Tất cả chuyên mục

Xuân đã về trên mọi miền Tổ quốc. Mỗi dịp Tết đến, xuân về, người dân Quảng Ninh lại bồi hồi nhớ Bác Hồ. 60 năm trước, cùng dịp tiết xuân, ngày 19 và 20/2/1960 (tức ngày 23 và 24 tháng Giêng năm Canh Tý), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm tỉnh Hải Ninh - nay là tỉnh Quảng Ninh. 60 năm đã qua nhưng nhiều người dân Móng Cái còn vẹn nguyên ký ức về chuyến thăm vào mùa xuân năm Canh Tý 1960 của Bác.
![]() |
Nhân dân các dân tộc tỉnh Hải Ninh vui mừng đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm tỉnh ngày 19 và 20/2/1960. (Nguồn ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh) |
Niềm vui ngập tràn
Ngày 19 và 20/2/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm đồng bào các dân tộc tỉnh Hải Ninh - nay là tỉnh Quảng Ninh trong bối cảnh tỉnh Hải Ninh vừa thu được nhiều thành tựu trong công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa. Ngày 23/2/1960, Bác thăm tỉnh Lạng Sơn.
Tới tra cứu tại Thư viện tỉnh Quảng Ninh, tôi may mắn tìm được số báo Nhân Dân ra ngày 27/2/1960 đã đưa tin về sự kiện này với tiêu đề “Hồ Chủ tịch đến thăm các tỉnh Hải Ninh và Lạng Sơn”.
![]() |
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đồng bào các dân tộc tỉnh Hải Ninh tại sân vận động Móng Cái, ngày 20/2/1960. (Theo ông Vũ Thế Kỳ, công trình giữa ảnh là cổng Huyện đội Móng Cái, nay là cổng trụ sở Ban CHQS TP Móng Cái). Nguồn ảnh: Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh |
Tin mô tả: “Hai bên đường phố thị xã Móng Cái, nhân dân đứng rất đông vẫy chào Hồ Chủ tịch. Tiếng hoan hô vang lên không ngớt. Chiều hôm đến, Hồ Chủ tịch đã đi thăm ngay lò bát Móng Cái, xưởng cơ khí làm nông cụ đang xây dựng, một trường trung học, một trường tiểu học Việt, một trường tiểu học Hoa và một trường thiếu niên rẻo cao. Hôm sau đến thăm nông trường Hữu Nghị trồng cao su, thăm Hợp tác xã Soáy Nguồn và xem triển lãm thành tựu của tỉnh Hải Ninh”.
Một không khí hồ hởi, phấn khởi của người dân Hải Ninh được báo Nhân Dân mô tả: “Thị xã Móng Cái được đón Hồ Chủ tịch tưng bừng như ngày hội. Được gặp Bác Hồ đã trở thành niềm vui chung tràn ngập. Già, trẻ, gái, trai ai cũng tươi cười, hớn hở được nhìn thấy Bác Hồ khoẻ mạnh. Các em thiếu nhi vỗ tay, nhảy nhót, reo cười. Ở Hải Ninh, gần 2 vạn đồng bào các dân tộc đã họp mít tinh nhiệt liệt đón chào Hồ Chủ tịch”.
![]() |
Báo Nhân Dân số ra ngày 27/2/1960 đưa tin về chuyến thăm tỉnh Hải Ninh và tỉnh Lạng Sơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. |
Ngoài đăng những nội dung chính chỉ bảo trong bài nói chuyện của Bác với nhân dân hai tỉnh, tin còn cho biết: “Ở mỗi tỉnh, Hồ Chủ tịch đều thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ thân ái thăm hỏi và khen ngợi đồng bào các dân tộc, bộ đội, cán bộ và nhi đồng về những thành tích đã đạt được trong kháng chiến và từ khi hoà bình lập lại.
Những lời ân cần của Hồ Chủ tịch đã làm cho cán bộ, nhân dân tỉnh Hải Ninh thêm phấn khởi. Mọi người đều hứa quyết tâm thực hiện tốt những điều ân cần ấy. Lòng kính yêu Bác Hồ, hình ảnh và tiếng nói của vị lãnh tụ thân yêu đang trở thành sức mạnh sản xuất cho mỗi người công nhân, nông dân, nhân dân lao động và cán bộ trong toàn tỉnh Hải Ninh”.
Ký ức không quên
Để hiểu rõ hơn sự kiện lịch sử Bác Hồ về thăm tỉnh Hải Ninh ngày 19 và 20/2/1960, tôi đã tìm gặp một trong những người vinh dự được dự cuộc nói chuyện của Bác với đồng bào Hải Ninh sáng 20/2/1960, đó là ông Vũ Thế Kỳ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Móng Cái, hiện là Trưởng Ban Đại diện người cao tuổi TP Móng Cái.
