Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:03 (GMT +7)
Xe hỏng ban đêm trên đường cao tốc, phải làm gì?
Thứ 4, 13/03/2024 | 07:44:05 [GMT +7] A A
Theo giảng viên dạy lái xe, trong trường hợp xe hỏng vào ban đêm trên đường cao tốc, tài xế phải bật đèn cảnh báo, tìm cách đưa xe đỗ sát mép đường phía bên phải và đặt báo hiệu khẩn cấp phía đuôi xe tối thiểu 200m.
Sau vụ tai nạn giữa xe khách giường nằm và xe tải trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn tối 10-3 khiến hai người tử vong, Ban An toàn giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết đã có báo cáo gửi các bộ, ngành liên quan về nguyên nhân ban đầu của vụ tai nạn.
Tài xế xe tải vi phạm nghiêm trọng khi dừng xe trên cao tốc
Theo đó, nguyên nhân ban đầu được xác định lỗi do tài xế xe tải khi dừng xe trên đường cao tốc để thay lốp đã lấn chiếm một phần đường xe chạy, nhưng không đặt báo hiệu nguy hiểm. Lái xe khách cũng có trách nhiệm khi đã thiếu quan sát, không làm chủ được tốc độ nên va quệt vào đuôi xe tải gây tai nạn.
Theo thạc sĩ Nguyễn Xuân Trung, giảng viên dạy và chuyên nghiên cứu về đào tạo và sát hạch lái xe của Trường cao đẳng Huế, trong vụ việc, tài xế xe tải đã vi phạm nghiêm trọng luật giao thông.
Ông Trung nói rằng theo khoản 3 điều 18 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về vị trí dừng, đỗ xe như sau: Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy.
Trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình.
"Như vậy, khi xe bị hỏng thì phải tìm cách đưa vào một trong các vị trí trên để đỗ. Tuy nhiên, nếu xe bị hỏng ở lòng đường hay chiếm một phần đường xe chạy mà người lái xe không có cách gì di chuyển được thì là trường hợp bất khả kháng.
Trường hợp này tài xế phải đặt báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe", ông Trung nói.
Xe hỏng ban đêm trên cao tốc, phải làm gì?
Cũng theo ông Trung, trường hợp xe hỏng vào ban đêm buộc dừng ngay trên đường cao tốc cũng đã được hướng dẫn cụ thể trong cuốn Giáo trình kỹ thuật lái xe (NXB Giao thông vận tải, 2018, trang 89-90).
Cụ thể, khi xe gặp sự cố kỹ thuật trên đường cao tốc, tài xế cần bật tín hiệu đèn khẩn cấp, kiểm tra an toàn quanh xe, khi đủ điều kiện nhanh chóng đưa xe vào làn dừng đỗ khẩn cấp (lưu ý khi đi trên đường có nhiều làn đường thì chuyển dần từng làn một, không chuyển làn đột ngột), đặt báo hiệu khẩn cấp để cảnh báo cho các xe khác.
Khoảng cách báo hiệu khẩn cấp khi gặp sự cố tối thiểu là 100m vào ban ngày và 200m vào ban đêm. Biển báo hiệu nguy hiểm phải đặt phía sau đuôi xe với đường một chiều và đặt cả trước và sau xe với đường hai chiều.
Trong trường hợp ở vụ tai nạn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, ông Trung nói rằng tài xế xe tải buộc phải đặt cảnh báo cả trước và sau đuôi xe tối thiểu 200m trước khi hạ lốp dự phòng xuống để thay, bởi đây là đoạn đường hai chiều.
Theo ông Trung, các tài xế xe tải, xe container... hay chạy đường dài nên trang bị trên xe hai biển cảnh báo số W.247 "Chú ý xe đỗ" để dùng trong trường hợp khẩn cấp như trên.
"Hiện không có quy định cụ thể về "báo hiệu khẩn cấp", nên có thể hiểu là tài xế cần dùng bất cứ thứ gì có thể xoay xở được lúc đó để cảnh báo, như cành cây, cục đá, đèn pin, đốm lửa, điện thoại…", ông Trung nói.
Theo Tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()