Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 03:58 (GMT +7)
Xôn xao vụ nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn bị kiện ra tòa
Chủ nhật, 10/03/2024 | 11:32:48 [GMT +7] A A
Nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn, người đoạt giải Nobel năm 2012 đã bị kiện ra tòa và bị đòi 1,5 tỷ Nhân dân tệ.
Mới đây, tài khoản weibo có 200.000 người follow “Mao Tinh Hỏa nói sự thật” đã đăng một bài viết cho biết đã đến tòa án Bắc Kinh để nộp đơn kiện nhà văn Mạc Ngôn và “Viện kiểm sát nói sẽ điều tra xác minh vấn đề của Mạc Ngôn”. Theo đơn kiện được tài khoản này đăng tải, nguyên đơn là Ngô Vạn Tranh (Wu Wanzheng) đã yêu cầu tòa án ra lệnh loại bỏ khỏi kệ những “cuốn sách có vấn đề” của bị đơn nhà văn Mạc Ngôn. Nguyên đơn liệt kê “mười tội lớn”, cáo buộc nhà văn đã “xâm hại các anh hùng liệt sĩ” thông qua những cuốn sách này, đồng thời yêu cầu ông phải “xin lỗi các anh hùng liệt sĩ…”, cuối cùng còn yêu cầu Mạc Ngôn bồi thường cho mỗi người dân Trung Quốc một Nhân dân tệ thiệt hại về danh dự, tổng cộng 1,5 tỷ NDT (5.250 tỷ VND).
Đơn kiện cũng đề cập rằng, phát biểu trong một chương trình truyền hình của Đài Loan, Mạc Ngôn nói rằng từ năm 1949 đến những năm 1980, khẩu hiệu “nhà văn nói thay nhân dân” ở Trung Quốc đại lục đã hủy hoại nhiều thế hệ nhà văn Trung Quốc; các nhà văn chỉ biết ca tụng, chỉ nói thay nhân dân, cá tính đã bị lãng quên.
Nguyên đơn Ngô Vạn Tranh chỉ ra rằng trong bài phát biểu khi nhận giải Nobel Văn học của Mạc Ngôn, ông đã mô tả Trung Quốc là “phần đen tối nhất của nhân loại” với “không có chân lý, không có sự thật và cả lẽ thường... Nguyên đơn cũng đề cập đến “Luật Bảo vệ các anh hùng liệt sĩ” do chính phủ Trung Quốc thực hiện từ năm 2018, trong đó quy định rằng những ai nói xấu hoặc báng bổ hành động và tinh thần của các liệt sĩ sẽ phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngô Vạn Tranh nói, để đạt được mục tiêu thắng kiện, ông ta đã gom được 7,5 triệu NDT chi phí pháp lý thông qua hoạt động huy động vốn từ cộng đồng và thậm chí còn sử dụng bỏ phiếu trực tuyến để chứng minh rằng hành động của mình đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Ngô Vạn Tranh tuyên bố, ông ta không đơn độc chiến đấu. Kết quả thăm dò do ông tiến hành qua mạng cho thấy, trong số 11 ngàn người tham gia, có hơn 9 ngàn người ủng hộ ông khởi kiện Mạc Ngôn, chỉ có khoảng 2 ngàn người phản đối, tỷ lệ ủng hộ và phản đối là 4,5/1.
Cơn sóng gió dư luận này đã lôi cuốn nhà phê bình nổi tiếng Quách Tùng Dân vào cuộc. Tuy ông ủng hộ lập trưởng của Ngô Vạn Tranh, nhưng cho rằng khởi tố không phải là cách giải quyết vấn đề tốt nhất, mà cần dân chúng tham gia thảo luận phê phán.
Cho đến nay, nhà văn Mạc Ngôn vẫn chưa phản hồi về vụ kiện trên các nền tảng mạng xã hội và các phương tiện truyền thông chính thức như Nhân dân Nhật báo hay Tân Hoa xã chưa thấy đưa tin, ngoại trừ các trang báo tin điện tử. Mạc Ngôn còn bị loại khỏi danh sách “Nhà văn Trung Quốc nổi tiếng thế kỷ”. Trên thực tế, những cuốn tiểu thuyết được đề cập gây tranh cãi nêu trên của Mạc Ngôn đều đã liên tiếp giành được nhiều giải thưởng, như: Giải thưởng Văn học tạp chí Đại gia, Giải thưởng Tiểu thuyết vừa Quốc gia lần thứ 4, Giải nhất Hồng Lâu Mộng lần thứ 2, Giải thưởng Văn học Hoa ngữ Newman lần thứ Nhất, Giải thưởng văn học Mau Thuẫn lần thứ 8, Giải Văn hóa Hí kịch Quốc gia và Giải Nobel Văn học năm 2012.
Khi Mạc Ngôn nhận bằng tiến sĩ danh dự của Đại học Mở Hồng Kông, ông đã nói rằng, văn học và nghệ thuật hoàn toàn không phải là công cụ để ca ngợi. Nói sự thật là một phẩm chất quý giá đối với một nhà văn. Ông nói: “Nhà văn không dám nói lên sự thật thì chắc chắn sẽ nói dối, điều đó sẽ vô nghĩa đối với xã hội và con người…”.
Vào tháng 6/2021, tờ báo chính thức “Quang Minh Nhật báo” của Trung Quốc đã đăng bài “Gene đỏ của văn học Trung Quốc” của Ngô Nghĩa Cần, Bí thư Ban Bí thư Hiệp hội Nhà văn Trung Quốc. Bài viết liệt kê hàng trăm nhà văn, tác phẩm kinh điển mang “gene đỏ” trong thế kỷ qua, bao gồm mấy chục tác phẩm của các nhà văn sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập năm 1949. Có lẽ do những lời tự bạch nêu trên của Mạc Ngôn nên cả ông và tác phẩm của ông đều không được đưa vào bài viết này.
Các cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc khi đó cũng đăng bài, cho rằng mọi tác phẩm nào “bôi nhọ Trung Quốc” đều là khuyết “gen đỏ” và cuối cùng sẽ bị “quét vào bãi rác lịch sử”.
Theo tư liệu công khai của Trung Quốc, nhà văn Mạc Ngôn (tên thật là Quản Mô Nghiệp) quê Cao Mật, Sơn Đông. Từ năm 1985, ông đã sáng tác một số tác phẩm độc đáo. Năm 2012, Mạc Ngôn được trao Giải Nobel Văn học “vì dùng chủ nghĩa hiện thực ảo giác tạo nên tác phẩm pha trộn giữa truyện dân gian, lịch sử và đương đại”.
Nhà văn Mạc Ngôn từng là Phó chủ tịch Hiệp hội Nhà văn Trung Quốc, giáo sư kiêm chức tại Đại học Sư phạm Hoa Đông và Đại học Sơn Đông, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Khoa học và Công nghệ Thanh Đảo, giáo sư kiêm chức Đại học Sán Đầu. Hiện ông là giáo sư Đại học Sư phạm Bắc Kinh. Năm 2009, Mạc Ngôn mở tài khoản trên Sina Weibo và hiện có hơn 4,33 triệu người follow. Tuy nhiên, bài đăng gần đây nhất của ông trên weibo là vào ngày 16/8/2023.
Theo Tiền phong
Liên kết website
Ý kiến ()