Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 08:15 (GMT +7)
Xây dựng vùng sản xuất nông, lâm, thủy sản an toàn
Thứ 5, 22/12/2022 | 11:15:12 [GMT +7] A A
Trước tình hình ngộ độc thực phẩm diễn biến phức tạp trong cả nước, vấn đề về xây dựng các vùng thực phẩm an toàn càng trở nên bức thiết hơn. Với Quảng Ninh, trong nhiều năm qua, công tác này đã được chú trọng.
Đầu tháng 12 vừa qua, Quảng Ninh được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) phê duyệt thêm 16 vùng trồng ở huyện Hải Hà, Đầm Hà và TX Quảng Yên đáp ứng tiêu chuẩn cơ sở về quy trình thiết lập và giám sát vùng trồng, đủ điều kiện cấp mã số sẵn sàng xuất khẩu. Qua đó, đến thời điểm này, Quảng Ninh đã có 41 vùng trồng; 5 cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu. Đây là tin vui với người dân huyện Đầm Hà và Hải Hà, bởi qua đó người dân yên tâm hơn khi sử dụng các sản phẩm nông nghiệp sản xuất trên địa bàn.
Bà Nguyễn Thị Hường, phố Hoàng Hoa Thám, thị trấn Quảng Hà (Hải Hà) cho biết: Rau Hải Hà luôn được người dân ưa chuộng bởi độ mềm, giòn, thơm, ngon. Tuy nhiên, khi sử dụng, bà con vẫn chưa yên tâm bởi sợ rau không đảm bảo an toàn. Giờ đây có tới 2 tổ hợp tác được phê duyệt vùng trồng đủ điều kiện cấp mã số sẵn sàng xuất khẩu cho thấy độ an toàn của rau cung cấp ra thị trường, bà con rất mừng.
Ông Vũ Văn Dũng, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ và Sản xuất rau an toàn Trung Thái (thôn 1, xã Quảng Chính, Hải Hà) cho biết: HTX có 20 hộ tham gia sản xuất rau an toàn với khoảng 3ha. Để đảm bảo quy trình sản xuất rau tiêu chuẩn, HTX thành lập cả đội kỹ thuật để giám sát. Hiện rau của đơn vị chủ yếu cung cấp cho KCN Texhong Hải Hà, KCN Ngân Long (Móng Cái) và chủ một số quầy rau tại các chợ trên địa bàn Hải Hà.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Hải Hà, cả 9 vùng được phê duyệt vùng trồng đủ điều kiện cấp mã số sẵn sàng xuất khẩu gồm các vùng trồng (mía, rau, trà hoa vàng, chè, lúa) đều được giám sát quy trình chặt chẽ, đảm bảo độ an toàn của sản phẩm khi cung cấp ra thị trường.
Không chỉ với Hải Hà mà xây dựng các vùng sản xuất thực phẩm an toàn luôn được các địa phương quan tâm. Hiện trên địa bàn tỉnh đang duy trì 1.069,98ha vùng trồng trọt được chứng nhận VietGAP, 45ha đất trồng trọt hữu cơ được chứng nhận nông nghiệp hữu cơ cho 162 tấn rươi - lúa hữu cơ, 420 cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (GMP, SSOP, HACCP...), 25 vùng trồng cây ăn quả, 5 cơ sở đóng gói quả tươi, 15 công ty xuất khẩu thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Trên địa bàn còn duy trì 16 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận với 59 loại sản phẩm.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong quảng bá sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn, năm 2022, tỉnh đã tổ chức hội nghị kết nối sản xuất, cung ứng với tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn tại Quảng Ninh, trong đó có 50 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất và kinh doanh với trên 100 sản phẩm trong toàn tỉnh tham gia. Các cơ sở đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc và bàn giải pháp đưa sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn vào tiêu thụ tại các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể…
Nhờ đó, đã có 8 cơ sở sản xuất và kinh doanh ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa doanh nghiệp, HTX sản xuất với đơn vị tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra còn nhiều chương trình làm việc, chương trình hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông sản an toàn được triển khai trong và ngoài tỉnh.
Cùng với đó, Quảng Ninh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý ATTP; bổ sung, cập nhật thông tin vào Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh; đồng thời thu thập, số hóa cập nhật dữ liệu liên quan đến cơ sở sản xuất, kinh doanh và sản phẩm nông, lâm, thủy sản đăng tải lên hệ thống. Đến nay, Sở NN&PTNT đã hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý cho 72 cơ sở là các doanh nghiệp, HTX, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Sở cũng đã cấp được 532 bộ mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn; in, cấp phát 18.000 tem QR code cung cấp cho các đơn vị. Các doanh nghiệp đầu tư in ấn 107.936 tem truy xuất các loại.
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT cùng các địa phương tăng cường giám sát chất lượng, ATTP nông, lâm, thủy sản, vật tư nông nghiệp. Trong năm 2022, ngành đã lấy 876 mẫu giám sát, qua đó 807 mẫu có kết quả, gồm 802 mẫu đạt yêu cầu và 5 mẫu vi phạm. Đến nay, trên địa bàn cũng đã có 997 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; 26.510 cơ sở ký cam kết sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn, đạt 93,6%.
Việc tăng cường xây dựng các vùng sản xuất nông, lâm, thủy sản an toàn đã góp phần mở rộng thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp mà bà con trên địa bàn sản xuất; đồng thời vừa đảm bảo tốt sức khỏe, an toàn cho người tiêu dùng.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()