi, kế hoạch đầu tư trung hạn, quy hoạch, kế hoạch quản lý đô thị, đất đai, tài nguyên… sát với tình hình của tỉnh. Hầu hết các Nghị quyết đều xác lập tầm nhìn dài hạn trong tính liên thông thể hiện trong các kế hoạch trung hạn, ngắn hạn và hằng năm của tỉnh gắn với xây dựng quy hoạch đồng bộ. Từ đó, làm cơ sở thực hiện mục tiêu: Xây dựng, phát triển Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, một trong những cực tăng trưởng của phía Bắc; trở thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế.
Đặc biệt, các Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội đều xem xây dựng Quy hoạch tổng thể và cải cách hành chính là nền tảng phát triển bền vững; là công cụ quản lý của Nhà nước; là phương tiện giám sát của nhân dân; là niềm tin lựa chọn đầu tư của nhà đầu tư và doanh nghiệp; công khai, minh bạch Quy hoạch làm căn cứ thực hiện và Nhân dân giám sát, xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ. Điển hình là các nghị quyết như về chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2019 - 2021, nghị quyết điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu Móng Cái, Quy hoạch xây dựng Khu Kinh tế ven biển Quảng Yên đến năm 2040; Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016 - 2020, Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản phân tán nhỏ; Quy hoạch 03 loại rừng, Quy hoạch tài nguyên nước cùng các quy hoạch ngành, lĩnh vực quan trọng như phát triển tổng thể giao thông - vận tải, phát triển thương mại, giáo dục nghề nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Nghị quyết số 80/NQ-HĐND về một số biện pháp nhằm tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh…
Các Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội do HĐND tỉnh Quảng Ninh ban hành đều đảm bảo tính đồng bộ, gắn kết với tổ chức không gian phát triển đã được xác định "Một tâm - Hai tuyến - Đa chiều" với hai mũi đột phá là Khu kinh tế Vân Đồn và Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái; Khu kinh tế ven biển Quảng Yên là hạt nhân, động lực tăng trưởng mới của tuyến phía Tây và 7 quy hoạch chiến lược đã ban hành. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, trở thành các chỉ dẫn quan trọng trong thu hút các nguồn lực đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược. Đồng thời, tạo nguồn lực đất đai triển khai các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế. Đây cũng là những cơ sở quan trọng để cơ bản chấm dứt tình trạng khai thác, vận chuyển và chế biến kinh doanh than trái phép; kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động khai thác đá, sét, cát, nạo vét luồng lạch; thực hiện lộ trình dừng hoạt động các mỏ khai thác cát, đá, sét theo quy hoạch; quản lý và bảo vệ tài nguyên nước, bảo đảm an ninh nguồn nước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Kết tinh của trí tuệ, tư duy đổi mới
Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021, Thường trực HĐND tỉnh đã chủ động ban hành quy trình chuẩn bị và tổ chức kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh. Trong đó quy định rõ dự kiến chương trình xây dựng Nghị quyết hàng năm của HĐND tỉnh, công tác chuẩn bị và thẩm tra dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh để làm căn cứ tổ chức triển khai thực hiện. Chương trình xây dựng nghị quyết hàng năm của HĐND tỉnh được xây dựng căn cứ vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tình hình kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương, bảo đảm thực hiện các văn bản của cấp trên, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của công dân.
Đồng chí Châu Hoài Thu, Đại biểu HĐND tỉnh Quảng Ninh, khẳng định: Trong suốt quá trình hoạt động của mình, HĐND tỉnh khoá XIII, nhiệm kỳ 2016-2021, đã ban hành được rất nhiều quyết sách có ý nghĩa quan trọng, tạo dựng cơ sở vững chắc, xây thế và lực thúc đẩy Quảng Ninh vượt qua những khó khăn, thử thách, bứt phá phát triển, đạt được nhiều thành tựu trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Từ đó, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra. Các đại biểu HĐND đã luôn chú ý lắng nghe, ghi nhận các ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của công dân; đầu tư công sức, trí tuệ, sâu sát tìm hiểu ngọn ngành mọi vấn đề; nêu cao vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân.
HĐND tỉnh đã chú trọng ban hành các nghị quyết nhằm đổi mới cơ chế, chính sách, kịp thời có biện pháp để khai thông các điểm nghẽn, huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực với phương châm nội lực là căn bản, ngoại lực là quan trọng, kết hợp chặt chẽ nội lực với ngoại lực tạo ra nguồn lực tổng hợp tối ưu. Cùng với đó là nâng cao hiệu quả đầu tư theo hình thức đối tác công - tư và xã hội hoá; ngân sách tập trung chi cho an sinh xã hội và các công trình có tính chất động lực lan tỏa.