![]() |
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh cùng cô và trò Trường Cấp I, II Móng Cái. (Người đứng giáp tay trái Bác là cô giáo Hoàng Kim Điệp, hiện cư trú tại số nhà 28, phố Đào Phúc Lộc, phường Trần Phú, TP Móng Cái). Nguồn ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh |
“Năm 1960, tôi là cậu bé 12 tuổi nhưng còn nhớ rất rõ ngày lịch sử ấy” - ông Kỳ mở đầu câu chuyện. Ngày thứ bảy (20/2/1960), từ sáng sớm, người dân các xã Trà Cổ, Bình Ngọc được cán bộ thông báo lên Móng Cái dự mít tinh đón Bác Hồ về thăm. Từ quê nhà Bình Ngọc, ông Kỳ theo mọi người háo hức về Móng Cái. Từ Bình Ngọc, Trà Cổ về Móng Cái dài 8km, mọi người phải đi bộ, đi đò qua sông Mắn Thí. Dù rảo bước rất nhanh nhưng khi lên đến Móng Cái thì buổi mít tinh đã bắt đầu được lúc rồi. Không len được vào gần để nhìn Bác được rõ hơn, ông Kỳ cùng mọi người đành phải đứng vòng ngoài, chỗ cổng Ban Chỉ huy Quân sự TP Móng Cái bây giờ.
Dẫn tôi ra nơi Bác nói chuyện với đồng bào Hải Ninh ngày 20/2/1960, ông Kỳ cho biết khi đó, trụ sở Tỉnh uỷ Hải Ninh chính là trụ sở Thành uỷ Móng Cái bây giờ. Vị trí cầu Ka Long chạy qua và Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Móng Cái ngày nay khi ấy là bãi đất trống rộng rãi, nơi để mọi người chơi thể thao. Hôm ấy, Bác đứng trên kỳ đài, quay mặt về phía trụ sở Tỉnh uỷ Hải Ninh. Phía bên phải kỳ đài nhìn xuống là cổng Huyện đội Móng Cái, có các nhà chiếu bóng, nhà triển lãm, hội trường tỉnh. Ngày nay, trụ sở Huyện đội là Trụ sở Ban Chỉ huy Quân sự TP Móng Cái, còn các nhà chiếu bóng, nhà triển lãm... chính là khu vực giao nhau giữa đại lộ Hòa Bình và đường Nguyễn Du.
“Tôi đứng rất xa, nhìn thấy Bác đứng trên diễn đàn để nói với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Hải Ninh. Cảm xúc rất sung sướng vì lần đầu tiên được dự cuộc mít tinh lớn mà Bác nói chuyện ở đó” - Đôi mắt ông Kỳ bừng lên niềm vui.
![]() |
Ông Vũ Thế Kỳ, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Móng Cái (bên phải) và thầy giáo cũ của mình - cụ Nguyễn Đôn Tạo, nguyên Phó Ty Giáo dục tỉnh Hải Ninh kiêm Hiệu trưởng Trường Cấp I, II Móng Cái, xem lại ảnh tư liệu về Bác Hồ thăm tỉnh Hải Ninh năm 1960 đăng trên báo Quảng Ninh Điện tử. |
Ông Kỳ tự hào kể, ngoài lần trên ông còn được gặp Bác một lần nữa đó là ngày 8/5/1961, khi Bác Hồ đến nghỉ ở Trà Cổ, hôm sau ra Cô Tô. Khi đó, đang học lớp 7 ở Trường cấp II Trà Cổ thì nhận được tin Bác Hồ đến, cả lớp học chạy ùa ra, thầy giáo cũng chạy theo. Bác nói chuyện với bà con trên đảo, thăm hỏi đồng bào có sản xuất tốt không, đánh bắt cá như thế nào, các cháu học sinh có học giỏi không... Sau đó, Bác cho kẹo các cháu, mỗi cháu 1-2 cái. Ông Kỳ không ăn mà giữ cái kẹo đấy suốt nhiều ngày và đem đi khoe khắp nơi.
Để giúp tôi hiểu hơn, ông Kỳ đưa tôi đến gặp vợ chồng cụ Nguyễn Đôn Tạo là những người đã được đón Bác Hồ thăm Hải Ninh xuân Canh Tý 1960. Căn nhà số 28 của cụ Tạo nằm cuối con phố Đào Phúc Lộc yên bình. Năm nay 88 tuổi, cụ Tạo khoẻ mạnh và rất nhớ chi tiết sự kiện được đón Bác.
