Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:42 (GMT +7)
Xây dựng xã hội số thành trụ cột vững chắc
Thứ 6, 17/02/2023 | 14:01:26 [GMT +7] A A
Xã hội số là một trong 3 trụ cột của chương trình chuyển đổi số của Quảng Ninh. Thời gian qua các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh đã nỗ lực thực hiện đồng bộ những biện pháp để thúc đẩy hoạt động xây dựng xã hội số; chú trọng đầu tư hạ tầng thông tin, xây dựng, phát triển các dịch vụ số; khuyến khích người dân đầu tư, trang bị, sử dụng máy tính, điện thoại thông minh kết nối mạng Internet và truy cập, sử dụng các ứng dụng, dịch vụ số.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thư (phường Hồng Hải, TP Hạ Long) đến khám bệnh định kỳ tại Bệnh viện Bãi Cháy. Trong quá trình khám bệnh, với các chi phí phát sinh ngoài chi phí do BHYT chi trả, chị Thư có thể thanh toán ngay tại phòng khám mà không cần đến điểm thanh toán của bệnh viện. Chị Thư chia sẻ: Với hình thức quét mã QR thanh toán trực tiếp tại phòng khám, tôi không phải đi lại, chờ đợi như trước. Quá trình khám bệnh cũng nhanh chóng, nên tôi không tốn nhiều thời gian khi đi khám bệnh.
Được triển khai từ năm 2022, thanh toán qua mã QR động không dùng tiền mặt được thực hiện đầu tiên tại Bệnh viện Bãi Cháy đã giúp quy trình thanh toán đơn giản, nhanh gọn, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, hướng đến sự hài lòng của người dân. Đồng thời, giúp bệnh viện dễ dàng kiểm soát nguồn thu viện phí, giảm áp lực cho nhân viên thu phí vào những thời điểm bệnh nhân tập trung đông. Để triển khai hiệu quả hình thức thanh toán mới này, Bệnh viện Bãi Cháy đã đầu tư hạ tầng công nghệ, máy móc trang thiết bị, kết nối hệ thống phần mềm với ngân hàng, đảm bảo an toàn thông tin cho người bệnh.
Ngoài hình thức thanh toán bằng QR động, các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt khác cũng được áp dụng tại 100% bệnh viện, trung tâm y tế từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện của Quảng Ninh. Bên cạnh đó, ngành y tế triển khai thí điểm khám, chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp điện tử thay cho thẻ BHYT. Toàn ngành đã thực hiện khởi tạo, cập nhật dữ liệu ban đầu cho 1.384.760 người dân trên phần mềm Hồ sơ sức khỏe điện tử tỉnh Quảng Ninh.
Toàn tỉnh hiện có 1,6 triệu tài khoản thanh toán ngân hàng đang hoạt động; trong đó có 65,1% tài khoản thanh toán điện tử. Qua các kênh thanh toán điện tử, 100% bệnh viện, trung tâm y tế; trung tâm hành chính công, trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chấp nhận sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt. 85,75% số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thanh toán điện tử tiền điện; 77,7% doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình thanh toán điện tử tiền nước; 98,4% số thu NSNN (thuế, phí, lệ phí...) thực hiện thanh toán điện tử.
Quảng Ninh cũng tích cực triển khai thử nghiệm chợ 4.0. Toàn tỉnh đã thiết lập được 1.020 điểm thanh toán không dùng tiền mặt và hỗ trợ khoảng 1.000 hộ tiểu thương đã có tài khoản. Triển khai thanh toán không dùng tiền mặt đã đạt được kết quả quan trọng, giúp người dân, du khách, doanh nghiệp thuận tiện trong việc giao dịch, thanh toán.
Đặc biệt, với tỷ lệ cao người dân sử dụng thiết bị di động thông minh kết nối Internet nên các tiện ích như: Thanh toán không dùng tiền mặt, đi chợ online, tra cứu, hay nộp hồ sơ điện tử… được người dân dễ dàng sử dụng. Quảng Ninh hiện đã phủ sóng di động đạt 100% khu vực dân cư trên địa bàn tỉnh. Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 1,4 triệu thuê bao di động sử dụng thiết bị thông minh trong tổng số 1,8 triệu thuê bao di động. Tỷ lệ dân số trưởng thành sử dụng thiết bị di động thông minh là 88%; 100% xã trên địa bàn tỉnh đã có Internet cáp quang; 79,80% hộ gia đình kết nối Internet cáp quang.
Với các giải pháp hiệu quả được triển khai thời gian đã góp phần quan trọng hoàn thành mục tiêu về phát triển xã hội số mà Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 5/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đề ra. Đó là: 100% các hội gia đình được sử dụng dịch vụ internet băng rộng, 95% hộ gia đình có internet cáp quang; 100% người dân trong độ tuổi lao động sử dụng điện thoại thông minh, 100% người dân có định danh số và mỗi gia đình có địa chỉ số; 100% các trường học trên địa bàn tỉnh (từ cáp học phổ thông đến đại học, cao đẳng, cơ sở dạy nghề) có nội dung chuyển đổi số trong chương trình giảng dạy, đào tạo; 100% học sinh các cấp có hồ sơ, học bạ điện tử, sổ liên lạc điện tử; triển khai tuyển sinh trực tuyến đầu cấp dựa trên dữ liệu số; 100% người dân được chăm sóc sức khỏe trên nền trảng y tế số; tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử đạt 95%.
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()