Chất lượng các nghị quyết được ban hành ngày càng nâng lên bảo đảm đúng thẩm quyền, hình thức, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, kịp thời thể chế hóa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Thường trực HĐND tỉnh đã bám sát quy trình, thủ tục xây dựng và ban hành các nghị quyết để chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện ngày càng chặt chẽ, đúng quy định của Luật. Quá trình xây dựng nghị quyết, thông qua nhiều hình thức, HĐND tỉnh luôn coi trọng việc lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân. Đặc biệt là Thường trực HĐND tỉnh và các Ban HĐND tỉnh đã phối hợp với UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh lựa chọn một số nội dung nghị quyết chuẩn bị ban hành có tác động trực tiếp đến lợi ích hợp pháp của đông đảo nhân dân trong tỉnh để tổ chức tham vấn, khảo sát ý kiến Nhân dân trước khi trình ra kỳ họp HĐND tỉnh.
Nhiều nghị quyết quan trọng được xây dựng, ban hành theo hướng tăng cường phân cấp và gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền trong công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, thu ngân sách. Đồng thời, quy định rõ phạm vi, trách nhiệm đối với nhiệm vụ chi đầu tư phát triển của từng cấp ngân sách; tạo thế chủ động của cấp chính quyền địa phương trong công tác quản lý, điều hành ngân sách, tăng khả năng tự cân đối, giảm dần cơ chế xin - cho, tiếp tục tục tái cơ cấu gắn với nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển. Từ đó, giúp tỉnh tập trung nguồn lực thực hiện hoàn thành nhiều dự án lớn, có tính chất động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tăng trưởng của tỉnh, như: Nghị quyết số 16/2016/NQ-HĐND về phân cấp nhiệm vụ chi đầu tư phát triển giữa ngân sách tỉnh và ngân sách cấp huyện; nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển trong cân đối từ ngân sách cấp tỉnh cho cấp huyện giai đoạn 2017-2020; Nghị quyết số 38/2016/NQ-HĐND quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương; định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương tỉnh Quảng Ninh thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020; các nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách tỉnh giai đoạn 2016-2020…
Cùng với đó, HĐND tỉnh cũng tạo các cơ chế huy động nguồn lực theo hình thức đối tác công - tư (PPP), với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” trở thành giải pháp đột phá để huy động được nguồn lực lớn từ các thành phần kinh tế đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Từ đó, nhiều dự án động lực thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế được đầu tư, đưa vào sử dụng như: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cầu Cửa Lục 1, cửa Lục 3… Hạ tầng giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, văn hoá, thể thao… có nhiều cải thiện. Kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là thành phố Hạ Long, Cẩm Phả được chỉnh trang đồng bộ, văn minh, hiện đại, sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn, hướng tới mô hình đô thị thông minh.
Sau khi ban hành nghị quyết, HĐND tỉnh giao trách nhiệm cho Thường trực HĐND và các Ban HĐND tăng cường giám sát, nắm bắt thông tin kịp thời phát hiện những bất cập trong quá trình triển khai thực hiện. Chú trọng thông tin phản hồi của các cơ quan, cá nhân, tổ chức chịu tác động, để kịp thời chỉ đạo đôn đốc, điều chỉnh bổ sung hoặc bãi bỏ các quy định chưa phù hợp, bảo đảm các nghị quyết chuyên đề của HĐND phát huy tác dụng tích cực. Tổ chức giám sát, rà soát các nội dung đã ban hành NQ nhưng không còn phù hợp với tình hình hình thực tế, chủ động yêu cầu UBND tỉnh bổ sung sửa đổi hay xây dựng chính sách mới trình HĐND hoặc kiến nghị HĐND điều chỉnh nội dung nghị quyết đảm bảo phát huy hiệu quả thiết thực.
Các nghị quyết do HĐND tỉnh ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp, các ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao so với bình quân chung của cả nước, bình quân 5 năm tăng 10,77%. Đến năm 2020, quy mô nền kinh tế tăng nhanh, đạt 220.298 tỷ đồng, tăng gấp 1,93 lần so với năm 2015; tổng thu ngân sách nhà nước 5 năm đạt hơn 212.548 tỷ đồng, tăng 33% so với giai đoạn 2011-2015…
Bảo Bình
Liên kết website
Ý kiến ()