Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 07:02 (GMT +7)
Quảng Yên: Xử lý nghiêm lồng bè nuôi không đúng nơi quy định
Thứ 7, 08/01/2022 | 14:33:34 [GMT +7] A A
Thời gian gần đây, trên địa bàn TX Quảng Yên xuất hiện tình trạng nhiều ngư dân đã tự ý kéo lồng bè nuôi trồng thủy sản về khu vực sông Chanh, sông Rút để nuôi dưỡng. Tình trạng này kéo dài không chỉ gây ô nhiễm môi trường xung quanh mà còn cản trở, gây mất an toàn giao thông tuyến đường thủy.
TX Quảng Yên có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên ưu đãi phát triển nuôi trồng thủy hải sản, đặc biệt là nuôi bằng lồng bè. Hiện, trên địa bàn thị xã có trên 7.239ha nuôi trồng thủy sản. Riêng diện tích nuôi nhuyễn thể là 868ha, trong đó diện tích nuôi dưới dạng lồng bè là 843ha. Các đối tượng nuôi chính gồm: Hàu, hà, cá song... Tính riêng sản lượng nuôi nhuyễn thể (hàu, hà) trung bình mỗi năm đạt 40.000-50.000 tấn. Giá trị kinh tế đạt 80-100 tỷ đồng/năm. Nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè hiện đang tạo việc làm, thu nhập cho hàng trăm ngư dân địa phương. Tuy nhiên, hình thức nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè ngày càng phát sinh nhiều bất cập.
Theo những hộ nuôi trồng thủy sản lồng bè lâu năm, thời điểm từ tháng 12 hằng năm đến hết tháng 4 năm sau, các vị trí nuôi trồng thủy sản truyền thống như: Hoàng Tân, Tân An... thường có độ mặn nước biển cao hơn các khu vực sông Chanh, sông Rút. Để hàu, hà nuôi phát triển nhanh, không bị chết, ngư dân thường kéo lồng, bè về các khu vực có độ mặn thấp, vị trí địa lý và luồng lạch, vịnh kín gió. Vì vậy, vào mùa khô, thường có rất nhiều lồng bè kéo về khu vực sông Chanh, sông Rút để nuôi dưỡng.
Ghi nhận của phóng viên vào lúc 15 giờ ngày 3/1/2022, tại khu vực gần cầu sông Chanh hàng trăm bè, mảng nuôi hàu, hà được giăng kín dọc hai bờ sông. Được biết sông Chanh có chiều dài hơn 20km, lòng sông rộng trung bình từ 60-100m. Tuyến đường hàng hải này mỗi ngày có trên 100 phương tiện đường thủy giao thương qua lại, trong đó, có nhiều phương tiện lớn vận chuyển nguyên vật liệu qua lại giữa tỉnh Quảng Ninh với TP Hải Phòng và ngược lại. Theo quan sát của chúng tôi, tại sát gầm cầu sông Chanh một số vị trí lồng bè nằm ngổn ngang dưới mặt nước không theo hàng lối; có những bè, mảng lấn chiếm tới 1/3 bè mặt của lòng sông Chanh, gây cản trở đến giao thông đường thủy. Tình trạng này, còn diễn ra ở khu vực Sông Rút chạy qua địa bàn: Xã Liên Vị, xã Liên Hòa, phường Yên Hải...
Các phương tiện tàu, thuyền qua lại khu vực này thường giảm tốc độ chậm lại để quan sát, tránh va quệt vào các lồng, bè của ngư dân. Nguy hiểm hơn vào buổi tối, tầm quan sát bị hạn chế, các phương tiện qua lại đây rất dễ xảy ra va chạm. Không những vậy, nếu gặp thời tiết sóng to, gió lớn nếu hệ thống lồng, bè không được buộc dây chắc chắn rất dễ bị trôi dạt tự do gây nguy hiểm đến phương tiện qua lại khu vực sông Chanh. Mặt khác, nguồn nguyên liệu làm lồng bè bằng gỗ, tre, nứa, phao xốp hoặc phao phi, thường có tuổi thọ rất thấp, chống chịu kém với tác động của sóng gió, nên đã làm phát sinh một lượng lớn rác thải ra môi trường biển, tác động trực tiếp đến cảnh quan, môi trường sông, biển.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Trần Đức Thắng, Chủ tịch UBND TX Quảng Yên cho biết: UBND TX Quảng Yên đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn thành lập ngay đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành ra quân lập lại trật tự an toàn giao thông đường thủy. Đoàn kiểm tra liên ngành sẽ kiểm tra, xử lý triệt để những lồng bè nuôi xâm lấn, vi phạm luồng lạch đường thủy do TX Quảng Yên quản lý.
Đối với những lồng, bè kéo vào địa bàn nuôi dưỡng trong thời gian ngắn, yêu cầu đoàn kiểm tra liên ngành cùng với địa phương ký cam kết đến từng chủ hộ nuôi, trước tháng 2/2022, yêu cầu di dời ra khỏi địa bàn. Nếu hộ nào cố tình vi phạm sẽ xử lý nghiêm đúng quy định. Bên cạnh đó, yêu cầu các xã, phường tiếp tục rà soát, tuyên truyền, vận động ngư dân chuyển đổi lồng bè nuôi bằng phao xốp, tre, nứa... sang vật liệu phao nổi phù hợp đáp ứng yêu cầu theo Quy chuẩn tại Quyết định số 30/2021/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung một số điều quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ tại Quảng Ninh.
Phạm Tăng
Liên kết website
Ý kiến ()