Cụ Tạo cho biết, năm 1960, cụ đang là Phó Ty Giáo dục tỉnh Hải Ninh kiêm Hiệu trưởng Trường cấp I, II Móng Cái. Trường khi ấy có hai lớp 1, hai lớp 2, hai lớp 3, một lớp 4 và bốn lớp cấp 2, học sinh đều là người Việt (Móng Cái khi ấy có Trường tiểu học, trung học Hoa văn dành cho học sinh người Hoa). Trước hôm Bác về thăm, cụ Tạo được cấp trên cho biết Bác sẽ về thăm trường nhưng phải tuyệt đối bí mật. Sáng ngày 20/2/1960, cụ hồi hộp chờ cả buổi nhưng không thấy Bác.
“Khoảng hơn 12h trưa, tôi đang thiu thiu ngủ trong văn phòng thì học sinh ào vào: Thầy ơi, Bác Hồ đến, Bác Hồ đến!.” - cụ Tạo xúc động nhớ lại và kể tiếp: Tôi chạy ra thì Bác đã qua cổng, đi vào lớp rồi. Bác thăm lớp 3 rồi rẽ sang lớp 4, thăm lớp 1. Bác dừng lại hỏi chuyện các cháu và cô giáo. Học trò biết Bác đến thăm trường chạy đến rất đông, rồi người dân xung quanh cũng chạy đến ngắm Bác khiến công an vất vả giữ trật tự. Bác nói chuyện một lát, căn dặn các cháu chăm ngoan, học giỏi rồi ra về. Đồng chí Hoàng Chính, Bí thư Tỉnh uỷ đi cùng đề nghị Bác chụp ảnh với các cháu. Bác đồng ý. Học sinh bèn chen nhau ai cũng muốn mình đứng gần Bác. Bác nhìn quanh rồi hỏi sao không có cô giáo? Vợ tôi (cụ Hoàng Kim Điệp, nay 81 tuổi), khi ấy đang dạy lớp 1, vì vậy may mắn được đứng cạnh, bên tay trái Bác.
![]() |
Ông Vũ Thế Kỳ tại nơi ngày 20/2/1960 là kỳ đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với đồng bào các dân tộc tỉnh Hải Ninh - nay thuộc khuôn viên Phòng GD&ĐT TP Móng Cái. |
Thật tiếc, hôm tôi đến nhà, cụ Điệp bận công việc vắng nhà. Xem lại bức ảnh Bác Hồ chụp với cô và trò trường mình ngày xưa, cụ Tạo vẫn còn nhớ một số tên học trò. Cụ tự hào chỉ 1 trò ngồi ngay dưới chân Bác tên là Đặng Ngọc Hùng. Trò Hùng nay là Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Giám đốc Viện Quân y 103, hiện là Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Thành. Qua điện thoại kết nối của ông Kỳ ngay tại nhà cụ Tạo, từ Hà Nội, ông Hùng xúc động chào, hỏi thăm sức khoẻ thầy giáo cũ và mong muốn được về gặp lại thầy, bạn xưa để ôn lại kỷ niệm không quên được đón Bác, chụp ảnh với Bác tại sân trường ngày 20/2/1960.
Đã gần tới giờ Ngọ. Nắng mới bừng lên xua bớt hơi lạnh. Ông Kỳ dẫn tôi đi thăm những địa điểm ngày xưa Bác đã tới thăm Móng Cái mùa xuân Canh Tý 1960. Tất cả giờ đã đổi thay. Vị trí kỳ đài Bác đã nói chuyện với đồng bào tại sân vận động nay là khuôn viên Phòng GD&ĐT thành phố, trước kỳ đài nay là cầu Ka Long chạy qua. Xưởng gốm sứ nằm sát bờ sông giờ chính là khu vực Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Xã Đoan Tĩnh giờ là phường Hải Yên. Hợp tác xã Đoan Tĩnh, Lâm trường Hữu Nghị giờ không còn. Vị trí Trường Cấp I, II Móng Cái nay là khu trụ sở các ngân hàng. Móng Cái - thành phố cửa khẩu đang chuyển mình đổi thay, định hướng trở thành một cực tăng trưởng kinh tế năng động bền vững của tỉnh Quảng Ninh và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; phù hợp với chiến lược phát triển biển Việt Nam.
Một mùa xuân mới ấm áp đang về và đầy ắp cảm xúc nhớ Bác của người Móng Cái.
Trần Minh
Ý kiến (0)