Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:20 (GMT +7)
Xử lý nghiêm tình trạng xả rác thải từ các tàu cá
Thứ 3, 31/08/2021 | 07:43:29 [GMT +7] A A
Là Di sản thiên nhiên thế giới, nhưng mỗi năm Vịnh Hạ Long phải tiếp nhận hàng nghìn tấn rác thải, trong đó phần lớn là từ các tàu cá của ngư dân đánh bắt trên biển. Qua ghi chép, theo dõi của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long con số này có xu hướng tăng lên mỗi năm. Để xử lý dứt điểm tình trạng này đòi hỏi các ngành chức năng cần phải có các biện pháp thật mạnh tay.
Đứng trước nguy cơ ô nhiễm nặng nề bởi nguồn rác thải do phần lớn từ hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản gây ra, hàng năm, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã dành khoảng 10 tỷ đồng để thuê 2 đơn vị tổ chức thu gom, xử lý rác thải trôi nổi trên biển và khu vực ven bờ.
Theo hợp đồng, mỗi ngày Công ty CP Thương mại Phúc Thành và Công ty CP Công viên cây xanh sẽ bố trí 50 nhân viên và khoảng 30 tàu để tổ chức thu gom rác từ Cột 8 đến chân Bến phà cũ và một số tuyến điểm du lịch trên biển.
Trung bình 4 tấn là lượng rác thải được 2 đơn vị tổ chức thu gom mỗi ngày, tuy nhiên, khi các tàu vớt rác đi qua, túi ni lông, chai lọ, thùng xốp, vỏ hộp nhựa lại nổi lềnh bềnh khắp mặt biển. Khi gặp thủy triều và gió, rác sẽ bị đẩy từ khu vực này sang khu vực khác, rác bám vào các bãi đá, bãi tắm.
Mặc dù TP Hạ Long đã tổ chức tuyên truyền, vận động và huy động các đơn vị ra quân thu gom, xử lý rác thải trên biển, tuy nhiên do diện tích mặt biển quá lớn, chỉ tính riêng khu vực vùng lõi đã trên 450km2, cộng với ý thức và thói quen bừa bãi trong sinh hoạt của ngư dân nên việc xử lý dứt điểm tình trạng này là rất khó khăn.
Ông Dương Văn Khu (chủ tàu QN.004, TX Quảng Yên) khẳng định: Hiện 100% các tàu cá đều không có thùng chứa rác thải vì từ trước đến nay mọi người đều quen với việc xả rác trực tiếp xuống biển.
Để đánh giá cụ thể về lượng rác thải vô cơ phát sinh ở các tàu cá, năm 2020, Hội Nghề cá tỉnh đã phối hợp với Hội Phụ nữ tỉnh, Ban điều hành dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng quản lý, thu gom và xử lý rác thải nhựa vùng ven biển Vịnh Hạ Long” tổ chức kiểm toán rác sinh hoạt trên 18 tàu cá của các ngư dân khu 8 (phường Hà Phong, TP Hạ Long) và bến cá phường Hà Phong. Qua kiểm toán cho thấy, lượng rác thải phát sinh trên các tàu cá là rất lớn. Trong 7 ngày, lượng rác thải tiếp nhận từ 18 tàu cá là 136kg. Trong đó, bao bì, túi ni lông chiếm khối lượng nhiều nhất với 72kg, tiếp đến là vỏ bánh kẹo, giấy, chai nhựa cứng, thủy tinh, hộp xốp. Điều đáng nói là trong quá trình thu thập thông tin, trò chuyện với các ngư dân, các thành viên tàu cá đều thừa nhận từ trước đến nay, không quan tâm đến việc phải thu gom, phân loại, đưa rác về bờ.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 8.100 tàu cá các loại. Trong đó, tàu hoạt động khu vực ven bờ là chủ yếu với gần 8.000 chiếc. Trung bình mỗi tàu cá hoạt động khu vực ven bờ có khoảng 2-4 lao động, như vậy lượng lao động trên biển có thể lên tới con số 2 vạn người và chưa kể hàng trăm chiếc tàu cá ở các tỉnh thành lân cận. Còn với những tàu tuyến lộng, do mỗi chuyến ra khơi mất khoảng 7-15 ngày nên các tàu thường phải có từ 5-8 lao động, lượng thực phẩm chuẩn bị cho một chuyến đi biển dài ngày như vậy thường khá nhiều, kèm theo lượng rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày. Tuy nhiên, tất cả các tàu tuyến khơi khi quay trở về đều sạch rác, không có rác để thu gom mang lên bờ xử lý. Điều này cũng đã được các địa phương xác nhận sau khi tổ chức các đoàn kiểm tra tàu cá.
Được biết, vấn nạn này không chỉ có riêng ở Quảng Ninh mà đều diễn ra ở các tỉnh ven biển. Tuy nhiên, nhiều địa phương đã có những cách làm riêng, rất hay để tìm lại màu xanh cho môi trường. Điển hình như ở cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), các phương tiện khi xuất bến qua Trạm Kiểm soát Biên phòng Mân Quang (thuộc Đồn Biên phòng Sơn Trà) thì đều phải trình phiếu thu gom rác thải do Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang cấp thì mới đủ thủ tục để xuất bến ra khơi khai thác hải sản. Câu chuyện ngư dân “đổi” rác để lấy “giấy xuất bến” ra khơi tưởng như đùa mà có thật nhưng đã giúp làm sạch trở lại một “điểm nóng” về môi trường cho TP Đà Nẵng. Nhiều địa phương thì xây bể chứa nước ngọt ngay tại bến cá để ngư dân đổi rác lấy nước… Chính những cách làm này đã giúp nâng cao ý thức trách nhiệm của ngư dân đối với vấn đề bảo vệ môi trường.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng của tỉnh ngoài việc tổ chức tuyên truyền, vận động ngư dân thì cần phải có những biện pháp mạnh tay và kiên quyết hơn nữa, tránh để ảnh hưởng xấu đến vùng di sản nói riêng và hình ảnh một Quảng Ninh “xanh” nói chung.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()