Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 01:25 (GMT +7)
“Xây dựng tốt Nghị quyết là tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy lãnh đạo các cấp”
Thứ 5, 01/11/2012 | 06:18:07 [GMT +7] A A
Ngày 29-10, Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận tổ cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Bến Tre, Hải Dương và Khánh Hoà Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Tại buổi thảo luận các ĐB tập trung vào 6 vấn đề: Thẩm quyền và phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm; căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm; thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm; quy trình lấy phiếu tín nhiệm; quy trình bỏ phiếu tín nhiệm; xử lý kết quả việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
Đại biểu Trần Xuân Hoà phát biểu tại buổi thảo luận tổ. |
Thực hiện sự phân công của Đoàn ĐBQH tỉnh, ĐB Trần Văn Minh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia ý kiến: Việc xây dựng Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn là cần thiết và phù hợp với Hiến pháp năm 1992, Nghị quyết T.Ư 4 (khoá XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy lãnh đạo các cấp từ T.Ư đến địa phương. ĐB Trần Văn Minh đặc biệt quan tâm đến thẩm quyền và phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm. ĐB Trần Văn Minh cho rằng, nội dung này được đề xuất trong Dự thảo Nghị quyết là đúng về nguyên tắc, cá nhân tham gia tổ chức thì tổ chức có quyền lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá cán bộ, bỏ phiếu tín nhiệm để sử dụng cán bộ. Tuy nhiên, tỷ lệ ĐB kiêm nhiệm hiện nay là lớn. Và ĐB kiêm nhiệm còn thực hiện nhiệm vụ khác do Đảng, Nhà nước giao, nên khi được đánh giá cùng với ĐB khác thì có khó khăn, thiếu bình đẳng và công bằng. Do vậy, ĐB Trần Văn Minh đề nghị: Giai đoạn trước mắt nên thực hiện với đối tượng: Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Uỷ ban của Quốc hội, các thành viên khác của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Toà án NDTC; Viện trưởng Viện KSNDTC; Tổng Kiểm toán Nhà nước (tổng số là 49 người). HĐND lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch, uỷ viên thường trực HĐND, trưởng các ban của HĐND; Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các uỷ viên của UBND. Về lâu dài, cần lấy phiếu tín nhiệm hết các chức danh theo như dự thảo Nghị quyết đồng bộ với việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách, có như vậy mới nâng cao được hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và HĐND.
Cùng đóng góp vào dự thảo, ĐB Trần Xuân Hoà cho rằng: Thời gian đầu nên hạn chế đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm như ý kiến của nhiều ĐBQH, sau này khi đại biểu chuyên trách tăng lên và đã có thời gian rút kinh nghiệm thì sẽ làm đầy đủ như dự thảo. Đồng thời, ĐB Trần Xuân Hoà cũng đề nghị thay mức độ đánh giá tín nhiệm “chưa có ý kiến” bằng “không tín nhiệm”. Theo ĐB Trần Xuân Hoà thì mức độ đánh giá gồm: Tín nhiệm cao, tín nhiệm trung bình, tín nhiệm thấp và không tín nhiệm. Hàng năm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm với 4 mức độ và sẽ có 2 trường hợp đề nghị không phải lấy phiếu tín nhiệm nữa mà thực hiện luôn quy trình miễn nhiệm: Là những người quá 50% phiếu đánh giá không tín nhiệm và quá 2/3 là tín nhiệm thấp. ĐB Trần Xuân Hoà khẳng định, nếu làm như vậy, sẽ thu gọn được quy trình và phòng ngừa được việc nảy sinh kẽ hở cho sự tiêu cực.
Xuân Ninh - Quang Minh
Liên kết website
Ý kiến ()