Dữ liệu giám sát hành trình không được trích xuất ngay nên nhiều xe vi phạm tốc độ hàng trăm lần sau vài tháng mới bị thu hồi phù hiệu, cấm chạy.
Nói về biện pháp quản lý an toàn giao thông chưa hiệu quả tại hội nghị sơ kết mới đây, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng dẫn trường hợp doanh nghiệp vận tải Thành Bưởi có nhiều xe bị tước phù hiệu 246 lần trong 9 tháng. Ông cho rằng phải làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực hiện quy định an toàn giao thông và trách nhiệm của các cơ quan quản lý địa phương trong kiểm tra, xử lý vi phạm.
Cả nước hiện có gần một triệu ôtô đăng ký kinh doanh vận tải, trong đó có hơn 318.400 xe khách. Các xe này đều phải gắn thiết bị giám sát hành trình (GPS), truyền dữ liệu về hệ thống máy chủ của đơn vị cung cấp dịch vụ và trung tâm khai thác dữ liệu giám sát hành trình do Cục Đường bộ Việt Nam quản lý.
Tuy nhiên, theo Sở Giao thông Vận tải các địa phương, dữ liệu GPS không được trích xuất hàng ngày nên nhiều xe vi phạm tốc độ hàng trăm lần trong tháng không bị xử lý ngay mà thường sau vài tháng.
Đơn cử, tháng 8, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội mới ra quyết định thu hồi 1.665 phù hiệu, biển hiệu xe kinh doanh vận tải của các doanh nghiệp do vi phạm tốc độ trong tháng 5 và 6 thông qua trích xuất GPS. Trong số này, có nhiều xe vi phạm từ hàng trăm đến hơn một nghìn lần trong tháng và bị thông báo thu hồi phù hiệu.
Trong khi đó, Nghị định 10/2020 không quy định thời gian thu hồi phù hiệu, sau khi đơn vị vận tải tự khắc phục lỗi vi phạm thì các Sở Giao thông Vận tải vẫn cấp lại. Quy định này dẫn đến mỗi địa phương áp dụng mỗi kiểu, có nơi cấp lại ngay sau vài ngày, có nơi sau một tháng. Trường hợp nhà xe Thành Bưởi (TP HCM) có nhiều xe vi phạm tốc độ, song doanh nghiệp vẫn xin cấp lại phù hiệu và hoạt động bình thường.
Việc chậm thông báo xử lý phương tiện vi phạm ngoài ảnh hưởng công tác quản lý nhà nước, còn gây khó khăn cho doanh nghiệp vận tải.Ông Hoàng Minh, Giám đốc một doanh nghiệp logistics tại Hà Nội cho biết thường nhận được thông báo thu hồi phù hiệu phương tiện sau hơn 2 tháng, có khi lái xe đã nghỉ việc nên khó triệu tập để xử lý. Ngoài ra, thông báo thu hồi phù hiệu nhiều xe dồn về cùng thời điểm khiến doanh nghiệp không có xe hoạt động.
"Chúng tôi muốn được cảnh báo ngay về xe vi phạm tốc độ và có thông báo thu hồi phù hiệu với từng xe chỉ sau 1-2 tuần để kịp thời xử lý", ông Minh nói, thêm rằng doanh nghiệp đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để lắp thiết bị giám sát hành trình nhưng chưa hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam cũng đánh giá quy định thu hồi phù hiệu không có tính răn đe với doanh nghiệp có xe vi phạm tốc độ.
"Do không quy định thời gian nên doanh nghiệp có xe vi phạm hôm nay bị thu hồi phù hiệu, ngày mai xin cấp lại", ông Quyền nói, cho rằng đây là lỗ hổng quản lý cần khắc phục và đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam sớm nâng cấp tính năng cảnh báo xe vi phạm tức thì và trích xuất dữ liệu tự động sớm hơn.
Về nguyên nhân chậm tổng hợp dữ liệu xe kinh doanh vận tải vi phạm tốc độ, lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam) giải thích khối lượng dữ liệu truyền từ thiết bị giám sát hành trình hiện rất lớn. Với gần một triệu xe kinh doanh vận tải, tần suất truyền dữ liệu mỗi bản tin trung bình 10-20 giây, thậm chí nhiều phương tiện truyền với tần suất 5-10 giây, nên hệ thống máy chủ bị quá tải và chậm xử lý.
Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định 10, dữ liệu vi phạm tốc độ được tính theo tháng. Cuối tháng hệ thống mới trích xuất được toàn bộ dữ liệu hoạt động của phương tiện để làm căn cứ xử lý "nguội" xe vi phạm. Sở Giao thông Vận tải địa phương gửi thông báo thu hồi phù hiệu về các doanh nghiệp dựa trên các dữ liệu này cũng mất vài ngày.
Vị này cho rằng, giám sát xe chạy quá tốc độ không chỉ phụ thuộc cơ quan quản lý nhà nước. Theo quy định, các doanh nghiệp có trách nhiệm bố trí nhân sự giám sát an toàn giao thông, theo dõi hệ thống giám sát hành trình để cảnh báo lái xe vi phạm tốc độ. Tuy nhiên, hiện 80% doanh nghiệp vận tải quy mô nhỏ lẻ, dưới 5 xe, nên không có hoặc ít nhân sự theo dõi an toàn giao thông.
Để khắc phục tình trạng này, Cục Đường bộ Việt Nam lên kế hoạch nâng cấp hệ thống máy chủ trước năm 2025, với nhiều tính năng thông minh và nhanh hơn để hỗ trợ cơ quan quản lý thanh kiểm tra, xử phạt "nguội" kịp thời.
Cục đã đề nghị sửa đổi Nghị định 10, quy định cụ thể đơn vị kinh doanh vận tải phải nộp lại phù hiệu, biển hiệu trong thời hạn 15 ngày kể từ khi có quyết định xử phạt; Sở Giao thông Vận tải không cấp lại phù hiệu, biển hiệu bị thu hồi trong 30-60 ngày (tùy trường hợp).
Theo Nghị định 10, thiết bị giám sát hành trình được Cục Đường bộ Việt Nam ứng dụng để quản lý thông tin về xe như tốc độ, thời gian lưu thông, dừng đỗ trả khách. Thông qua thiết bị này, Cục phối hợp thanh tra, cảnh sát giao thông phát hiện hành vi vi phạm để kịp thời xử lý.
Dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình liên tục truyền về Cục Đường bộ Việt Nam nên mỗi khi tài xế đạp chân ga quá tốc độ đều được ghi nhận là một lần vi phạm. Trong một ngày, tài xế có thể vi phạm cả trăm lần. Căn cứ dữ liệu tốc độ được trích xuất hàng tháng, Sở Giao thông Vận tải các tỉnh thành sẽ ra quyết định tước phù hiệu, cấm chạy đối với xe vi phạm tốc độ từ 5 lần trở lên khi chạy trên 1.000 km trong một tháng.
Ý kiến ()