Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:59 (GMT +7)
Nuôi trồng thủy sản gắn với sức tải của môi trường
Thứ 6, 26/11/2021 | 07:13:24 [GMT +7] A A
Bên cạnh những thành tựu nổi bật đã đạt được, hiện hoạt động nuôi trồng thủy sản (NTTS) của Quảng Ninh cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Trong đó, việc đánh giá sức tải môi trường biển được cho là giải pháp cấp thiết và quan trọng, làm căn cứ xây dựng kế hoạch chi tiết sử dụng khu vực biển để NTTS, phù hợp với chủ trương phát triển bền vững của tỉnh.
Theo tổng hợp từ các địa phương ven biển, diện tích bãi triều ven biển và mặt nước biển nuôi nhuyễn thể theo quy hoạch trên địa bàn toàn tỉnh đạt khoảng 4.590 ha, tăng 1.312 ha so với năm 2013. Tuy nhiên theo khảo sát thực địa của Sở NN&PTNT, hiện nay việc người dân tự ý khoanh nuôi tại các vùng bãi triều, vùng nước biển có tiềm năng chưa được quy hoạch là rất phổ biến với diện tích lớn, sản lượng chưa được thống kê đánh giá lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn tấn, nhất là nuôi hàu Thái Bình Dương tại huyện Vân Đồn và nuôi hàu Cửa Sông (hàu vàng) tại TX Quảng Yên.
Việc gia tăng sản lượng nuôi lớn đã khiến cho mỗi năm có hàng nghìn tấn chất thải từ hoạt động này đổ trực tiếp ra biển, gây ô nhiễm cho vùng nước ven bờ, ảnh hưởng tới môi trường và hệ sinh thái. Theo các chuyên gia, khả năng tự làm sạch và sức chịu tải môi trường có giới hạn, lượng chất thải đưa vào đến một mức nào đó sẽ vượt ngưỡng chịu tải, gây tổn thất và suy thoái môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe hệ sinh thái và con người. Dưới áp lực phát triển, lượng chất thải đưa xuống các thủy vực ven bờ ngày càng tăng, tất yếu sẽ dẫn đến trạng thái vượt tải và khủng hoảng môi trường, kéo theo những tác nhân gây bệnh lên các đối tượng nuôi.
Điển hình, như năm 2012, dịch bệnh xảy ra trên tu hài nuôi ở Vân Đồn đã gây tổn thất nặng nề cho gần 700 hộ dân, thiệt hại ước tính trên 200 tỷ đồng. Năm 2018 có 400 ha diện tích nuôi ngao Bến Tre, ngao dầu ở Hải Hà bị thiệt hại (chiếm 11% tổng diện tích nuôi). Nguyên nhân gây chết cho tu hài là do nhiễm ký sinh trùng Perkinsus và do mật độ nuôi quá dày. Còn tại Hải Hà là do mật độ nuôi ngao gấp 6 lần khuyến cáo mật độ nuôi của Tổng Cục Thủy sản (trên 500 con/m2), dẫn đến cơ sở thức ăn kém, ngao, hàu gầy yếu, sức đề kháng giảm, gặp tác động bất lợi của yếu tố môi trường đã dễ bị nhiễm bệnh.
Đối với cá biển cũng đã ghi nhận bị chết do bệnh dịch trên địa bàn TP Cẩm Phả và huyện Vân Đồn. Năm 2016 có 14 ô lồng nuôi cá giò (8-10 tấn cá thương phẩm) của 8 hộ dân tại khu vực Cẩm Phả và Vân Đồn bị chết hoàn toàn do thiếu ôxy cục bộ, điều kiện quản lý chăm sóc kém. Tiếp đó, giữa tháng 8/2020 một số cơ sở nuôi cá lồng bè tại khu vực đảo Ông Cụ (phường Cẩm Đông, Cẩm Phả) xuất hiện hiện tượng cá nuôi chết nhiều, khối lượng ước khoảng 20 tấn. Kết quả xét nghiệm phát hiện vi rút gây bệnh hoại tử thần kinh trên cá song và vi khuẩn streptococcussp trên cá chim vây vàng. Nguyên nhân cá bị chết do mưa lớn kéo dài làm phân tầng nước dẫn đến chênh lệch độ mặn, nhiệt độ và ô xy hòa tan trong lồng nuôi, chất thải tích trữ ở nền đáy cao… cá bị stress, giảm sức đề kháng, trở thành tác nhân gây bệnh và làm chết cá hàng loạt.
Để đưa ra khuyến cáo cho người dân, từ năm 2015 đến nay, Chi cục Thủy sản đã thực hiện nhiệm vụ quan trắc môi trường thủy sản tại vùng NTTS trên biển tại Hải Hà, Vân Đồn, Cẩm Phả. Đến nay đã thu và phân tích được 1.719 điểm nuôi biển. Tuy nhiên, việc lấy mẫu vẫn thực hiện thủ công và mất thời gian từ 1-3 ngày phân tích trong phòng thí nghiệm. Đồng thời khi có kết quả thông số quan trắc vượt ngưỡng tiêu chuẩn, nguy cơ ô nhiễm thì không thể xử lý dứt điểm và cải thiện nguồn nước do diện tích vùng nuôi lớn và có sự lưu thông dòng chảy thường xuyên.
Theo các chuyên gia của Viện Tài nguyên và Môi trường biển, một trong những giải pháp căn cơ có thể giải quyết các tồn tại này là cần có đánh giá sức tải môi trường biển ở các vùng nuôi. Kinh nghiệm từ nhiều nước cho thấy, chi phí cho việc cải tạo môi trường còn lớn hơn gấp nhiều lần so với chi phí sử dụng để phòng ngừa ô nhiễm. Vì vậy, việc đánh giá được sức chịu tải môi trường cho phép chúng ta hiểu biết được tiềm năng chịu tải và năng lực còn cho phép để điều chỉnh các hoạt động KT-XH, đưa ra các giải pháp quản lý và kỹ thuật phù hợp nhằm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững các thủy vực này.
Ông Đỗ Đình Minh, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), cho biết: Chi cục đã báo cáo, đề xuất UBND tỉnh cho triển khai Dự án đánh giá, xác định sức tải môi trường tại các khu vực NTTS tập trung trên biển. Ngay khi được phê duyệt, đơn vị sẽ triển khai một loạt các hoạt động liên quan như: Điều tra, thu thập số liệu từ các nguồn phát thải thủy sản; đánh giá ảnh hưởng của các hoạt động phát triển KT-XH đến NTTS; đánh giá ảnh hưởng của các hoạt động phát triển giao thông, du lịch, hoạt động dân sinh, đô thị hóa và các nguồn thải đến môi trường và hoạt động NTTS; đánh giá ảnh hưởng của hoạt động NTTS tập trung đến các ngành nghề kinh tế chủ yếu tại các địa phương; nghiên cứu, đánh giá tổng tải lượng chất ô nhiễm trong môi trường nước; đề xuất phương án nuôi biển bền vững đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường. Trên cơ sở đó sẽ xây dựng được bản đồ sức tải môi trường các khu vực NTTS tập trung trên biển huyện Đầm Hà, Tiên Yên, Vân Đồn, Cẩm Phả (tỷ lệ 1/50.000) và Bản đồ sức tải môi trường các khu vực nuôi trồng thủy sản tập trung trên biển tỉnh Quảng Ninh (tỷ lệ 1/100.000). Đây sẽ là căn cứ để quy hoạch, xây dựng được vùng NTTS tập trung gắn với đối tượng nuôi chủ lực đặc thù trên cơ sở sức tải môi trường, nhằm phát triển nuôi biển theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()