Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:53 (GMT +7)
Xây dựng văn hóa đọc trong bối cảnh hội nhập và phát triển
Thứ 4, 20/04/2022 | 10:40:10 [GMT +7] A A
Sự phát triển như vũ bão của các phương tiện truyền thông đại chúng và các tiện ích xã hội như facebook, youtube, instagram… là một trong những nguyên nhân khiến cho người đọc, đặc biệt là giới trẻ ít hứng thú với việc đọc sách. Qua đó, gây khó khăn, thách thức cho sự phát triển của văn hóa đọc. Giải bài toán này, thời gian qua, các cấp, các ngành, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều cách làm, hoạt động thiết thực, để khuyến khích, tạo điều kiện cho văn hóa đọc tiếp tục phát triển, phát huy tối đa vai trò của thư viện, dần hình thành phong trào đọc sách, văn hóa đọc ngay trong nhà trường.
Để khơi dậy niềm hứng thú, niềm yêu thích đọc sách cho các bé ngay khi mới ở độ tuổi mầm non, Trường Mầm non Hạ Long (TP Hạ Long) đã chỉ đạo giáo viên sắp xếp, bố trí, xây dựng các góc học tập, trong đó có góc thư viện ngay tại lớp học.
Tại đây, các loại truyện, tranh ảnh được các cô chọn lọc rất đa dạng, phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Nhà trường cũng đã xây dựng phòng thư viện để hàng ngày sau các giờ học, giờ chơi cô và trẻ lại được thư giãn đọc sách, làm quen với sách, trẻ được cô giáo đọc truyện cho nghe để phát triển tư duy, trí tuệ.
Cô giáo Phạm Minh Huệ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hạ Long cho biết: Cơ sở vật chất được quan tâm, đầu tư đồng bộ, hiện đại, khang trang, rộng rãi là một trong những cơ sở quan trọng để nhà trường nâng cao việc chăm sóc, giáo dục trẻ. Các góc thư viện được nhà trường bố trí ở tất cả các khối lớp. Chúng tôi đã chỉ đạo giáo viên trang trí thật sinh động khuôn viên lớp học, tạo dựng không gian thoải mái, thoáng đãng, đặc biệt là góc thư viện để trẻ hứng thú với việc đọc sách, truyện và thích được đến trường. Bên cạnh đó, Trường cũng dành kinh phí và huy động ủng hộ từ nhiều nguồn khác nhau để thường xuyên bổ sung những đầu sách, truyện mới phục vụ nhu cầu đọc của trẻ và giáo viên.
Việc xây dựng, phát triển văn hóa đọc trong các nhà trường đã được duy trì, thực hiện từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, hoạt động này mới được chú trọng hơn, thực hiện nền nếp, bài bản hơn. Hệ thống thư viện, góc thư viện trong các nhà trường được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị nên khang trang, rộng rãi, tạo hứng thú hơn cho học sinh, sinh viên, trẻ mầm non.
Từ 2017-2019, Sở GD&ĐT đã đầu tư, cải tạo, nâng cấp 60 thư viện trong toàn tỉnh, góp phần hiện đại hóa các thư viện trường học, phát triển văn hóa đọc trong học sinh.
Bên cạnh đó, việc phát triển văn hóa đọc tại cộng đồng cũng được tỉnh Quảng Ninh quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi. Theo đó, toàn tỉnh hiện có Thư viện tỉnh, 13 thư viện cấp huyện, 177 thư viện, tủ sách xã, phường, thị trấn đang hoạt động khá hiệu quả, thu hút được nhiều bạn đọc.
Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Phạm Văn Triển cho biết: Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, cùng với việc duy trì và nâng cao chất lượng dịch vụ truyền thống, Thư viện tỉnh tập trung đổi mới, đa dạng hóa các phương thức phục vụ bạn đọc như: Chủ động tiếp cận bạn đọc từ xa, cung cấp thông tin, tư vấn hướng dẫn bạn đọc sử dụng thư viện số trên website, fanpage thư viện, thiết lập kênh youtube của Thư viện với đa dạng hóa các nội dung dành cho nhiều đối tượng bạn đọc. Đồng thời, tăng cường tổ chức các hoạt động, sự kiện, triển lãm trực tuyến, các cuộc thi online về sách.
Đặc biệt, hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam (21/4), hằng năm, các cấp, các ngành cũng triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Năm nay, Trường Đại học Hạ Long vừa phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở GD&ĐT, tổ chức lễ khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2022, phát động Cuộc thi “Tìm hiểu về những cuốn sách viết về tỉnh Quảng Ninh” vào ngày 15/4.
Hoạt động này góp phần khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; xây dựng và phát triển phong trào đọc sách.
Tin rằng, trong bối cảnh hội nhập, với nhiều giải pháp thiết thực, văn hóa đọc sẽ tiếp tục được phát triển mạnh mẽ trong mọi tầng lớp nhân dân. Học sinh, sinh viên và trẻ em sẽ được hình thành ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Qua đó, giúp các em tích lũy thêm tri thức, vốn sống, hiểu biết khi bước ra ngoài cuộc sống.
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()